01:11, 06/11/2014

Kinh tế hợp tác xã: Khó khăn tìm hướng phát triển (kỳ 1)

Sau gần 2 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tình hình kinh tế các hợp tác xã của Khánh Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn.

Sau gần 2 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tình hình kinh tế các hợp tác xã (HTX) của Khánh Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn. Số lượng HTX giải thể ngày càng nhiều, những đơn vị trụ được đến nay cũng đang nhọc nhằn tìm hướng đi... Báo Khánh Hòa có loạt bài về thực trạng kinh tế HTX.


Kỳ 1: Bức tranh buồn của các hợp tác xã nông, diêm nghiệp


Những món nợ khó đòi


Xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa có HTX Nông nghiệp (NN) Ninh Trung 1 và HTXNN Ninh Trung 2, được thành lập từ năm 1979 và tồn tại đến nay. Thế nhưng, khi hỏi đến 2 đơn vị này, người dân nơi đây đều không biết.

 

Dù thu nhập thấp, các xã viên Hợp tác xã Sản xuất muối Cam Nghĩa vẫn bám trụ với nghề.
Dù thu nhập thấp, các xã viên Hợp tác xã Sản xuất muối Cam Nghĩa vẫn bám trụ với nghề.


Trụ sở HTXNN Ninh Trung 2 nằm trên cánh đồng của thôn Vĩnh Thạch, là dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. “Trụ sở mới mở cửa trở lại vài ngày sau gần 8 năm không hoạt động. Có lẽ vì thế nên nông dân địa phương đã không còn ý niệm về HTXNN”, ông Lê Văn Điền - Chủ nhiệm HTX này giải thích. Việc mở cửa trở lại là để ban quản trị HTX tiến hành kiểm kê sổ sách, xác định công nợ, chuẩn bị cho kỳ đại hội xã viên nhằm đưa ra quyết định giải thể hay tiếp tục duy trì HTX. Ông Điền cho biết, HTXNN Ninh Trung 2 ngừng hoạt động sau những bế tắc không thể khắc phục. Nguyên nhân chính là tình trạng xã viên nợ tiền dịch vụ thủy nông nhiều năm, khiến HTX phải trích vốn để thanh toán cho bên cung cấp dịch vụ là Công ty Khai thác các công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa (HTX thay mặt xã viên ký hợp đồng để đơn vị này cung cấp nước cho xã viên). Ngoài ra, nhiều xã viên hiện còn nợ HTX tiền vật tư, dịch vụ làm đất... “Tôi dự đoán là HTX sẽ quyết định giải thể vì việc phục hồi hoạt động trong điều kiện hiện tại là điều không tưởng!”, ông Điền nói.


HTXNN Ninh Trung 1 cũng đang chuẩn bị đại hội xã viên và thu hồi nợ, nhưng khi chúng tôi đến không thấy ai làm việc. Trụ sở của HTX này là dãy nhà hoang tàn nằm bên con đường liên thôn, tứ phía um tùm cỏ dại, cây bụi... Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Phúc - nguyên Chủ nhiệm HTXNN Ninh Thân 2 (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) bởi thông tin: HTX đã giải thể từ tháng 8-2013 nhưng hiện nay, ông Phúc vẫn còn là chủ nhiệm HTX với tư cách đại diện pháp nhân trong các vụ kiện để đòi nợ xã viên. Ông Phúc cho biết: “Trước khi giải thể, HTX có 559 xã viên, nhưng chúng tôi đã phải kiện ra Tòa 53 vụ để đòi nợ tiền dịch vụ; số tiền nợ mỗi vụ từ vài trăm nghìn đến gần chục triệu đồng. Hiện tại, mới chỉ có 10 trường hợp thi hành án. Sắp tới, chúng tôi còn phải kiện tiếp mấy trường hợp nữa để thu hồi nợ”.


