Phân phối là một trong những khâu quan trọng của hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhiều tổ liên kết, cơ sở sản xuất nhỏ và vừa mong muốn mở rộng kênh phân phối nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Phân phối là một trong những khâu quan trọng của hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Hiện nay, nhiều tổ liên kết, cơ sở SX nhỏ và vừa mong muốn mở rộng kênh phân phối nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Nhiều vướng mắc
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 100 tổ liên kết SXKD trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp; hàng chục nghìn cơ sở SX nhỏ và vừa hoạt động. Ngoài kênh phân phối như: chợ truyền thống, các cửa hàng, đại lý... những cơ sở SX này luôn mong muốn liên kết đa dạng kênh phân phối để ổn định đầu ra. Tuy nhiên, để vào được kênh phân phối hiện đại như siêu thị, hầu hết các nhà SX đều gặp khó.
Ông Hồ Tấn Cường, Tổ trưởng Tổ liên kết trồng táo ở xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) cho biết: “Tổ liên kết có hơn 100ha trồng táo Thái Lan. Sản phẩm của chúng tôi được bán tại Siêu thị Co.opmart Cam Ranh nhưng phải đóng gói dưới tên một nhà SX ở tỉnh khác. Hiện chúng tôi gặp nhiều khó khăn để có thể phân phối hàng vào hệ thống siêu thị dưới cái tên của chính mình”. Theo ông Nguyễn Công Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, trên địa bàn thị xã có nhiều nông sản địa phương chưa tiếp cận được kênh phân phối hiện đại như: dừa xiêm Ninh Đa, nem Ninh Hòa, tổ liên kết trồng sen, tỏi... “Nông dân chúng tôi muốn tiếp cận các thủ tục để đưa nông sản vào siêu thị. Nếu có nơi bao tiêu sản phẩm ổn định thì sẽ giảm được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Tính chia sẻ.
Các nhà sản xuất trưng bày sản phẩm tại hội thảo Xúc tiến hợp tác thương mại giữa các nhà sản xuất trong tỉnh và Big C. |
Những khó khăn chủ yếu của các nhà SX nhỏ và vừa hiện nay là quy mô vốn nhỏ, gây khó khăn trong việc mở rộng, phát triển SXKD và thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khó tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư SX, phát triển thương hiệu; thiếu thông tin về thị trường và các quy định thương mại; chưa xây dựng được quy trình SX an toàn, chưa có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm... Ngoài ra, cơ sở cung cấp thực phẩm tươi sống như: chim cút, gà thả vườn, chim bồ câu... cũng gặp khó khi không có khu giết mổ tập trung, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Một đại diện tổ liên kết nuôi chim cút (huyện Diên Khánh) cho biết: “Chúng tôi rất muốn mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ hàng tới những tỉnh, thành lân cận, đưa hàng vào hệ thống siêu thị, nhưng quy trình xây dựng thương hiệu còn gặp nhiều khó khăn, việc bổ sung các loại giấy chứng nhận, in mẫu mã, bao bì... giúp hàng hóa đủ điều kiện vào siêu thị còn nhiều vướng mắc”.
Cần sự chung tay của nhiều ngành
Tại hội thảo Xúc tiến hợp tác thương mại giữa các nhà SX trong tỉnh và Siêu thị Big C do Sở Công Thương tổ chức, đại diện Big C cho biết, đơn vị rất mong muốn được tiếp cận và phân phối sản phẩm nông lâm, thủy hải sản, trái cây của Khánh Hòa. Để giúp các mặt hàng của địa phương tiếp cận với người tiêu dùng, siêu thị sẽ có khu trưng bày riêng biệt, thời hạn thanh toán thuận lợi hơn so với các nhà cung cấp thông thường. Ngoài ra, hợp đồng ban đầu có thời hạn 6 tháng sẽ giúp nhà SX có thời gian thăm dò và thâm nhập thị trường. Siêu thị cũng có hệ thống thu thập thông tin phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm để cung cấp cho các nhà SX cải thiện mẫu mã, khẩu vị, chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc điều hành toàn quốc Big C Việt Nam cho biết: “Các tổ liên kết SX, nuôi trồng cần có chứng nhận của UBND xã về sản phẩm hoàn toàn do nông dân SX chứ không phải thu mua từ các địa phương khác trà trộn vào. Thực phẩm tươi sống phải được giết mổ ở những cơ sở có giấy phép, sản phẩm phải có giấy chứng nhận kiểm định... Phía siêu thị cũng đòi hỏi nhà cung cấp phải giao đủ lượng hàng hóa khi có yêu cầu, tôn trọng việc cung cấp không làm ảnh hưởng đến xuất xứ hàng hóa”.
Ông Cao Đình Phần, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, ngành thương mại bán lẻ chiếm vị trí quan trọng trong tổ chức kênh phân phối đưa sản phẩm tới người tiêu dùng. Để có thể SX với khối lượng lớn và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh, các nhà SX nhỏ phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch... Bên cạnh đó, phải xây dựng quy trình SX an toàn; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) hoàn thiện hồ sơ và kiểm nghiệm để các sản phẩm của Khánh Hòa không những thâm nhập kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn tỉnh mà còn đi xa hơn nữa tới các vùng miền khác.
Hương Quỳnh