Khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất mía là lợi ích mang lại từ việc sử dụng máy móc đa năng trong sản xuất và thu hoạch cây mía. Tuy nhiên, việc ứng dụng hiện còn hạn chế.
Khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất mía là lợi ích mang lại từ việc sử dụng máy móc đa năng trong sản xuất và thu hoạch cây mía. Tuy nhiên, việc ứng dụng hiện còn hạn chế.
Lợi ích “6 trong 1”
Mùa trồng mía năm nay, nhiều nông dân ở xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hòa) được “mục kích” tính hiệu quả của chiếc máy trồng mía đa năng “6 trong 1” nhập từ Thái Lan. Ông Lê Văn Tỵ, một thợ cơ khí tại thôn Đồng Bé (Diên Thọ) cho biết, năm 2010, Nhà máy Đường Khánh Hòa nhập 4 chiếc máy trồng mía đa năng từ Thái Lan về bán cho nông dân theo hình thức trả góp. Tuy nhiên, những chiếc máy này không thể hoạt động được vì công suất “đầu kéo” quá nhỏ, không thể kéo nổi khối lượng quá lớn máy móc cũng như vật dụng đặt trên máy. Ông Tỵ đã tự mày mò, cải tiến, dùng máy cày MTZ làm đầu kéo, liên kết các bộ phận truyền lực của chiếc máy cày với chiếc máy trồng mía đa năng, tạo ra lực mạnh có thể kéo cả dàn máy phía sau. Kết quả là, chỉ duy nhất chiếc máy do ông Tỵ cải tiến vận hành hiệu quả. Theo ông Tỵ, máy đa năng có thể cùng lúc làm 6 công việc: rạch hàng, chặt ngọn, rải ngọn, rải phân, lấp đất và lu lèn. Máy có thể trồng 3ha/ngày, thay thế khoảng 40 lao động làm việc liên tục.
Nông dân ngày càng quan tâm đến các loại máy hỗ trợ trong sản xuất cây mía |
Sở dĩ máy đa năng có thể cùng lúc làm được nhiều việc là nhờ hệ thống thiết kế đồng bộ: khi máy hoạt động, bánh răng truyền lực vào hệ thống nhông sên, khởi động hệ thống bón phân và dao chặt mía, cắt thân mía ra từng đoạn, đồng thời lột lá mía. Khi mía rơi xuống đất (đã được vạch hàng sẵn), 2 chân gạt lấp đất và hệ thống lu lèn làm khít đất luôn. Đứng trên máy đa năng chỉ cần 2 người cho thân mía vào buồng chặt. Với khối lượng 1 tấn mía cây, cộng phân bón và người đứng thao tác, máy đa năng có thể nặng tới 1,8 tấn. Vì vậy, nếu đầu kéo yếu, máy không thể vận hành được. Theo ông Tỵ, đầu kéo của Thái Lan có công suất đến 250CV nhưng đầu kéo Việt Nam lại quá nhỏ, do đó, việc thay thế đầu kéo máy cày MTZ là hợp lý. Vụ mía này, riêng diện tích nông dân thuê ông Tỵ thực hiện đã lên tới 50ha.
Bước đầu được phổ biến
Thấy được lợi ích của việc sử dụng máy móc đa năng vào sản xuất cây mía, mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phổ biến và hỗ trợ một số máy móc đa năng chuyên dùng cho vùng mía, bao gồm máy làm đất đa năng và máy nâng xếp mía. Theo ông Nguyễn Tiến - Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa, thị xã vừa đưa vào hoạt động 6 máy làm đất đa năng được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trị giá mỗi chiếc 25 triệu đồng. Trạm đã chuyển giao cho 2 tổ hợp tác trồng mía tại Ninh Tân và Ninh Thượng với mức hỗ trợ 75%. Vừa qua, Trạm phối hợp với các địa phương tổ chức trình diễn cho nông dân xem, kết quả máy hoạt động tốt.
Theo đánh giá của nhà sản xuất, việc áp dụng máy làm đất đa năng giúp cơ giới hóa 5 khâu đối với vùng đất cứng, diện tích rộng; cơ giới hóa 7 khâu đối với vùng đất cát pha, có diện tích nhỏ; giảm 50 - 70% chi phí sản xuất; 30 - 90% thời gian lao động trong từng khâu. Ngoài làm đất, chăm sóc mía, nông dân còn sử dụng làm đất cho lúa, mì, bắp, đậu... Máy nâng xếp mía hỗ trợ nâng mía từ mặt đất lên thùng xe, năng suất đạt 20 tấn/giờ, cần 4 - 5 lao động, cao hơn hẳn quá trình bốc xếp thủ công (cần 5 - 8 người bốc cho xe 20 tấn, mất 3 - 5 giờ).
Kỹ sư Võ Thị Bích Chi, Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư Khánh Hòa cho biết, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ Khánh Hòa 10 máy, gồm 8 máy làm đất và 2 máy nâng xếp mía. Trung tâm đã chuyển giao 6 máy làm đất cho Ninh Hòa, 2 máy làm đất cho Diên Khánh, 2 máy nâng xếp mía cho Cam Lâm. Trị giá máy làm đất 27 triệu đồng/máy, máy nâng xếp mía 20 triệu đồng/máy. Nhà nước hỗ trợ 75%, nông dân 25%. Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư đã tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật vận hành đến người trồng mía. Kế hoạch hỗ trợ sẽ thực hiện trong 2 năm 2012 - 2013, dự kiến mỗi điểm hỗ trợ 6 máy làm đất, 5 máy nâng xếp mía.
Mía là cây công nghiệp chủ lực của Khánh Hòa. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng cây mía vẫn còn hạn chế mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do chậm đầu tư cơ giới hóa, áp dụng máy móc đa năng vào sản xuất. Việc ứng dụng rộng rãi các máy móc đa năng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cây mía, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
QUANG VIÊN