11:11, 27/11/2014

Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn: Lợi ích thiết thực

Những năm qua, Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, do kinh phí của chương trình còn hạn chế nên số mô hình sản xuất được hỗ trợ chưa nhiều.

Những năm qua, Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, do kinh phí của chương trình còn hạn chế nên số mô hình sản xuất được hỗ trợ chưa nhiều.

 

Máy cắt lá trà do Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Phúng.
Máy cắt lá trà do Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Phúng.


 

Góp phần thúc đẩy sản xuất ở nông thôn


Hàng chục năm nay, hơn 182ha ruộng lúa của xã viên Hợp tác xã (HTX) Suối Hiệp 1 (huyện Diên Khánh) phải phụ thuộc vào máy làm đất của các HTX khác. Mỗi năm vào vụ sản xuất lúa, Ban chủ nhiệm HTX Suối Hiệp 1 lại đau đầu với bài toán thuê máy làm đất. Do không có máy nên HTX không chủ động được thời gian gieo sạ. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ nhiệm HTX Suối Hiệp 1 bày tỏ: “Thuê máy của HTX khác không chỉ chịu giá cao (khoảng 2,8 triệu đồng/ha) mà còn phải sản xuất muộn hơn, ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt, vài năm gần đây, HTX nhận làm 50ha lúa giống chất lượng cao cho các công ty nên rất muốn có máy làm đất để chủ động hơn. Tuy nhiên, HTX không đủ vốn”. Mới đây, Ban chủ nhiệm HTX và xã viên rất phấn khởi khi được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ kinh phí mua máy làm đất. Tổng trị giá của máy là 180 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 61 triệu đồng, còn lại là vốn của HTX. Nhờ đó, vụ Đông Xuân 2014 - 2015 sắp tới, HTX Suối Hiệp 1 đã có máy làm đất để chủ động và giảm chi phí sản xuất.  


Chi cục Phát triển nông thôn cũng vừa bàn giao máy bấm, cắt lá trà cho gia đình ông Nguyễn Văn Phúng, chủ cơ sở sản xuất trà ngọt (làm từ các loại cây dược liệu) Hoàng Hoa Thôn ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang. Giá trị của máy là 56 triệu đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 28 triệu đồng, hộ dân đối ứng 28 triệu đồng. Đây là hoạt động hỗ trợ nằm trong kế hoạch triển khai Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn năm 2014. Trước đây, công đoạn bấm, cắt lá trà được ông Phúng thuê lao động địa phương làm thủ công. Mỗi lao động chỉ cắt được khoảng 2 - 3kg trà/ngày. “Số lượng khách hàng đặt mua trà ngọt ngày càng nhiều trong khi phải làm thủ công nên không đủ sản phẩm để cung cấp. Vì vậy, khi được hỗ trợ mua máy bấm, cắt lá trà, tôi rất mừng. Đây là sự hỗ trợ kịp thời và rất thiết thực”, ông Phúng chia sẻ. Từ khi có máy cắt, mỗi ngày cơ sở của ông Phúng cắt được gần 1 tấn lá trà, giảm chi phí thuê lao động, mẫu mã sản phẩm cũng đẹp hơn so với cắt thủ công.


Trên đây là 2 trong 3 mô hình sản xuất được nhận sự hỗ trợ từ Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn năm 2014. Với nguồn kinh phí khoảng 135 triệu đồng/năm, những hoạt động hỗ trợ của chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy sản xuất ở nông thôn.


Cần tăng nguồn kinh phí hàng năm


Theo Chi cục Phát triển nông thôn, Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn được triển khai trên địa bàn tỉnh đã 4 năm nay. Hàng năm, Chi cục đều phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, chọn các hộ dân, cơ sở sản xuất để triển khai hỗ trợ. Có nhiều tiêu chí hỗ trợ như: mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế; có khả năng nhân rộng; có thể tiến tới thành lập tổ hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường... Tuy nhiên, 4 năm qua, nguồn kinh phí của chương trình luôn duy trì ở mức 135 triệu đồng/năm nên chỉ hỗ trợ được 2 - 3 mô hình.


Ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, nhu cầu phát triển làng nghề, ngành nghề ở nông thôn rất lớn. Điều này nhằm tăng thu nhập cho lao động nông thôn, tận dụng thời gian nông nhàn và hình thành các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Do đó, các làng nghề, ngành nghề nông thôn, đặc biệt là ở các xã đang xây dựng điểm về nông thôn mới rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích sản xuất”. Theo ông Lan, sự hỗ trợ không nên chỉ gói gọn trong việc đầu tư kinh phí mua máy móc, phương tiện sản xuất như hiện nay mà cần có sự phối hợp, hỗ trợ theo chuỗi từ đổi mới mẫu mã, nâng cao tay nghề, quản lý sản xuất và tiếp cận thị trường. Có như vậy, những mặt hàng làng nghề tiêu biểu của nông thôn Khánh Hòa như: đúc đồng, bánh tráng, chiếu cói... mới có chỗ đứng trên thị trường.


Để làm được điều đó, các cấp, ngành cần xem xét nâng cao kinh phí hàng năm của Chương trình làng nghề, ngành nghề nông thôn để có thể hỗ trợ cho nhiều mô hình sản xuất một cách hiệu quả hơn.


MAI HOÀNG