11:11, 09/11/2014

Kinh tế hợp tác xã: Khó khăn tìm hướng phát triển (kỳ 3)

Có một thời, các hợp tác xã giao thông, vận tải ăn nên làm ra. Các cơ sở kinh doanh vận tải theo hướng này thi nhau ra đời. Nhưng, thời vàng son đã qua....

Kỳ 3: Hợp tác xã giao thông, vận tải: Chưa đáp ứng được yêu cầu

 

Có một thời, các hợp tác xã giao thông, vận tải (HTX GTVT) ăn nên làm ra. Các cơ sở kinh doanh vận tải theo hướng này thi nhau ra đời. Nhưng, thời vàng son đã qua....


Chỉ còn cái vỏ


Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến HTX Vận tải Vạn Ninh, nhưng không ai biết đơn vị này đóng ở đâu. Tại phòng điều động của Bến xe thị trấn Vạn Giã, mấy anh nhân viên cười giải thích: “Lâu nay HTX có hoạt động gì đâu, nghe nói đang chờ giải thể”. Hỏi số điện thoại của Ban chủ nhiệm HTX cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Tìm hiểu mới biết, trong số 16 HTX GTVT đóng trên địa bàn tỉnh, thì những đơn vị đang lâm vào hoàn cảnh như HTX Vận tải Vạn Ninh là không hiếm.

 

Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa (thuộc Hợp tác xã Quyết Thắng) đơn vị mới gia nhập Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa.
Công ty TNHH Quyết Thắng Khánh Hòa (thuộc Hợp tác xã Quyết Thắng) đơn vị mới gia nhập Liên minh Hợp tác xã Khánh Hòa.


Tìm đến trụ sở của HTX Vận tải hàng hóa Ninh Hòa và HTX Vận tải cơ giới đường bộ Ninh Hòa cũng cửa đóng, then cài, dù đang trong giờ hành chính. Gọi vào số điện thoại của chủ nhiệm HTX Vận tải cơ giới đường bộ Ninh Hòa thì ông cáo lỗi vì phải đi lái xe để kiếm tiền. Tìm đến nhà riêng của ông Hồ Viết Đệ - Chủ nhiệm HTX Vận tải hàng hóa Ninh Hòa mới biết, suốt cả tháng nay HTX đóng cửa. Pha vội ấm trà mời khách, ông Đệ buồn rầu tâm sự: “HTX có 150 xã viên, giờ giải tán hết, chỉ còn lại 3 người của Ban chủ nhiệm. Không có khoản thu, không phương tiện, HTX Vận tải hàng hóa Ninh Hòa nay chỉ còn cái xác, mặc dù trên danh nghĩa thì vẫn hoạt động. Ban chủ nhiệm chỉ còn biết đợi các cấp hỗ trợ”.


Bản thân những HTX còn có thể hoạt động được như HTX Vận tải Hòa Bình, 1-5 (TP. Nha Trang) cũng chỉ là hoạt động cầm chừng. Ông Nguyễn Văn Phiêu - Chủ nhiệm HTX Vận tải Hòa Bình cho biết, HTX hiện có 129 đầu xe nhưng cũng rất khó đáp ứng được các điều kiện do Sở GTVT đưa ra như: HTX phải báo cáo doanh thu, phân bổ, hạch toán nguồn thu chi tiết về Sở... “Sở chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải nhằm siết chặt, quản lý tốt hơn hoạt động vận tải là đúng, nhưng chúng tôi không đồng ý việc Sở GTVT can thiệp quá sâu vào doanh thu của HTX. Nếu Sở không chấn chỉnh kịp thời mà vẫn ép các HTX thực hiện, tôi nghĩ không chỉ các HTX quy mô nhỏ muốn giải thể mà cả HTX Vận tải Hòa Bình cũng khó tồn tại. Bên cạnh đó, thời gian cấp phù hiệu lại quá ngắn (chỉ 3 tháng), khiến hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn” - ông Phiêu nói. 

      
Chưa đáp ứng được yêu cầu


Trước thực trạng bi đát mà hầu hết các HTX GTVT trên địa bàn tỉnh đang phải trải qua, ông Trịnh Công Ấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh tỏ ra bức xúc: “Lâu nay, các HTX GTVT đã khó khăn đủ bề; phải mua sắm lại phương tiện, hoạt động theo Luật HTX mới và đa số hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngành GTVT lại quá cứng nhắc khi chỉ đạo áp dụng các quy định mới, khiến cho nhiều HTX có nguy cơ tan rã”. Cũng theo ông Ấn, Liên minh HTX đã đề nghị Sở GTVT phải tạo điều kiện hơn nữa cho các HTX hoạt động. Việc chuyển đổi hoạt động cho phù hợp với Luật HTX năm 2012 cần phải có lộ trình.

