06:10, 31/10/2014

Viettel - khát vọng vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt

Là doanh nghiệp đi đầu thực hiện sứ mệnh vươn ra biển lớn, chỉ sau 10 năm, Viettel đã có mặt tại chín quốc gia và đặt ra mục tiêu đầu tư tại 25 nước đến năm 2020.

Là doanh nghiệp đi đầu thực hiện sứ mệnh vươn ra biển lớn, chỉ sau 10 năm, Viettel đã có mặt tại chín quốc gia và đặt ra mục tiêu đầu tư tại 25 nước đến năm 2020.

Cách Viettel trở thành thương hiệu quốc tế

Đúng như tinh thần của các chiến binh dũng cảm chỉ có tiến, không có lùi, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ về chiến lược đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn: "Ở đâu nhìn thấy cơ hội là Viettel đến. Càng khó khăn thì cơ hội càng lớn, mà đã thành công ở thị trường khó thì có thể làm được ở mọi thị trường khác". Chính sự ngoan cường, dấn thân và tầm nhìn chiến lược đã đưa Viettel tiến những bước tiến "thần tốc" ra thị trường quốc tế. Đầu năm 2009, nghĩa là chỉ chưa đầy năm năm sau khi mạng di động Viettel ra đời trong nước (15-10-2004), Viettel đã khai trương Metfone, mạng viễn thông có vùng phủ lớn nhất Cam-pu-chia. Tiếp tục tháng 10 năm đó, Viettel khai trương mạng Unitel tại Lào và vươn lên đứng đầu thị trường.

Bối cảnh Viettel đến với Ha-i-ti, một đất nước cách Việt Nam đúng nửa vòng trái đất cũng khiến bạn bè quốc tế nể phục tinh thần của Viettel. Sau trận động đất phá hủy gần như toàn bộ thủ đô của Ha-i-ti vào ngày 12-1-2010, trong khi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút về thì Viettel quay trở lại. Tháng 9-2011, Viettel chính thức khai trương mạng viễn thông Natcom và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ Ha-i-ti vào năm 2012.

 

 Viettel đang thực hiện tham vọng trở thành công ty toàn cầu.
Viettel đang thực hiện tham vọng trở thành công ty toàn cầu.


Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư nước ngoài, vị tướng dày dặn kinh nghiệm Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Đi đầu tư nước ngoài khó nhất là giành được thiện cảm của chính quyền và người dân sở tại. Viettel rất được người dân Ha-i-ti trân trọng, vì họ cho rằng sau trận động đất kinh hoàng, ai cũng chạy đi, thì Viettel lại đến. Và điều quan trọng nữa là, ở hầu hết quốc gia chịu một thảm họa thì sau đó là sự hồi sinh rất mạnh mẽ. Thực tế Ha-i-ti đang chứng minh đúng như vậy. Viettel đã thành công trong đầu tư ra nước ngoài từ suy nghĩ "khác người" như thế này!".

Thành công nối tiếp thành công tại thị trường châu Phi, Viettel tiếp tục khai trương mạng viễn thông Movitel tại Mô-dăm-bích (tháng 5-2012), sau sáu tháng khai trương đã giành giải thưởng quốc tế về giải pháp cải thiện viễn thông ở nông thôn, năm 2013 đoạt giải "Doanh nghiệp dẫn đầu về năng lực cạnh tranh tại châu Phi". Vừa qua, Movitel lại được trao giải "Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất trong năm tại khu vực Trung Đông và châu Phi".

Mạng viễn thông Telemor của Viettel đầu tư tại Ti-mo Le-xte cũng làm thay đổi lớn bộ mặt đời sống xã hội của người dân đất nước này. Ngài Xa-na-na Guxmao, Thủ tướng Ti-mo Le-xte đã nói: "Chúng tôi đánh giá rất cao cách làm và hiệu quả cộng tác của Viettel Telemor. Các bạn có triết lý mang dịch vụ đến tất cả mọi người là điều khác biệt. Hạ tầng cáp quang đã triển khai nhanh, độc đáo, tạo ra cạnh tranh lành mạnh, làm bùng nổ thị trường, bình dân hóa các dịch vụ viễn thông. Hiệu quả của Viettel đã đáp ứng hơn cả cam kết với Chính phủ".

Khát vọng vươn cao, vươn xa

Khi được hỏi vì sao Viettel lại chọn những đất nước nghèo, xa xôi để đầu tư, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra câu trả lời thẳng thắn: "Viettel tham gia đầu tư ngoài nước muộn hơn các DN khác khoảng 20 năm, do vậy những chỗ "ngon ăn" đã hết mà chỉ còn những chỗ "xương xẩu". Chẳng hạn ở Mỹ, mỗi thuê bao Chính phủ cho nhà đầu tư 60 USD, còn sang Ha-i-ti chỉ 2,5 USD trong khi vốn đầu tư, công sức ban đầu đều giống nhau. Viettel có muốn vào Mỹ cũng không được vì họ không còn giấy phép viễn thông. Viettel xác .định rất rõ mình là nhà đầu tư, chỗ nào có "cửa" thì đầu tư cho dù có khó khăn, bởi chỗ khó mà làm được thì mình sẽ giỏi lên, đã giỏi rồi thì chỗ nào cũng sẽ làm được".

Không ngừng đặt mình vào những thách thức mới, sau khi thành công tại châu Phi, Viettel lại tiếp tục "chinh phục" thị trường Nam Mỹ. Ngày 15-10 vừa qua, trong lúc Viettel kỷ niệm 10 năm kinh doanh mạng di động Viettel Mobile, thì tại Pê-ru, Viettel đã khai trương mạng viễn thông Bitel, đánh dấu một bước tiến mới trong đầu tư nước ngoài của Viettel ở một đất nước có thu nhập bình quân đầu người GDP cao gấp ba lần Việt Nam.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ tại bảy quốc gia là Lào, Cam-pu-chia, Ti-mo Le-xte, Ha-i-ti, Mô-dăm-bích, Pê-ru và Ca-mơ-run. Hai thị trường khác đã được cấp giấy phép và đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng là Tan-da-ni-a và Bu-run-đi. Viettel vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thị trường U-crai-na và Mi-an-ma...

Không ngừng khát vọng, người thuyền trưởng lèo lái con thuyền Viettel tiết lộ các mục tiêu mới đặt ra sau chặng đường phát triển 10 năm: "Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu. Tại các thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư thì phải là một trong ba công ty lớn nhất ở thị trường đó. Viettel cũng đang đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600 đến 800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành top 10 doanh nghiệp lớn nhất về viễn thông thế giới".

Với tư duy khác biệt, Viettel đang tiến những bước đi mạnh mẽ, quyết đoán và chiến lược để xây dựng thương hiệu Viettel toàn cầu và cũng chính là xây dựng thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Cách tốt nhất để thành công tiếp là xóa đi thành công của mình, là khởi tạo những chân trời mới, những thách thức mới, hãy nhìn thế giới khác đi, hãy nhìn viễn thông khác đi và hành động khác đi, để Viettel tiếp tục phát triển thành một Công ty toàn cầu, một Công ty hàng đầu trên thế giới về viễn thông và CNTT".

Theo nhandan