06:10, 07/10/2014

Sẵn sàng cho tàu vỏ thép vươn khơi

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đóng tàu Cam Ranh được giao nhiệm vụ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là cơ hội để Công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến nay.

Công ty TNHH một thành viên (MTV) Đóng tàu Cam Ranh được giao nhiệm vụ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận theo Nghị định 67 của Chính phủ. Đây là cơ hội để Công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng kéo dài từ năm 2008 đến nay.


Nỗ lực trong giai đoạn khó khăn


Từ sự đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam), tháng 5-2007, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh chính thức đưa Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2008, Vinashin gặp khủng hoảng; tất cả những dự án đang đầu tư dở dang tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh phải dừng lại.


Ông Lê Quang Lâm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh cho biết, Dự án xây dựng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh giai đoạn 1 gồm: hệ thống văn phòng, kho bãi và đà tàu 30.000 tấn với tổng mức đầu tư 598 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thực hiện được 75% khối lượng thì dừng lại. Dự án nâng cao năng lực sản xuất Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh với tổng mức đầu tư 1.468 tỷ đồng, mục tiêu là xây dựng đà tàu 70.000 tấn, mới đầu tư được khoảng 15% tổng khối lượng công trình cũng phải dừng lại do Vinashin bị khủng hoảng.

 

1
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh sẵn sàng thực hiện đóng hàng loạt tàu vỏ thép cho ngư dân 8 tỉnh miền Trung.


Mới đây, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã có quyết định kiểm toán 2 dự án dở dang này. Hiện nay, đã kiểm toán xong dự án giai đoạn 1 và đang tiến hành kiểm toán dự án giai đoạn 2. Đây là các bước nhằm xác định giá trị doanh nghiệp để tiến tới cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh vào năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.


Để giải quyết khó khăn trước mắt, hàng năm, Công ty nhận đóng mới khoảng 5 - 8 tàu chở hàng loại nhỏ, tàu du lịch, du thuyền, tàu hút bùn, tàu kéo… cho các chủ tàu trong khu vực Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực tham gia sửa chữa, bảo dưỡng tàu để giải quyết việc làm cho người lao động trong khi lĩnh vực đóng mới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Công ty cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam ký được các hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng tàu hậu cần cho Hải quân Mỹ với số lượng bình quân từ 4 đến 7 tàu/năm. Đặc biệt, mới đây, Công ty đã hạ thủy và bàn giao 2 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi gồm: tàu Sang Fish 01 và tàu Hoàng Anh. Đây là tiền đề để Công ty tiếp tục thực hiện các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ.


Đóng tàu vỏ thép cho ngư dân


Sau khi đóng xong tàu Sang Fish 01 và Hoàng Anh, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh đã ký hợp đồng và đang đóng 2 chiếc tàu lưới vây, mành chụp có công suất 800CV cho ngư dân Quảng Ngãi (mỗi tàu trị giá 8 tỷ đồng). Dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ bàn giao 2 tàu này.


Ông Lâm cho biết, từ việc triển khai đóng 2 tàu vỏ thép thử nghiệm đầu tiên, Công ty đã tìm ra ưu, nhược điểm để điều chỉnh cho các tàu sau này. Qua phân tích, ưu điểm lớn nhất của 2 tàu vỏ thép đầu tiên là giảm sức cản, đạt tốc độ cao từ 10 đến 12 hải lý/giờ (tàu vỏ gỗ 7 - 8 hải lý/giờ), tiết kiệm 25 - 30% nhiên liệu so với tàu vỏ gỗ cùng công suất. Tuy nhiên, do áp dụng quy phạm về tầm nhìn nên cabin của tàu thiết kế cao, biên độ lắc lớn, khó khăn trong quá trình thao tác. Bên cạnh đó, tàu vỏ thép yêu cầu phải bảo quản chặt chẽ để không bị oxy hóa, hao mòn tự nhiên… Trên cơ sở đó, Công ty đã ký kết hợp tác với Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Nha Trang để nghiên cứu và xây dựng mẫu tàu vỏ thép phù hợp. Trong 21 mẫu tàu cho 5 nhóm nghề (vây, rê, câu, chụp và dịch vụ hậu cần), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trường Đại học Nha Trang thiết kế 5 mẫu. Khoa Kỹ thuật giao thông và Công ty đã thiết kế xong 5 mẫu này, đang trình Bộ phê duyệt.

 

Ông Bùi Hữu Sỹ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang thuộc diện phá sản, giải thể. Tuy nhiên, Công ty đã có văn bản đề nghị Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình các cấp có liên quan cho phép sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh. Đề nghị này cơ bản đã được chấp thuận nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai và để đủ mặt bằng, nhân công triển khai đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67.

Hiện nay, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh tiếp cận thị trường đóng tàu vỏ thép cho ngư dân 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Theo phân bổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về số lượng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67, trung bình mỗi tỉnh có nhu cầu đóng khoảng 10 chiếc. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Công ty đã chủ động tham gia, phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), UBND các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định… để phổ biến Nghị định 67 của Chính phủ, tổ chức giới thiệu tính năng, ưu điểm và các mẫu thiết kế tàu cá vỏ thép đến ngư dân, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của ngư dân vào các mẫu thiết kế để phù hợp với từng ngành nghề và từng vùng, miền khai thác. Ngoài ra, Công ty cũng đã tổ chức đưa đoàn ngư dân của tỉnh Phú Yên vào Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh để giới thiệu, tham quan các tàu cá vỏ thép đang được đóng mới tại Nhà máy. Hiện nay, Công ty đang xúc tiến các bước tiếp theo để có thể đi đến thống nhất thiết kế và ký hợp đồng với ngư dân các tỉnh: Quảng Ngãi (dự kiến 21 tàu), Bình Định (24 tàu), Phú Yên (17 tàu) và Khánh Hòa (15 tàu)…


“Với cơ sở vật chất hiện nay, chúng tôi có thể triển khai đóng cùng lúc 10 tàu tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh và 5 tàu tại Nhà máy Đóng tàu Nha Trang (Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang - công ty con của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh); có thể hạ thủy mỗi năm khoảng 30 tàu vỏ sắt ở cả hai cơ sở nêu trên. Dự kiến, khoảng cuối năm nay, các hợp đồng đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân theo Nghị định 67 sẽ bắt đầu. Công ty đã chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng thực hiện việc này”, ông Lâm cho biết.


VĂN KỲ