05:11, 17/11/2014

Thu mua nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sau hơn 1 tháng triển khai, việc thu mua nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Sau hơn 1 tháng triển khai, việc thu mua nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện miền núi đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.  

 

Không ít người dân ở Khánh Sơn bán nông sản cho thương lái bởi đã trót mượn tiền từ đầu vụ.
Không ít người dân ở Khánh Sơn bán nông sản cho thương lái bởi đã trót mượn tiền từ đầu vụ.


Nâng cao giá trị nông sản cho người dân


Từ nguồn kinh phí 3 tỷ đồng do UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại (DV-TM) Khánh Sơn đã triển khai kế hoạch thu mua nông sản cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Thông tin này được các mậu dịch viên thông báo đến tận địa bàn thôn, xóm. Ông Phan Hồng - Giám đốc Trung tâm DV-TM Khánh Sơn cho biết: “Các cửa hàng DV-TM ở địa phương và cán bộ, nhân viên Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm thu mua nông sản của người dân. Chúng tôi tập trung thu mua những loại nông sản có sản lượng cao, được người dân trồng nhiều như: bắp, mì, chuối... Về giá cả, Trung tâm thu mua cao hơn giá của thương lái khoảng 10%. Qua hơn 1 tháng triển khai, tuy số lượng nông sản thu mua chưa nhiều nhưng bước đầu đã cạnh tranh được với thương lái. Đến thời điểm này, Trung tâm đã thu mua hơn 200 tấn nông sản với trị giá gần 1 tỷ đồng, trong đó có hơn 160 tấn bắp, 4,3 tấn mì, 36 tấn chuối, 2,3 tấn cà phê...”.


Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 110ha cà phê, 103ha mít nghệ, gần 100ha sầu riêng, 38ha mía tím, 80ha mía đường và nhiều diện tích cây trồng khác với sản lượng rất cao. Do hầu hết sản phẩm chỉ được tiêu thụ nhờ thương lái nên đầu ra khá bấp bênh, giá cả không ổn định..., ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. “Nếu việc thu mua nông sản cho đồng bào DTTS được tổ chức tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, nhất là việc nâng cao giá trị nông sản cho người dân. Hiện nay, một số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã bắt đầu bán nông sản cho Trung tâm. Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 15%” - ông Sáng cho biết.


Theo thống kê của UBND huyện Khánh Sơn, hiện nay, địa phương có 1.349ha bắp, 525ha mì, gần 700ha chuối, 536ha cà phê, 45ha tiêu... cho sản lượng hàng năm lên đến hàng chục nghìn tấn. Kinh tế của các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào các loại nông sản được trồng trên nương rẫy. Chính vì vậy, việc tiêu thụ nông sản cho đồng bào DTTS được huyện rất quan tâm.


Ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, địa phương đã đặt vấn đề với các doanh nghiệp thu mua nông sản tại đây, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho một số loại nông sản có giá trị kinh tế cao... Bên cạnh đó, từ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ, UBND huyện còn chỉ đạo Trung tâm DV-TM huyện tổ chức thu mua nông sản cho đồng bào DTTS. Bước đầu, việc thu mua đã mang lại những kết quả tích cực, hạn chế được một phần tình trạng thương lái ép giá, góp phần nâng cao giá trị nông sản cho người dân.


Những vấn đề cần giải quyết

 

Ông Trần Mạnh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Để việc tổ chức thu mua nông sản cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thì thời gian ứng vốn cần phải dài mới có thể đầu tư, cạnh tranh được với thương lái. Về phía Trung tâm DV-TM huyện, cần được đầu tư, nâng cấp sân phơi, kho chứa; mặt khác, muốn tăng sản lượng thu mua thì phải tăng thêm mậu dịch viên và nâng cao hơn kỹ năng hoạt động... Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản cho người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS.

Trò chuyện với các hộ đồng bào DTTS ở huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, nhiều người cũng muốn bán nông sản cho Trung tâm DV-TM Khánh Sơn vì giá cao hơn nhưng lại không thể vì đã trót mượn tiền đầu tư, mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu của các thương lái ngay từ đầu vụ. Ông Mấu Xuyên (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) nói: “Đầu vụ bắp năm nay, gia đình tôi mượn của một thương lái trong xã 9 triệu đồng để đầu tư 5 sào bắp. Bây giờ, thu hoạch bắp phải bán cho họ để trừ nợ. Sang năm, nếu trả hết nợ, Trung tâm cho mượn tiền đầu tư từ đầu vụ thì chắc chắn tôi sẽ bán nông sản cho Trung tâm để được hưởng giá cao”. Tương tự, bà Cao Thị Giáo (xã Sơn Bình) cho biết, năm sau, nếu Nhà nước cho mượn vật tư, phân bón từ đầu vụ, cuối vụ mua nông sản theo giá thị trường thì thu nhập của gia đình bà sẽ tăng hơn nhiều so với trước.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, để việc tổ chức thu mua nông sản cho đồng bào DTTS đạt hiệu quả cao, nguồn vốn cần phải được cấp về sớm hơn. Bà Nguyễn Thị Thành Sơn - mậu dịch viên Cửa hàng DV-TM Ba Cụm Bắc chia sẻ: “Năm nay, đến tận tháng 10 mới có thông báo cho mượn vốn để thu mua nông sản, nhưng đến ngày 31-12 phải hoàn trả vốn, thời gian triển khai rất ngắn nên tôi chỉ dám mượn 60 triệu đồng để thu mua nông sản”. Theo bà Sơn, để thu mua được nông sản, các cửa hàng cần phải có vốn ứng trước cho người dân. Vì vậy, nguồn vốn này phải có để triển khai từ đầu vụ.


Ông Phan Hồng cho biết, năm 2015, nếu UBND tỉnh cho ứng vốn sớm, thời gian kéo dài khoảng 1 năm thì Trung tâm sẽ dễ dàng hơn trong việc tổ chức cho người dân ứng trước vốn để đầu tư. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản tươi khi thu mua cần có sân phơi, sản lượng thu mua nhiều phải có kho chứa; thế nhưng hiện nay, kho chứa của Trung tâm đã xuống cấp, sân phơi lại không có. Vì vậy, Trung tâm rất mong được cấp trên quan tâm đầu tư.


BÍCH LA