Hiện nay, nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ tồn tại trên giấy. HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước là đơn vị hiếm hoi hoạt động có hiệu quả, những HTX còn lại vẫn chưa có hướng đi rõ ràng…
Kỳ cuối: Làng nghề vẫn khó trăm bề
Hiện nay, nhiều HTX tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ tồn tại trên giấy. HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước là đơn vị hiếm hoi hoạt động có hiệu quả, những HTX còn lại vẫn chưa có hướng đi rõ ràng…
Hợp tác xã Gốm Vạn Bình tan rã, cả làng gốm hiện chỉ còn 1 hộ theo nghề. |
Khó trăm bề
Đến làng đúc đồng Phú Lộc bây giờ, khách phương xa không còn thấy cảnh tấp nập một thời; những nghệ nhân lớn tuổi trong làng đượm buồn khi nghĩ về nhiều lò đúc đã nguội lạnh từ lâu. Ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm HTX Đúc đồng Phú Lộc cho biết, làng nghề đúc đồng Phú Lộc được hình thành từ thế kỷ XIX và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Năm 1979, làng nghề phát triển thành HTX Đúc Cao Thắng nhưng hoạt động đến năm 1988 thì giải thể. Năm 2003, thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề, HTX Đúc đồng Phú Lộc được thành lập với 20 xã viên. Hiện nay, do không có mặt bằng sản xuất, thiếu thị trường nên HTX không quản lý mà khoán trắng sản phẩm cho từng hộ. Hiện nay, cả làng chỉ còn 5 - 6 hộ theo nghề. Nghề đúc đồng ở Phú Lộc thêm một lần nữa phải đối diện với nguy cơ bị mai một, HTX Đúc đồng Phú Lộc có thể sẽ tan rã...
Thực tế, các sản phẩm của xã viên làm ra rất khó tiêu thụ. Bên cạnh mẫu mã đơn điệu, sản phẩm chủ yếu là đồ thờ cúng nên thị trường nhỏ, không ổn định, chỉ hoạt động 6 tháng cuối năm. HTX đã từng sản xuất thử một số sản phẩm phục vụ du lịch nhưng thiếu quảng bá nên không có người mua. Trong khi đó, HTX chưa liên kết các hộ sản xuất, việc tranh giành mua bán nguyên liệu và sản phẩm giữa các xã viên vẫn thường xuyên xảy ra. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến hoạt động của HTX khó khăn là hoạt động mang tính chắp vá, không có thông tin thị trường nên chưa thể phát huy vai trò trong việc hỗ trợ xã viên. Ngoài ra, giá nguyên liệu đồng, chất đốt tăng cao, trong khi sản phẩm tiêu thụ rất chậm, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của xã viên.
Sản phẩm chính của Hợp tác xã Đúc đồng Phú Lộc chỉ tiêu thụ một vài thời điểm nhất định. |
Ông Nhường phân tích: “Chỉ tính riêng nguyên liệu đầu vào, có thời điểm giá đồng nguyên liệu lên đến 150.000 đồng/kg, cộng với chi phí chất đốt, nhân công cũng tăng hơn 30%. Vì vậy, giá thành sản phẩm phải tăng nên rất khó cạnh tranh với những vật dụng thờ cúng khác được làm bằng sành sứ, nhựa, gỗ mỹ nghệ... Để sản xuất được một bộ chân đèn, lư hương phải tốn khoảng 10kg đồng, trong khi giá bán chỉ 1,4 triệu đồng/bộ nên thu nhập của người thợ làm nghề không cao, vì vậy không ít xã viên HTX đã bỏ nghề đúc”.
