Những năm gần đây, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, thách thức vẫn chưa hết.
Những năm gần đây, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các chính sách ưu đãi, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, thách thức vẫn chưa hết.
Môi trường đầu tư đã thuận lợi
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 86 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký khoảng hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, có 42 dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp, 44 dự án ngoài cụm công nghiệp. Năm 2011, tổng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động đạt 632 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 599 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 18,2 triệu USD.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI đã tạo ra doanh thu xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Hiện nay, tổng số lao động làm việc trong các DN có vốn FDI là khoảng 14 nghìn người; trình độ quản lý, tay nghề và thu nhập của lao động tương đối cao. Bên cạnh đó, các DN này cũng đã tạo thêm được nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới, góp phần tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước...
Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundự Vinashin đầu tư có hiệu quả ở Khánh Hòa. |
Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã chủ động và đi trước một bước trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, làm tốt công tác quy hoạch và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Nhờ tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy nội lực nên hạ tầng giao thông, thủy lợi, thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... đã được xây dựng và nâng cấp khá đồng bộ. Công tác quy hoạch từng bước được hoàn thiện; cải cách thủ tục hành chính được đánh giá tích cực. Ðể thu hút đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động, UBND tỉnh đã kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh. Trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh đã chủ động rà soát và ban hành một số chính sách khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Khánh Hòa. Nhờ đó, từ năm 2009 - 2011, trung bình mỗi năm có khoảng 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Khánh Hòa.
Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Thời gian qua, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, kết quả trên vẫn chưa tương xứng. Đến thời điểm này, vốn đầu tư thực hiện của các dự án mới đạt khoảng 622 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/2 tổng vốn đăng ký (hơn 1,2 tỷ USD). Một số dự án trên địa bàn chậm triển khai nhiều năm vì thiếu năng lực tài chính và đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Mặt khác, số lượng DN FDI có quy mô lớn đầu tư vào Khánh Hòa cũng chiếm tỷ lệ ít, nhất là dự án trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; chủ yếu chỉ là những dự án nhỏ và vừa.
Tuy có nhiều cố gắng nhưng Khánh Hòa vẫn chưa thật sự sẵn sàng về quy hoạch và mặt bằng cho nhà đầu tư. Nhiều khu vực được nhà đầu tư quan tâm, nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết nên không thể hình thành dự án. Việc chuẩn bị mặt bằng (bao gồm hạ tầng kỹ thuật: cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, chất thải...) cho các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp chưa sẵn sàng. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu giải pháp quyết liệt, thỏa đáng. Một số trường hợp giải quyết thủ tục đầu tư còn chậm, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, thời gian xem xét chấp thuận chủ trương còn dài, làm chậm tiến độ của nhà đầu tư...
Ông Kiều Lâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN tỉnh cho biết: Tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư, nhất là đầu tư vào 3 vùng trọng điểm của tỉnh: Khu Kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và các khu công nghiệp trong tỉnh. Tỉnh ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp lọc hóa dầu; công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; du lịch dịch vụ; phát triển các vùng khó khăn; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn...
ANH TUẤN