06:10, 10/10/2014

Khẩn trương nhưng không ồ ạt

Triển khai đồng bộ 
 
Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập huấn cho 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên nội dung Nghị định 67 và các thông tư hướng dẫn, tập trung vào các nghề:....

Triển khai đồng bộ 
 
Triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tập huấn cho 1.200 chủ tàu, thuyền trưởng tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên nội dung Nghị định 67 và các thông tư hướng dẫn, tập trung vào các nghề: Câu cá ngừ đại dương, lưới rê, chụp mực và vây rút khai thác cá ngừ sọc dưa. Đồng thời, mời Viện Nghiên cứu và chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang giới thiệu các mẫu tàu cá vỏ sắt, vỏ composite và vỏ gỗ cho các chủ tàu. Bên cạnh đó, phối hợp với một số hãng chế tạo máy thủy có uy tín như: Yanmar, Mitshubishi, Cumins... giới thiệu một số tính năng kỹ thuật của máy thủy, phương pháp vận hành máy cho gần 200 chủ tàu cá có nhu cầu đăng ký cải hoán nâng cấp máy tàu. Ngành cũng tiến hành kiểm tra lại các cơ sở đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh, bước đầu yêu cầu các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở đảm bảo các quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp cải hoán tàu cá theo Thông tư 26 của Bộ NN-PTNN. 
 

Ngoài ra, Sở đã thành lập lại các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển với cơ cấu, số lượng tổ viên, trách nhiệm, quyền lợi, quy chế hoạt động... chặt chẽ hơn trước. Các tổ đội này phải được sự công nhận của chính quyền các xã, phường, thị trấn có tàu cá. Theo Sở NN-PTNT, dự kiến, đến ngày 30-10 sẽ thành lập lại khoảng 80 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Về thí điểm đóng mới tàu cá mô hình tàu mẹ, tàu con, hiện nay, đã có 2 doanh nghiệp làm nghề dịch vụ hậu cần vùng biển xa và 26 chủ tàu cá đăng ký đóng mới, gồm: 2 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ thép, 4 tàu cá vỏ thép làm nghề lưới vây, 26 tàu vỏ composite làm nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới vây. Các chủ tàu này làm ăn có hiệu quả và có điều kiện về tài chính, là thành viên của các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. 

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

 

Vốn vay đã sẵn sàng
 
Bộ NN-PTNT phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa đóng mới 160 tàu cá và 15 tàu dịch vụ hậu cần theo Nghị định 67. Đến ngày 22-9, các chủ tàu đăng ký đóng mới 57 tàu (6 tàu vỏ thép, 25 tàu composite, 26 tàu vỏ gỗ) với vốn vay dự kiến 559 tỷ đồng; đăng ký cải hoán 187 tàu với vốn vay dự kiến 385 tỷ đồng. Tổng vốn vay dự kiến 944 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đẩu, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay, ngành đang xúc tiến tư vấn cho chủ tàu cá có đủ điều kiện tính toán để đầu tư đóng mới tàu cá theo quy hoạch ngành nghề khai thác, tập trung đối tượng khai thác chủ lực là cá ngừ. 

 

5 NH thương mại nhà nước cam kết dành 14.000 tỷ đồng cho vay theo Nghị định số 67: NH NN-PTNT 5.000 tỷ đồng, NH TMCP Đầu tư và Phát triển 3.000 tỷ đồng, NH TMCP Công thương 3.000 tỷ đồng, NH TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long 2.000 tỷ đồng, NH TMCP Ngoại thương 1.000 tỷ đồng.

Đối với ngành Ngân hàng (NH), UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa phối hợp với các cơ quan liên quan và các chi nhánh NH thương mại bố trí nguồn vốn và thực hiện cho vay phục vụ phát triển thủy sản theo đúng quy định; đầu mối phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng, đề xuất biện pháp xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, ngành đã chuẩn bị đủ vốn cho vay phục vụ thực hiện chính sách. 5 chi nhánh NH thương mại nhà nước đang tiếp cận các chủ tàu cá để giới thiệu, hướng dẫn các thủ tục cần thiết để có thể sớm triển khai cho vay sau khi UBND tỉnh công bố danh sách các chủ tàu cá đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định 67. Ngành NH Khánh Hòa sẽ triển khai Nghị định 67 khẩn trương, quyết liệt nhưng không ồ ạt, không để lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

 
Cũng theo ông Tường, ngày 2-10, tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh ở Vạn Ninh, đã có thông tin cảnh báo tình trạng “cò” thực hiện chính sách Nghị định 67. “Điều đó cho thấy, tuy phương tiện thông tin đã có cảnh báo, các ngành chức năng đã tuyên truyền nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa nắm được quy trình, thủ tục. Để người dân tránh được nạn “cò mồi”, cần phải tuyên truyền tích cực hơn nữa. Quy trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch; các ngành chức năng, các chi nhánh NH, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, cảnh báo để người dân trực tiếp đến cơ quan chức năng, không qua trung gian” - ông Tường nhấn mạnh. Ông Nguyễn Văn Đẩu cho biết: “Nhằm tránh tình trạng đối tượng xấu lợi dụng “cò mồi” trong thực hiện chính sách, Chi cục đã viết mẫu phương án sản xuất khai thác và dịch vụ thủy sản phục vụ vay vốn cho các chủ tàu. Các chủ tàu có nhu cầu đăng ký đóng mới, cải hoán nâng cấp đã được cung cấp hồ sơ, tập huấn, giới thiệu cách viết phương án sản xuất theo mẫu”.
 
Điều băn khoăn hiện nay của lãnh đạo các chi nhánh NH là khả năng trả nợ của người vay. Theo ông Nguyễn Đôn Minh, Giám đốc NH Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Khánh Hòa, Chi nhánh đã sớm tiếp xúc với các ngư dân, chỉ đợi Bộ NN-PTNT công bố mẫu tàu, UBND duyệt danh sách là NH vào cuộc. Tuy nhiên, giá trị cho vay sẽ rất lớn, rủi ro cao nên để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, điều quan trọng là phải “chọn mặt gửi vàng”. Còn ông Nguyễn Đình Cường, Phó Giám đốc NH NN-PTNT Chi nhánh Khánh Hòa băn khoăn, ngư dân có thể đánh bắt một nơi, bán sản phẩm một nơi nên NH khó kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn vay. Để triển khai hiệu quả chính sách, cần có lộ trình nhất định, không làm ồ ạt. Theo ông Đoàn Vĩnh Tường, để đảm bảo đồng tiền của NH đến tay ngư dân rồi hoàn lại NH, đại diện các chi nhánh NH thương mại được tham gia tổ tư vấn, thẩm định phục vụ Ban Chỉ đạo của tỉnh, được vào cuộc ngay từ đầu để nắm danh sách các hộ vay, nhu cầu, năng lực, khả năng khai thác, năng lực tài chính... của người vay.
 
N.D
 
 
 

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, dự kiến phân bổ số lượng tàu cá đóng mới cho các địa phương theo Nghị định 67 như sau: TP. Nha Trang 85 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hải sản, TP. Cam Ranh 25 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ, thị xã Ninh Hòa 20 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ, huyện Vạn Ninh 20 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ, huyện Cam Lâm 10 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ. Lượng tàu cá đóng mới tập trung vào các nghề câu cá, chụp mực, lưới vây, lưới rê.