Sức ép tiếp tục gia tăng trong phiên hôm nay và thêm một đợt bán tháo nữa đã đè VN-Index rơi xuống dưới mức 600 điểm...
Sức ép tiếp tục gia tăng trong phiên hôm nay và thêm một đợt bán tháo nữa đã đè VN-Index rơi xuống dưới mức 600 điểm...
Sức ép tiếp tục gia tăng trong phiên hôm nay và thêm một đợt bán tháo nữa đã đè VN-Index rơi xuống dưới mức 600 điểm, thậm chí về sát đáy cũ quanh 594 điểm. Dòng tiền bắt đáy lại xuất hiện.
Chỉ thiếu một chút nữa là VN-Index leo qua được ngưỡng tham chiếu. Chỉ số này đóng cửa chỉ còn cách tham chiếu có 1,5 điểm, tương đương 0,25%. Mức điểm số này không phải là lớn nếu tính đến việc GAS vẫn giảm 0,92%, VIC giảm 0,83%, VNM giảm 1,85%, PVD giảm 1,56%.
Những mã vốn hóa lớn nhất này đã không có được lực đẩy mạnh cần thiết để phục hồi rõ ràng hơn. Một số trong nhóm này như PVD, VIC lúc đóng cửa thậm chí còn rơi sâu hơn. Tuy nhiên đa số blue-chips còn lại vẫn đạt được mức phục hồi khá tích cực.
Lúc giảm sâu nhất, VN-Index mất tới 1,53%, ở mức 596,5 điểm. Đáy cũ của ngày 30/9 là 594 điểm. Mức chênh lệch không quá nhiều. Điểm số cuối phiên chỉ còn giảm 0,25% chắc chắn là một thành công ở mức độ nào đó.
VN-Index không qua được tham chiếu nhưng đã phục hồi tốt chiều nay. |
Bản thân GAS lúc rơi mạnh nhất cũng lùi về 105.000 đồng trong khi đáy cũ là 103.000 đồng. GAS từ chỗ giảm 3,67%, phục hồi lại chỉ còn giảm 0,92%. VIC lúc thấp nhất ở 47.300 đồng, cũng trên đáy cũ 45.800 đồng không bao xa. VIC thu hẹp được mức giảm từ -1,43% còn 0,83%. Nếu không tính đợt đóng cửa, VIC trong phiên đã có lúc quay trở lại tham chiếu.
Hai cổ phiếu vốn hóa lớn này là tiêu biểu cho hoạt động bắt đáy vì đã trải qua một đợt điều chỉnh sâu trước đó. Tác động vốn hóa lên VN-Index cũng là mạnh nhất. Việc các mã trụ dừng đà giảm khi quay về đáy cũ và được mua tốt hơn là điều tốt cho thị trường.
Rổ VN30 đóng cửa đã tăng 0,08%. Mức tăng quá nhỏ nếu trong điều kiện bình thường, nhưng chiều nay, đã có lúc chỉ số giảm tới 1,06%. Độ rộng của rổ này là khá tốt nhờ 9 mã tăng, 17 mã giảm.
Sàn HNX cũng có những chuyển biến tích cực tương tự và độ rộng còn tốt hơn. Có một điểm hơi trái ngược so với HSX là HNX-Index tăng 0,05% nhưng HNX30-Index vẫn giảm 0,17%. Độ rộng tổng thể của HNX là 83 mã tăng, 102 mã giảm trong khi HNX30 có 9 mã tăng, 12 mã giảm.
Khác biệt này chủ yếu ở chỗ PVS bị giới hạn vốn hóa khi tính HNX30. Cổ phiếu này tăng 0,46% nhưng lại tác động đủ lớn lên HNX-Index chứ không phải HNX30. PVS là một trong những cổ phiếu phục hồi thanh công khi đóng cửa tăng giá. Trong số các blue-chips, không nhiều mã dạng này.
Bất ngờ lớn nhất trong phiên bắt đáy khá kịch tính hôm nay chính là mức độ xả của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại dường như không quen bắt đáy và thay vào đó là cắt lỗ rất mạnh. Không rõ lực bán này được thực hiện vào thời điểm nào và có phải là nguyên nhân dẫn tới nhịp lao dốc mạnh đầu phiên chiều nay hay không.
Thống kê sau giao dịch ghi nhận quy mô bán lớn ở hàng loạt cổ phiếu, đặc biệt là tập trung vào VN30. Rổ này bị xả ròng gần 133,9 tỷ đồng, cao nhất 14 phiên. Tại PVD, rất có thể lực xả này đã đóng vai trò chính dìm giá, khi khối lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 60% thanh khoản. PVD bị rút ròng xấp xỉ 42,2 tỷ đồng.
Các cổ phiếu như HPG, FLC, VIC, HAG, GAS cũng bị bán rất mạnh nhưng đều được nhà đầu tư trong nước nâng đỡ tốt, mức giảm không quá lớn. HSX bị bán ròng chung 154,1 tỷ đồng qua khớp lệnh và mua ròng thỏa thuận khoảng 38 tỷ đồng nhờ BMI, JVC và VCB.
Sàn Hà Nội các giao dịch bán lớn tập trung vào SHB, VCG, PVS nhưng các mã này cũng giao dịch khỏe. HNX bị bán ròng tổng cộng 8,3 tỷ đồng, không nhiều.
Thanh khoản đã không tăng nhiều về khối lượng, toàn thị trường khớp 179,2 triệu cổ phiếu, tăng hơn 2% so với hôm qua. Tuy nhiên giá trị khớp lệnh lại tăng trên 7%, đạt 3.135,8 tỷ đồng. Như vậy các giao dịch đã tập trung nhiều vào các cổ phiếu thị giá cao hơn là các cổ phiếu nhỏ.
Theo vneconomy