Năm 2013 và 2014, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có 76 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ vốn thực hiện mô hình sản xuất mới. Đến nay, một số mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.
Năm 2013 và 2014, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) có 76 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ vốn thực hiện mô hình sản xuất mới. Đến nay, một số mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.
Anh Đại đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. |
Nhiều hộ thoát nghèo
Năm 2013, anh Mấu Hồng Đại (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng thực hiện mô hình trồng cà phê theo chương trình xây dựng nhân rộng mô hình phát triển sản xuất mới của UBND tỉnh. Hiện tại, gia đình anh Đại có 8 sào đất, trồng 1.500 cây cà phê. Qua gần 2 năm chăm sóc, cây phát triển tương đối tốt. Ngoài ra, anh Đại đầu tư thêm vốn trồng xen mía tím và một số cây rau, đậu. Nhờ chăm chỉ lao động, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo.
Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 2233 về chương trình xây dựng nhân rộng mô hình phát triển sản xuất mới của UBND tỉnh, đến nay, huyện Khánh Sơn đã có 76 hộ nghèo và cận nghèo tham gia thực hiện các mô hình trồng cà phê, mía tím, hồ tiêu, sầu riêng, nuôi heo đen, nuôi cá nước ngọt. Các xã, thị trấn đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể luôn sâu sát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân theo hình thức cầm tay chỉ việc, từ bước chọn mô hình sản xuất, sử dụng nguồn vốn đến tổ chức sản xuất. Một số xã đã thành lập các tổ đổi công để người dân hỗ trợ nhau chăm sóc kịp thời vụ và trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp cho biết: “Xã có 5 hộ thực hiện mô hình trồng mía tím và 5 hộ nuôi heo đen. Đến nay, mô hình mía tím đã cho thu hoạch, người dân thu lãi khoảng 15 triệu đồng/hộ. Hội Nông dân xã hướng dẫn bà con cách bấm gốc, chăm sóc mía lưu gốc sao cho đạt năng suất để giữ nguồn vốn”.
Qua sơ kết, toàn huyện có hơn 60/76 mô hình sản xuất tương đối khả quan. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập đáng kể cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, một số hộ đã vươn lên thoát nghèo và có điều kiện tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Ông Lê Quang Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh cho biết: “Bước đầu người dân đã sử dụng tiền vốn hỗ trợ của Nhà nước đúng mục đích. Các hộ nghèo và cận nghèo đã có ý thức lao động sản xuất để vươn lên. Bà con cũng đã sản xuất được hàng hóa tiêu thụ trên thị trường”.
Cần hỗ trợ thêm nguồn vốn
Theo ông Mấu Xuân Thủy, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, hiện nay, người dân gặp khó khăn về nguồn vốn để tiếp tục tái đầu tư hoặc mở rộng quy mô canh tác. Ngoài ra, các xã, thị trấn hiện có rất nhiều hộ nghèo và cận nghèo có nhu cầu phát triển sản xuất nhưng theo quy định, mỗi xã chỉ được chọn 5 hộ/năm.
Về vấn đề này, ông Ngọc cho biết, để mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị được phân công đỡ đầu các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chuyển sang hỗ trợ nguồn vốn cho người dân thực hiện mô hình sản xuất thay vì tặng quà hàng năm. Việc xã hội hóa nguồn vốn hỗ trợ người dân thực hiện mô hình sản xuất sẽ là hướng đi trong thời gian tới để ngày càng có nhiều hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. “Năm 2014, bên cạnh nguồn vốn của Ban Dân tộc, xã Sơn Hiệp được đơn vị đỡ đầu là Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy hỗ trợ 50 triệu đồng. Xã đã chọn thêm 5 hộ nghèo và cận nghèo để tiếp tục thực hiện mô hình trồng mía tím. Hiện nay, người dân đã chuẩn bị xuống giống”, ông Trần Tấn Chóng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết. Sắp tới, các đơn vị đỡ đầu sẽ hỗ trợ vốn sản xuất cho người dân tại xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp. Đối với những hộ đã được hỗ trợ vốn lần đầu và thực hiện mô hình có triển vọng thì xây dựng phương án sản xuất để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ban Dân tộc - Miền núi tỉnh đã yêu cầu các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên lựa chọn những cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương. Bên cạnh cây trồng chính, cần trồng xen cây ngắn ngày để người dân có nguồn thu nhập nhanh và đảm bảo hiệu quả lâu dài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, góp phần giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Đinh Luận