Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, công nghiệp hỗ trợ hầu như chưa phát triển.
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đóng vai trò quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, CNHT hầu như chưa phát triển.
Công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn
Ở Việt Nam, CNHT được định hướng phát triển chủ yếu trong 3 lĩnh vực: linh kiện - phụ tùng, dệt may - da giày, công nghệ cao. Trong lĩnh vực linh kiện - phụ tùng, định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển phục vụ các ngành cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp; đến năm 2030 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) CNHT tham gia mạng lưới sản xuất trong khu vực và quốc tế. Đối với ngành dệt may - da giày, phải đảm bảo chủ động trong sản xuất nội địa và tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Đối với ngành công nghệ cao, ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất các vật liệu thép chế tạo, nhựa, composite, vật liệu điện tử và vật liệu mới…
Sản xuất tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang |
Ông Nguyễn Sanh Đương - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương cho biết, hiện nay, tình trạng chung của cả nước là ngành CNHT chưa phát triển tương xứng với nhu cầu thực tế, chỉ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có nền CNHT tương đối phát triển. Ở Khánh Hòa, tuy ngành CNHT đã có từ hơn 10 năm trước, nhưng tốc độ phát triển quá chậm, đến nay vẫn chưa có sự đột biến. Đóng góp của ngành CNHT đối với phát triển công nghiệp trong tỉnh chưa đáng kể, nếu tách riêng thì tỷ trọng quá thấp… Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh chỉ có 6 DN đang hoạt động trên lĩnh vực CNHT. Các DN này chủ yếu sản xuất bao bì, dệt may, phụ liệu cho ngành may mặc. Hoạt động trong ngành CNHT có thể kể đến Công ty Cổ phần Phụ liệu may Nha Trang, Công ty Cổ phần Bao bì 3-2…
Ông Cao Đình Liêm - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì 3-2 cho biết, Công ty chủ yếu in ấn bao bì các loại, sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, các sản phẩm từ giấy và bìa với dây chuyền sản xuất giấy medium 7 tấn/ngày đêm, dây chuyền sản xuất giấy carton sóng k có tốc độ bình quân 50m/phút. Hiện nay, Công ty tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa, chưa xuất khẩu…
Hướng đến phục vụ ngành đóng tàu
Được biết, từ nhiều năm trước, UBND tỉnh đã có hướng phát triển CNHT cho ngành công nghiệp đóng tàu. Các DN đầu tư vào lĩnh vực này sẽ sản xuất chủ yếu phụ kiện thép, ống thép, khối vỏ… để làm vệ tinh cho các nhà máy đóng tàu, đặc biệt là Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS). Tuy nhiên, đến nay, định hướng đó vẫn chưa thành hiện thực. Nguyên nhân CNHT chưa phát triển là do chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, mặt bằng… chưa thực sự khuyến khích các DN vào đầu tư. Do vậy, hiện nay, HVS phải nhập khẩu một số linh kiện để đóng tàu. Nếu có nhà máy sản xuất linh kiện làm vệ tinh thì ngoài việc giảm được nhập siêu, HVS còn tăng năng suất đóng tàu, giảm chi phí sản xuất…
lãnh đạo Sở Công Thương, xác định được tầm quan trọng của ngành CNHT, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT. Trong đó, nội dung chính sẽ đưa CNHT thành chương trình quốc gia, triển khai đồng bộ ở Trung ương và địa phương để tạo sự phát triển đồng bộ; đưa ra các biện pháp hỗ trợ DN Việt Nam bao gồm: hỗ trợ về mặt công nghệ, quản trị sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, tạo kết nối với khách hàng trong và ngoài nước. Ngoài ra, sẽ thành lập Trung tâm Phát triển CNHT, thành lập quỹ đầu tư CNHT; đồng thời, sẽ có các ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ hạ tầng… |
Thống kê của Sở Công Thương, tuy đã có định hướng phát triển từ khá lâu, nhưng hiện nay, tại Khu Kinh tế Vân Phong mới chỉ có một vài công ty đăng ký đầu tư nhà máy sản xuất CNHT. Cụ thể như: Công ty TNHH Miboo Technology (Hàn Quốc) đầu tư dự án sản xuất, gia công và lắp đặt khoan máy, khối vỏ, bộ phận nguyên cụm và các loại ống, phụ kiện thép. Địa điểm thực hiện dự án nằm trong khuôn viên HVS. Dự kiến cuối năm nay, Công ty sẽ khởi công xây dựng. Ngoài ra, còn có Công ty Karmsund Maritime Offshore Froduction (Na Uy) đầu tư dự án tại Khu công ngiệp Suối Dầu chuyên sản xuất, chế tạo cơ khí chính xác, thiết bị máy móc kiểm soát an toàn quá trình sản xuất công nghiệp, rô bốt công nghiệp; sản xuất thiết bị phụ tùng cho các tàu vận tải, tàu đánh cá, phụ tùng ngành động lực, thủy lực…
Theo ông Đương, phần lớn DN CNHT đều là vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao, khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Trong khi đó, các sản phẩm CNHT đều phải đáp ứng được yêu cầu người mua. Nhà sản xuất không thể tự đặt tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình mà phải theo tiêu chuẩn quốc tế nên rất khắt khe, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Với việc các công ty CNHT nước ngoài đăng ký vào hoạt động trong Khu Kinh tế Vân Phong, hy vọng trong tương lai, ngành đóng tàu và các ngành công nghiệp nặng trong tỉnh sẽ phát triển mạnh.
NHẬT THANH
CNHT là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. CNHT không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.