Vất vả bám trụ


HTXNN Ninh Quang 1 (xã Ninh Quang) được đánh giá là HTXNN hoạt động giỏi của thị xã Ninh Hòa. Từ 2 năm nay, đơn vị này đã đưa 15ha vào sản xuất lúa giống nên thu nhập của xã viên và lợi nhuận của HTX cũng tăng cao. Tuy nhiên, để bám trụ được đến hôm nay, HTX cũng gặp không ít khó khăn như các HTXNN khác. Ông Lương Văn Vân - Chủ nhiệm HTXNN Ninh Quang 1 chia sẻ: “Theo tôi, để HTXNN phát triển, phải xây dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ cho đến bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Hiện tôi chưa thấy HTX nào trong tỉnh làm được điều này. Đây chính là lý do HTX đánh mất thị phần trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Ngày càng nhiều xã viên có xu hướng sử dụng dịch vụ của thị trường bên ngoài nhiều hơn vì nhanh và giá rẻ, ngoại trừ dịch vụ thủy nông”.

 

Trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Trung 1 hoang phế sau 8 năm đóng cửa.
Trụ sở Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Trung 1 hoang phế sau 8 năm đóng cửa.


Riêng trong lĩnh vực diêm nghiệp, toàn tỉnh hiện chỉ còn 3 HTX hoạt động. Đó là HTX Sản xuất muối Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh); HTX Sản xuất muối 1-5 Ninh Diêm và HTX Sản xuất muối Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Trong đó, HTX Sản xuất muối Cam Nghĩa (có 21 xã viên với gần 15ha ruộng muối) là HTX duy nhất trong tỉnh còn duy trì chế độ làm việc của xã viên, chấm điểm ngày công rồi quy ra tiền thực hưởng sau khi trừ toàn bộ chi phí, các quỹ... vào cuối vụ sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nhân - Chủ nhiệm HTX Sản xuất muối Cam Nghĩa, vài năm trở lại đây, do gặp khó khăn về thời tiết và giá cả thị trường nên năng suất không đạt chỉ tiêu, thu nhập của xã viên rất thấp. Năm 2012, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm. Năm 2013, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng muối, HTX đã đầu tư sản xuất theo hình thức trải bạt trên diện tích 2.000m2, với chi phí hơn 100 triệu đồng. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên mô hình bị phá sản.


Trong khi đó, HTX Sản xuất muối Ninh Thủy lại thành công với mô hình này. Từ 3 năm nay, HTX sản xuất theo hình thức trải bạt trên toàn bộ diện tích 12,3ha. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Công - Chủ nhiệm HTX cho biết, do giá cả bấp bênh, sản phẩm tồn đọng, thương lái ép giá nên bình quân thu nhập của xã viên trong 3 năm qua cũng chỉ được gần 1 triệu đồng/người/tháng. HTX Sản xuất muối 1-5 Ninh Diêm (đơn vị sản xuất muối lớn nhất tỉnh với 102ha, sản lượng bình quân 8.000 tấn/năm) cũng đang muốn đầu tư mở rộng sản xuất muối trải bạt nhưng không có vốn. Hiện nay đã cuối vụ, nhưng sản phẩm muối tồn đọng rất nhiều. HTX đang trông chờ bán muối cho các tư thương vận chuyển bằng tàu thủy nhưng mỗi tháng cũng chỉ có một chuyến.


Chuyển đổi hoạt động còn khó khăn


Ông Trịnh Công Ấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá, số lượng HTXNN và diêm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm. Toàn tỉnh hiện có 68 HTXNN và 3 HTX diêm nghiệp (có đăng ký với Liên minh). Nhưng ngoài số ít HTX làm ăn thực sự hiệu quả, phần lớn là hiệu quả thấp; thậm chí không ít HTX hoạt động cầm chừng, duy trì sự tồn tại trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục giải thể.


Theo ông Ấn, ngoài một số nguyên nhân vĩ mô như suy thoái kinh tế, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh, giá cả bấp bênh..., nguyên nhân cơ bản là do sự thụ động trong nội tại HTX. Năng lực của cán bộ quản lý HTX, nhất là HTXNN chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong cơ chế thị trường. Tính liên kết trong nội bộ HTX cũng như giữa các HTX còn yếu, thiếu các hình thức tổ chức kinh tế thích hợp để liên kết nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012 dẫn đến việc chuyển đổi hoạt động HTX theo hình thức mới còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn.


Thế Anh

 

Kỳ 2: Bấp bênh hợp tác xã thủy sản

 

Kỳ 3: Hợp tác xã giao thông, vận tải: Chưa đáp ứng được yêu cầu

 

Kỳ cuối: Kinh tế hợp tác xã: Khó khăn tìm hướng phát triển