09:08, 02/08/2012

Chính phủ: Giảm phát khó xảy ra

 

Nền kinh tế dù đang gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn có những chuyển biến tích cực, khả năng giảm phát là khó xảy ra.

 

 

Bộ trưởng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 31-7.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo chiều 31-7.

 

Nền kinh tế dù đang gặp nhiều khó khăn, song nhìn chung nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn có những chuyển biến tích cực, khả năng giảm phát là khó xảy ra.

Khẳng định trên của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 7, được Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt lại tại cuộc họp báo vào chiều tối ngày 31/7.

Theo Bộ trưởng Đam, vừa qua một số chuyên gia, phương tiện truyền thông có đề cập, quan ngại trước khả năng nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng giảm phát, sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 2 tháng liên tiếp (tháng 6, 7-2012).

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Chính phủ, thông lệ trong nền kinh tế thường GDP ít khi được tính theo tháng, mà phải tính theo quý. Nếu 2 quý liên tiếp sụt giảm thì mới có thể kết luận nền kinh tế suy giảm.

Trong khi đó, dù GDP trong mấy tháng đầu năm 2012 có thấp hơn trước đây và kế hoạch đề ra, song nền kinh tế chúng ta từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng dương. Điều đó cho thấy, không có cơ sở để kết luận nền kinh tế đang rơi vào suy giảm.

Riêng về CPI, Bộ trưởng Đam thừa nhận, đúng là bắt đầu âm từ 2 tháng vừa qua, song vấn đề này đã được Chính phủ bàn bạc, thảo luận từ tháng 9 năm ngoái, trong đó, Chính phủ tính toán rất kỹ về khả năng, diễn biến của lạm phát với nhiều khái niệm, tình huống có thể xảy ra trong năm nay.

Đặc biệt, Chính phủ khẳng định, mặc dù CPI  2 tháng vừa qua âm, nhưng nếu loại bỏ 2 nhóm là lương thực và năng lượng - là nhóm mặt hàng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài, thị trường thế giới - thì lạm phát cơ bản 2 tháng vừa rồi vẫn dương.

Do đó, quan điểm của Chính phủ rõ ràng, rằng CPI âm trong 2 tháng 6 và 7, thậm chí tháng 8 vẫn tiếp tục âm, song từ nay đến cuối năm nếu không có biện pháp điều hành đặc biệt thì khả năng lạm phát cả năm không quá 10%.

“Quan điểm của Chính phủ là làm sao các giải pháp đưa ra phải đạt được cả hai mục tiêu, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa kiềm chế được lạm phát, ổn định vĩ mô. Còn thực tế với các nước đang phát triển, lạm phát dương nhưng ở mức 7% thì vẫn là rất cao”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Trả lời câu hỏi về điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế từ nay đến cuối năm, để làm sao những con số như doanh nghiệp giải thể giảm, tăng trưởng tín dụng cao hơn, lãi suất giảm thêm…Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, doanh nghiệp muốn phát triển về lâu dài thì vĩ mô phải ổn định, ngân hàng phải dồi dào vốn, lãi suất thấp. Muốn vậy, lạm phát phải thấp. Năm nay điều hành lạm phát 7%, năm tới giảm hơn thì mới là ổn định vĩ mô lâu dài.

“Quan trọng là điều hành không để giật cục, lạm phát giảm rồi nhưng không để cao như những năm trước. Báo giới cần phân tích đầy đủ để nhân dân hiểu rằng, tình hình dù đang có khó khăn nhưng chúng ta đang đi đúng hướng”, Bộ trưởng Đam nói.

Liên quan đến một số vấn đề đang được dư luận quan tâm như giá xăng dầu, hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty…đại diện các bộ, ngành cũng chia sẻ với báo giới tại cuộc họp báo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, đối với giá xăng dầu, hiện Bộ đã có công văn giao cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được phép quyết định giá theo biên độ và tần suất. Nhiều quy định cụ thể đã được quy định tại nghị định 84.

Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh giá không được quá 7%, thời gian tối thiểu là 10 ngày và phải định giá theo nguyên tắc và phương pháp tại Nghị định 84 và Thông tư 234 của Bộ. Doanh nghiệp cũng phải đăng ký giá với cơ quan quản lý.

Nói về khả năng tăng giá hay không trong thời gian tới, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, hiện kinh doanh xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Do đó, doanh nghiệp sẽ tính toán giá cơ sở so với giá bán hiện hành, trên cơ sở đó họ sẽ cân nhắc việc tăng giá. Ngay cả thời điểm tăng cũng sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.

Thông tin về tình hình doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết, đến nay cả nước còn khoảng 1.300 doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn, trong đó: thuộc địa phương quản lý 53,6%, các bộ, ngành quản lý 27,1%; thuộc các tập đoàn, tổng công ty quản lý 19,3%. Doanh nghiệp hoạt động công ích chiếm 34,5%, doanh nghiệp kinh doanh chiếm 65,5% tổng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Chính phủ nhìn nhận, ngoài một số kết quả đạt được nhất định, nhìn chung hiệu quả sản xuất kinh doanh của khối này vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ…

Theo VnEconomy