 

Hợp tác xã Vận tải hàng hóa Ninh Hòa cửa đóng, then cài.
Hợp tác xã Vận tải hàng hóa Ninh Hòa cửa đóng, then cài.


Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT lại có quan điểm hoàn toàn khác. Ông Dần khẳng định: “Việc các HTX GTVT hoạt động được là quá tốt. Chúng tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi buông lỏng quản lý”. Theo ông Dần, thời gian qua, Sở đã nhiều lần kiểm tra các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ vận tải. Qua kiểm tra, tất cả các HTX đều có những sai phạm về công tác quản lý phương tiện, người lái. Cụ thể, hầu hết HTX đều có giấy cam kết giữa xã viên và HTX, xã viên cam kết ủy quyền toàn bộ phương tiện của mình cho HTX sử dụng, quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, HTX chỉ quản lý về hình thức, các xã viên vẫn là người làm chủ phương tiện. HTX chỉ đứng ra làm dịch vụ đăng ký các thủ tục pháp lý cho xe của xã viên. Sau đó, trao trả xe cho xã viên tự quản lý mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định. Chính vì thế, HTX không hạch toán được kinh doanh, không quản lý được tình trạng kỹ thuật xe, chế độ bảo dưỡng, không xử lý được vi phạm của lái xe... Nhiều HTX một lần cấp cả chục lệnh đi đường cho các xe trong khi nguyên tắc đi ngày nào cấp ngày đó. Vì vậy, khi có đoàn kiểm tra, Ban chủ nhiệm HTX không thể điều được xe về cho đoàn kiểm tra. “HTX phải hoạt động như một doanh nghiệp, không thể là nơi gom các đầu xe về rồi thu tiền lệ phí, còn các hoạt động thực tế thì không thể kiểm soát được. Đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện, vì vậy các HTX quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu phải chấp nhận bị loại” - ông Dần khẳng định.


Cải tổ lại bộ máy

 

Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT: “Để tồn tại được, các HTX GTVT phải thay đổi cung cách hoạt động. Tuy là mô hình HTX nhưng phải hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. HTX phải là chủ thực sự của những phương tiện đang kinh doanh, phải tự hạch toán kinh tế thì mới có thể phát triển được. Người đứng đầu HTX phải thay đổi tư duy kinh doanh, biến HTX thành đơn vị kinh doanh đúng nghĩa chứ không phải là nơi chỉ làm tư cách pháp nhân như hiện nay”.

Có một điều cần lưu tâm, trong số tất cả các HTX của Liên minh HTX mà chúng tôi khảo sát thì có lẽ HTX GTVT chính là loại hình có cơ sở để phục hồi nhất.


Bắt đầu từ tháng 6-2014, HTX Quyết Thắng (Đắk Lắk) gia nhập Liên minh HTX Khánh Hòa với mô hình hoạt động khá thành công là điểm sáng hiếm hoi để các HTX GTVT khác phải học tập. Dù mang tên Công ty TNHH Quyết Thắng - Nha Trang nhưng nó vẫn mặc trên mình “chiếc áo” HTX, vẫn là một chi nhánh của HTX Quyết Thắng. Ông Nguyễn Thành Đức - Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng cho biết, HTX Quyết Thắng được thành lập từ năm 1995 với 5 xã viên ban đầu. Chỉ 2 năm sau, số lượng xã viên đã lên tới con số 100, nhưng cũng từ thời điểm này, việc kinh doanh và hoạt động của đơn vị cũng rơi vào cảnh ngộ như các HTX ở Khánh Hòa hiện nay. Các xã viên dù đã đưa phương tiện vào HTX, nhưng không chịu để cho người khác quản lý tài sản của mình. HTX chỉ còn là danh nghĩa, xã viên mạnh ai nấy làm. “Không chấp nhận để tâm huyết của bao người bị giải thể, từ một xã viên, tôi mạnh dạn ngồi vào ghế chủ nhiệm để tiếp tục lèo lái HTX. Tôi quan niệm, muốn cải tổ bộ máy thì yếu tố con người phải được đặt lên hàng đầu, phải tạo được niềm tin cho xã viên. Khi xã viên chấp nhận giao toàn bộ xe để HTX hoạch toán kinh doanh, chúng tôi đã cho định giá lại giá trị phương tiện của xã viên, quy đổi thành tiền góp vốn và các đầu xe trở thành tài sản chung. Với cách làm ấy, HTX Quyết Thắng đã hoạt động tốt trở lại đến hiện nay” - ông Đức tâm sự.


Đình Lâm


Kỳ 1: Bức tranh buồn của các hợp tác xã nông, diêm nghiệp


Kỳ 2: Bấp bênh hợp tác xã thủy sản
 

Kỳ cuối: Kinh tế hợp tác xã: Khó khăn tìm hướng phát triển