Chỉ còn trên danh nghĩa
HTX Gốm Vạn Bình (huyện Vạn Ninh) được khôi phục từ năm 2002, nhưng hiện nay, HTX này chỉ tồn tại trên danh nghĩa (chưa giải thể), ban chủ nhiệm đã viết đơn từ nhiệm. Cả làng gốm Vạn Bình bây giờ chỉ còn mỗi hộ ông Lê Văn Hai là còn theo nghề. Trò chuyện với người làng gốm, ai cũng cho rằng HTX Gốm Vạn Bình tan rã là điều tất yếu bởi thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống của làng nghề đã bị thu hẹp nhiều. Ông Lê Văn Hai tâm sự: “Làng gốm Vạn Bình có tuổi đời đến 200 năm. Cách đây mấy chục năm, hơn 20 lò gốm trong làng luôn rực lửa, các sản phẩm như: vại, lu, chậu, lò than... làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Còn bây giờ, sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh trên thị trường nên việc đóng cửa lò gốm là khó tránh khỏi”.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước. |
Ông Nguyễn Văn Mến - nguyên chủ nhiệm HTX Gốm Vạn Bình cho biết, gia đình ông đã 4 đời theo nghề gốm nhưng vì bất lực trong việc khôi phục làng nghề, HTX hoạt động không hiệu quả nên ông đã viết đơn từ chức chủ nhiệm HTX. Theo ông Mến, năm 2002, từ nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ, địa phương đã cử 4 nghệ nhân trẻ đi học nghề tại tỉnh Quảng Nam; đến cuối năm ấy, HTX Gốm Vạn Bình cũng được thành lập với hy vọng sẽ làm khởi sắc làng nghề. Thế nhưng, mọi kỳ vọng đều tiêu tan. HTX gốm Vạn Bình với 20 xã viên ban đầu giờ chỉ tồn tại trên giấy.
Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Bình chia sẻ: HTX tan rã là do sản phẩm của xã viên không nổi bật, trình độ tay nghề của nghệ nhân chưa cao; vốn do xã viên đóng góp không nhiều nên không thể đầu tư máy móc thiết bị để làm ra các sản phẩm tinh xảo. Đa số thợ làm gốm trong xã chỉ mới có trình độ THCS nên rất khó hướng nghiệp. Muốn đạt đến độ tinh xảo, gốm mỹ nghệ địa phương cần phải có thợ có tay nghề và trình độ đại học về mỹ thuật. Đây chính là trăn trở của chính quyền địa phương.
Điển hình hiếm hoi
Hiện nay, HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước ở thị xã Ninh Hòa là đơn vị duy nhất hoạt động có hiệu quả, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2005.
Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng Hành chính HTX cho biết, HTX Vĩnh Phước là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở trong nước. Gần 30 năm phát triển, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng HTX vẫn trụ vững là do chủ động củng cố hệ thống nhân sự, nâng cao năng suất lao động; tăng cường các giải pháp xúc tiến, tìm kiếm khách hàng, thị trường mới; luôn tìm tòi, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Được biết, để ổn định nguồn nguyên liệu, lãnh đạo HTX đã đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, sang Campuchia để xây dựng vùng nguyên liệu... Nhờ thế, HTX không còn khó khăn về nguồn nguyên liệu mà đang tập trung để tìm kiếm thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng của từng sản phẩm. Đến thời điểm này, HTX đã phát triển nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành trong nước; hàng ngàn chủng loại sản phẩm của HTX đã có mặt tại thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đưa chúng tôi tham quan xưởng sản xuất, bà Phương cho biết thêm, HTX hiện có 186 xã viên góp vốn, đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 800 lao động tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu hơn 100.000 sản phẩm sang thị trường các nước với giá trị hơn 20 tỷ đồng. “Tuy thị trường xuất khẩu bị thu hẹp nhưng nhờ uy tín, chất lượng sản phẩm của đơn vị nên nhiều khách hàng lớn vẫn đặt hàng. Hiện HTX tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng khâu thiết kế để tạo ra được những sản phẩm độc đáo; chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường...” - bà Phương nói.
Cần được hỗ trợ
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, HTX TTCN là một trong những đối tượng được thụ hưởng các chính sách khuyến công quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, nếu so sánh với các thành phần công nghiệp nông thôn khác thì số HTX được hỗ trợ chưa nhiều, bởi rất ít HTX liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, các HTX TTCN muốn tồn tại và phát triển cần phải thay đổi toàn diện về tổ chức; phải xây dựng đề án phát triển, trong đó phải đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, tạo cho được những mẫu mã độc đáo; phải có chiến lược quảng bá sản phẩm, chú trọng công tác thị trường; phải huy động được nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất” - ông Ngọc nói.
Ông Trịnh Công Ấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, thời gian tới, trong định hướng phát triển kinh tế tập thể, tỉnh cần đầu tư cho thành phần kinh tế HTX như: có chính sách khuyến khích nguồn nhân lực có trình độ vào làm việc trong các HTX; tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất bằng cách ưu tiên cho các HTX TTCN thuê đất tại các cụm, điểm công nghiệp để sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường...
BÍCH LA
Kỳ 1: Bức tranh buồn của các hợp tác xã nông, diêm nghiệp
Kỳ 2: Bấp bênh hợp tác xã thủy sản
Kỳ 3: Hợp tác xã giao thông, vận tải: Chưa đáp ứng được yêu cầu