10:09, 02/09/2012

“Bước đệm” cho hàng Việt

Sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần tạo “bước đệm” cho hàng Việt trên thị trường nội địa.

 

Sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần tạo “bước đệm” cho hàng Việt trên thị trường nội địa.

. Những kết quả bước đầu

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau 3 năm thực hiện, CVĐ đã được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá hàng Việt như: vận động ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, treo băng rôn tuyên truyền các chương trình hội chợ, hàng Việt về nông thôn… Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã phát sóng hơn 300 tin, trên 50 bài, hơn 200 chuyên mục về hàng Việt. Báo Khánh Hòa cũng có hàng trăm tin, bài tuyên truyền và phản ánh kết quả của CVĐ. Nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm về hàng Việt đã được tổ chức như: Hội thảo chuyên đề “Năm ngộ nhận về thương hiệu”, “Hiểu - Tin hàng Việt”, “Đưa nông sản vào siêu thị”…

Sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khích lệ, góp phần tạo “bước đệm” cho hàng Việt trên thị trường nội địa.
Siêu thị Co.opmart Cam Ranh bán hàng lưu động tại huyện Diên Khánh.

Các hoạt động xúc tiến thương mại hưởng ứng CVĐ đã được ngành Công Thương tỉnh triển khai dưới nhiều hoạt động như: tuần lễ bán hàng khuyến mại, hàng Việt về nông thôn, hội chợ tại các huyện, thị xã, thành phố. Xác định CVĐ là cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực đầu tư, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Ông Phạm Trọng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nhận định: “Nhiều DN hàng đầu trong tỉnh đã tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia các hội chợ triển lãm, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang… Ngoài ra, một số siêu thị cũng thường xuyên tổ chức bán hàng lưu động phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, người dân được tiếp cận, mua sắm hàng trong nước nhiều hơn, góp phần nâng cao uy tín cho hàng Việt và từng bước đẩy lùi hàng giả”.

. Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay

 Siêu thị Co.opmart Cam Ranh bán hàng lưu động tại huyện Khánh Sơn.
Siêu thị Co.opmart Cam Ranh bán hàng lưu động tại huyện Khánh Sơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền CVĐ đôi khi còn chung chung. Các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý nhà nước để thúc đẩy sản xuất, phân phối lưu thông, tạo điều kiện cạnh tranh cho hàng hóa thương hiệu Việt chưa thực hiện tốt, đặc biệt là công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại… Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để khai thác thị trường nội địa.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa qua, đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định: “Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện CVĐ vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, ngoài một số DN có mạng lưới phân phối đến tận cơ sở, hầu hết mạng lưới của DN còn rất mỏng. Điều này có nguyên nhân chủ quan do DN chưa đủ lực, đồng thời do các địa phương chưa quan tâm mở những dịch vụ thương mại. Chất lượng một số hội chợ cũng chưa tốt.” Đồng chí Trần Sơn Hải nhấn mạnh, để CVĐ đạt hiệu quả hơn nữa, các sở, ngành, địa phương cần tạo điều kiện cho DN mở rộng mạng lưới phân phối, các hiệp hội DN cần kết nối DN để mở rộng chuỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho DN đưa hàng về nông thôn, nâng cao hiệu quả của các hội chợ, tăng cường công tác quản lý hàng giả, hàng lậu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Lương Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa cho rằng, hiện nay, khâu tuyên truyền, tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn chưa đủ mạnh, số lượng DN tham gia chưa nhiều, chưa có các chương trình sôi động để thu hút sự chú ý của người dân. Ông Hùng đề xuất, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ cho DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đồng thời cần có quy hoạch trung tâm thương mại, triển lãm nhằm tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm mới.

 Siêu thị Co.opmart Cam Ranh bán hàng lưu động tại huyện Khánh Sơn.
Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Ông Cao Đình Phần - Phó Giám đốc Sở Công Thương đề nghị, các địa phương cần nghiên cứu tổ chức mặt bằng cố định tại một số chợ để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cũng như DN tổ chức những phiên chợ hàng Việt định kỳ… Nhấn mạnh đến vai trò của người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh cho biết: “Người tiêu dùng quyết định tới 90% việc thành công của CVĐ. Bởi người tiêu dùng có quyền lực “mềm”, họ sẽ tẩy chay những hàng hóa sản xuất không đảm bảo chất lượng. Nếu DN không tỉnh táo, làm ăn thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng thì khó có thể tồn tại lâu dài”.

Có thể nói, để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đi vào đời sống, rất cần sự chung tay mạnh mẽ của Nhà nước, DN và người tiêu dùng.

K.D

Ông Phạm Trọng Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại nhận định: “Kết quả 3 năm thực hiện CVĐ mới chỉ là bước khởi đầu. Để CVĐ thành công hơn nữa, việc tuyên tuyền cần tăng thời lượng, tần suất dưới nhiều hình thức phong phú hơn để người dân hiểu rõ dùng hàng Việt không chỉ là lợi ích mà còn thể hiện lòng yêu nước. Đồng thời, DN phải tích cực nghiên cứu nhu cầu, sở thích tiêu dùng và khả năng thanh toán của thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn.”