Từ khi có chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa đến thời hạn cuối cùng để xóa bỏ lò gạch thủ công, thời gian chỉ trong vòng nửa năm. Các chủ cơ sở sản xuất và ngay cả chính quyền xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đều cho rằng lộ trình này quá gấp.
Từ khi có chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa đến thời hạn cuối cùng để xóa bỏ lò gạch thủ công, thời gian chỉ trong vòng nửa năm. Các chủ cơ sở sản xuất (CSSX) và ngay cả chính quyền xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) đều cho rằng lộ trình này quá gấp.
Ngày 23-12-2013, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục; tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 14-4, UBND thị xã Ninh Hòa mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò gạch thủ công trên địa bàn thị xã.
Ông Nguyễn Trinh, Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân thừa nhận: “Lộ trình đóng cửa lò gạch đưa ra quá gấp. Cuối năm 2013, UBND tỉnh có chỉ thị thì đến tháng 2 năm nay xã mới nhận được văn bản. Do tháng 3 vướng công tác bầu lại trưởng thôn nên tháng 4 chúng tôi mới triệu tập cuộc họp với các chủ CSSX để triển khai. Cuối tháng 6 phải chấm dứt, mà đến nay còn chưa có cơ chế về bồi thường hỗ trợ, chưa có đoàn kiểm kê tài sản của các CSSX...”.
Lò gạch thủ công ở Ninh Xuân cần lộ trình hợp lý để xóa bỏ. |
Ông Lê Văn Hài (thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân), cho biết ông bắt đầu vào nghề sản xuất gạch từ năm 2001. Qua hơn 10 năm hoạt động, đến nay CSSX của ông Hài đã mở rộng với tổng vốn đầu tư ở thời điểm hiện tại ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Ông Hài tâm sự: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh, nhưng lộ trình quá gấp. Từ đầu năm, tôi đã phải đi mua đất dự trữ làm gạch và chất đốt cho cả năm. Hiện nay, tôi đang dự trữ khoảng 1.000 xe đất và hàng chục tấn chất đốt, nếu yêu cầu dừng ngay thì riêng vốn mua nguyên liệu dự trữ hơn 1 tỷ đồng tôi biết làm sao?”.
Tương tự, bà Lê Thanh Thủy (có thâm niên 16 năm sản xuất gạch thủ công) từ đầu năm đã phải lặn lội lên tận Đắk Lắk mua bã mía của nhà máy đường (vì Nhà máy đường ở Ninh Hòa đã dùng hết bã mía cho sản xuất nhiệt điện) để dự trữ nguyên liệu đốt. Song song đó, bà còn cho người lùng khắp nơi quanh thị xã mua đất dự trữ nguyên liệu làm gạch cho cả năm. “Đầu năm, CSSX nào cũng phải đi mua nguyên liệu dự trữ cho cả năm. Đó là chưa kể một số CSSX mới mở rộng hoặc đầu tư máy móc mới. Nay thông báo dừng chỉ trong vài tháng thì chúng tôi trở tay sao kịp?”, bà Thủy than.
Theo ông Trinh, UBND xã Ninh Xuân vừa có báo cáo gửi UBND thị xã Ninh Hòa, nêu nguyện vọng của các chủ lò gạch về việc mong muốn được hỗ trợ kinh phí, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, được đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh và trao đổi với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đặc biệt, báo cáo đã kiến nghị lùi thời gian chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trên địa bàn xã đến hết năm 2015.
Nhiều người dân cũng băn khoăn về vấn đề bồi thường, hỗ trợ. Ông Trần Công Hoán, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, do trong chỉ thị của UBND tỉnh không nói đến việc kiểm kê, hỗ trợ các CSSX để đóng cửa nên thị xã chưa thể làm. Hiện thị xã đang gấp rút làm kiến nghị gửi UBND tỉnh xem xét có biện pháp hỗ trợ người dân kinh phí, chuyển đổi nghề để đóng cửa lò gạch.
Nhật Thanh
Tập huấn về gạch không nung cho chủ lò gạch thủ công
Ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại: Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa đã có văn bản đề nghị Trung tâm hỗ trợ, phối hợp tổ chức tập huấn, giới thiệu cho các chủ CSSX gạch thủ công ở Ninh Xuân về công nghệ làm gạch không nung, hướng tới thay đổi phương thức sản xuất tại đây. Hiện Trung tâm đã liên hệ được với một công ty chuyên về gạch không nung ở TP. Hồ Chí Minh để tổ chức 1 buổi tập huấn, giới thiệu vào tháng 6 này. Trung tâm sẽ có kinh phí hỗ trợ cho CSSX đầu tiên ở Ninh Xuân thực hiện sản xuất gạch không nung từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.