08:09, 10/09/2012

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Cam Lâm là địa phương đi đầu trong tỉnh Khánh Hòa về thực hiện dồn điền đổi thửa và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, mô hình vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Cam Lâm là địa phương đi đầu trong tỉnh Khánh Hòa về thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn tỉnh Khánh Hòa có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, mô hình vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Hiệu quả

Sau 3 năm triển khai DĐĐT, huyện Cam Lâm đã đạt được nhiều kết quả như: Bước đầu khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún; tạo điều kiện đầu tư vốn, kỹ thuật, cơ giới, thủy lợi, giao thông; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp... 3 năm qua, 7 xã trên địa bàn huyện (gồm: Suối Cát, Suối Tân, Cam Hòa, Cam Thành Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc và Cam An Nam) đã DĐĐT với diện tích 176ha, 590 thửa (giảm 841 thửa); bình quân thửa vùng mía 1,1ha, vùng lúa 0,9ha. Tại vùng DĐĐT, đã nâng cấp và làm mới 46 tuyến đường, tổng chiều dài hơn 13,5km, mặt đường rộng 3 - 6m; xây mới 28 tuyến kênh mương nội đồng, tổng chiều dài hơn 2km, bảo đảm các thửa đều tiếp giáp với đường, kênh mương, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, tưới tiêu và thu hoạch. Vùng DĐĐT được ưu tiên chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư giống mới có năng suất, sản lượng cao. Người dân đã đóng góp hơn 7ha đất để tham gia xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi. Vụ thu hoạch đầu tiên, vùng sản xuất lúa xã Cam Thành Bắc đạt 65 tạ/ha, cao hơn mức bình quân chung 9 tạ/ha. Tương tự, vùng mía Cam An Bắc sử dụng đại trà giống mía mới K 84-200, năng suất đạt 75 tấn/ha, tăng 38 tấn/ha so với năng suất bình quân khu vực xung quanh.

Vùng đồn điền đổi thửa xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm)
Vùng dồn điền đổi thửa xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm)

Chưa hết khó khăn

Công tác DĐĐT tại huyện Cam Lâm là mô hình mẫu để tỉnh triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Mới đây, tỉnh đã tổ chức đánh giá kết quả mô hình tại Cam Lâm và bàn giải pháp nhân rộng trong thời gian tới. Tại đây, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn trong việc triển khai mô hình như: công tác vận động đổi đất; vốn đầu tư; cách thức tổ chức, quản lý; tiêu thụ nông sản vùng DĐĐT... Ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa khẳng định, đây là mô hình hay, là giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, thỏa mãn các tiêu chí 11, 13 của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đối với thị xã Ninh Hòa cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay, để cấp trên rót vốn, địa phương cần có vốn đối ứng ít nhất 30%, đây là vấn đề khó. Nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có những loại cây trồng đặc thù, không phải là mía, lúa thì như thế nào? Ông Trân cũng đặt vấn đề: Sau khi DĐĐT, việc quản lý, tổ chức sản xuất trong vùng DĐĐT ra sao, chọn mô hình nào? Nếu không có phương án sản xuất hiệu quả, đầu ra bấp bênh thì kết quả mang lại sẽ rất thấp.

Ông Lê Xuân Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh thì băn khoăn: Hiện nay, Diên Khánh đang xây dựng cánh đồng mẫu rộng 56ha tại xã Diên Điền thực hiện theo hướng DĐĐT. Tuy nhiên, sau khi hình thành vùng DĐĐT, cách thức quản lý, tổ chức sản xuất ra sao là điều đáng quan tâm. Ông Nhàn cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện DĐĐT, tạo sự đồng thuận cao, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đồng bộ, khả thi, có hướng dẫn cụ thể để chính quyền các cấp thực hiện.

Tại hội nghị đánh giá kết quả mô hình DĐĐT ở Cam Lâm, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ giao các ngành tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch, phương án DĐĐT của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, mở rộng thêm các loại cây trồng, vật nuôi chính và bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, nhân rộng công tác này thời gian tới.

H.A

Dự thảo cơ chế khuyến khích thực hiện chủ trương DĐĐT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015:

Hỗ trợ về giao thông, thủy lợi: không quá 70% tổng mức đầu tư được duyệt;

Hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng: Cây lúa 5 triệu đồng/ha; cây mía 70% kinh phí san ủi, tạo mặt bằng, 50% kinh phí giống mới; 5 triệu đồng/ha cải tạo đất.

Hỗ trợ 100% công tác chỉnh lý thửa đất, khu đất, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận.

Ngoài ra còn có kinh phí dành cho Ban chỉ đạo (thôn, xã, huyện), kinh phí tuyên truyền, sơ, tổng kết…

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Khánh Hòa cần phải xây dựng những cánh đồng lớn để từng bước thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tuy nhiên phải được sự hưởng ứng của người dân. Vấn đề quan trọng là sau khi có cánh đồng lớn phải xây dựng hình thức tổ chức quản lý phù hợp để lo khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản làm ra.