Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến thất thường nên đa số diện tích sản xuất, cây trồng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị thiệt hại. Hiện tại, đời sống của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang gặp rất nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến thất thường nên đa số diện tích sản xuất, cây trồng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị thiệt hại. Hiện tại, đời sống của nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đang gặp rất nhiều khó khăn.
Mấy ngày nay, gia đình ông Cao Nguyện (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam) phải đi làm thuê để có tiền mua gạo. Hỏi chuyện, ông Nguyện cho biết, gia đình ông có 1,5ha đất rẫy trồng bắp, trỉa đậu để kiếm cái ăn. Tuy nhiên, vụ Hè Thu năm nay gặp nắng hạn nên 2 lần xuống giống gần như mất trắng, ông chẳng còn gì để thu hoạch. “Nắng hạn, mất mùa, nhà mình gặp khó khăn. Nay có mưa, mình ráng trồng lại bắp vụ lỡ. Trong thời gian chờ bắp lớn, vợ, chồng và đứa con lớn phải đi làm thuê để có tiền mua gạo” - ông Nguyện chia sẻ.
Tình cảnh của gia đình ông Cao Nguyện không phải cá biệt. Là huyện miền núi, 90% thu nhập của nông dân huyện Khánh Vĩnh dựa vào nương rẫy. Năm nay, do thời tiết bất thường nên cả vụ Đông Xuân và Hè Thu đều mất mùa. Già làng Cao Ri Nâng (thôn Giòng Cạo, xã Khánh Thành) cho biết, đây là năm thứ 3 nông dân gặp sự khắc nghiệt của thời tiết. “Suốt mấy tháng qua, mùa màng thất thu nên đời sống người dân rất khó khăn. Đồng bào phải đi hái măng, hái đót, chặt song mây, lượm trái xay, trái ươi, đốt ong lấy mật... để có tiền mua gạo”, già làng nói.
Trồng bắp trên đất dốc thường bị khô hạn, mất mùa nên nhiều người dân đã chuyển sang trồng keo. |
Theo thống kê, toàn huyện Khánh Vĩnh có 481ha cây trồng bị thiệt hại khoảng 70% (chủ yếu là lúa, bắp, đậu xanh, mía, mì); 493ha cây trồng bị ảnh hưởng nắng hạn, thiệt hại từ 30 đến 70%. Tổng sản lượng lương thực đạt 3.309 tấn, chỉ bằng 51% kế hoạch và giảm 36% so cùng kỳ... Sản lượng lương thực giảm, thu nhập giảm làm nguy cơ thiếu lương thực có thể xảy ra trong vụ Thu Đông. Bởi lẽ, từ nay đến vụ Đông Xuân còn khá dài, trong khi vụ lỡ luôn bị hư hỏng, rủi ro do lũ lụt.
Để khắc phục khó khăn do thiên tai, từ đầu năm đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã cấp gạo cứu đói cho 2.065 hộ bị thiệt hại do mất mùa vì nắng hạn với 5.655 nhân khẩu (mỗi khẩu 15kg gạo). |
Trong tình hình hiện nay, việc hỗ trợ lương thực cho đồng bào là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chính quyền, các ngành chức năng cần vận động, giúp đỡ người dân xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả nhằm hạn chế nguy cơ rủi ro. Trước hết, chính quyền địa phương cần khuyến cáo người dân thay đổi thói quen sản xuất. Trong đó, những diện tích thường xuyên gieo trỉa bắp, trồng mì đã bạc màu, thoái hóa cần chuyển sang trồng cây lấy gỗ hoặc các loại cây có khả năng chịu hạn; vùng đất có nước bơm tưới có thể trồng hoa màu phụ ngắn ngày hoặc cây ăn quả đặc sản; vận động người dân phát triển chăn nuôi để có thực phẩm cải thiện đời sống, có thu nhập... Về sản xuất lương thực, song song với nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống tưới tiêu để sản xuất lúa nước, những cánh đồng thường khô hạn nên đầu tư các trạm bơm để ứng phó khi nắng hạn. Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng trạm bơm Ba Cẳng (xã Khánh Hiệp). Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát thực tế. Khi hoàn thành, công trình này sẽ đảm bảo nước tưới ổn định cho 120ha lúa nước trong năm của 2 xã Khánh Hiệp và Khánh Bình.
Hiện nay, trên địa bàn Khánh Vĩnh, các loại cây ăn quả như: bưởi da xanh, mít nghệ, sầu riêng cho giá trị kinh tế khá. Chính vì vậy, địa phương cần khuyến khích người dân tìm kiếm những vùng đất phù hợp để đầu tư phát triển, nhân rộng những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao thu nhập.
KIM OANH