10:07, 24/07/2012

Cây mía lên đồi

Ninh Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa) là vùng bán sơn địa, nhiều đồi núi có độ dốc thấp, thích hợp cho cây mía phát triển. Những năm gần đây, cây mía được giá nên diện tích mía đã nhanh chóng được mở rộng cả trên đồi.

Ninh Sơn (Ninh Hòa, Khánh Hòa) là vùng bán sơn địa, nhiều đồi núi có độ dốc thấp, thích hợp cho cây mía phát triển. Những năm gần đây, cây mía được giá nên diện tích mía đã nhanh chóng được mở rộng cả trên đồi. Đây là hướng đi đúng, vừa giải quyết bài toán thiếu đất canh tác, vừa cải tạo môi trường, chống hoang hóa, bạc màu đất đai…

. Mía phủ xanh đồi

Thời gian này, xã Ninh Sơn đang chuẩn bị cho vụ mía mới. Không chỉ có màu xanh thẫm của ruộng mía nơi đồng bằng, màu xanh của mía tơ còn bao phủ cả những ngọn đồi thấp quanh vùng. Bà Lương Thị Thu Cúc (thôn 3) cho biết, hiện nay, gia đình bà đang canh tác 46ha mía (vừa mua, vừa thuê). Trong đó, diện tích mía trồng trên đồi chiếm tới 40%. Sở dĩ bà muốn phát triển mía lên đồi là vì mía không bị ngập nước trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, trồng mía trên đồi có chi phí cao hơn, đặc biệt là thời gian đầu cải tạo đất. Muốn trồng mía trên đồi phải thuê máy múc đánh gốc cây cho sạch, thuê máy ủi san phẳng, tạo lớp đất màu. Việc trồng mía trên đồi cũng khó khăn hơn nơi đồng bằng vì phải đánh hàng theo đường đồng mức, những nơi có độ dốc lớn buộc phải thuê lao động làm thủ công. Đi lên từ cây mía, gia đình bà đang có thu nhập ổn định hàng năm từ 300 đến 400 triệu đồng. Năm nay, với diện tích mía trên đồi khá lớn, bà hy vọng có một năm bội thu.

Ông Đinh Tấn Bửu (thôn 3) cũng là hộ đang tập trung đầu tư cây mía trên đồi. Năm ngoái là năm đầu tiên ông phát triển diện tích mía trên đồi với 6ha, hiện nay mở rộng đến 17ha. Theo kinh nghiệm của ông Bửu, mía trồng trên đồi tại Khánh Hòa rất phù hợp, vì lượng mưa khá dồi dào và đều. Theo ông, trồng mía trên đồi có bất lợi là mưa nhiều làm xói mòn đất, rửa trôi nhanh nên phải bón phân nhiều. Đồng thời, trồng mía trên đồi suất đầu tư cao hơn do tốn nhiều chi phí vận chuyển, thu hoạch… Do đó, những vùng đất ít đá, tơi xốp, màu mỡ mới được chọn để trồng mía. Tuy vậy, canh tác mía trên đất đồi cũng có ưu điểm như đất đồi chậm bạc màu hơn đồng bằng nhờ xây dựng các đường đồng mức giảm sức xói mòn của nước; trong khi đó, ở đồng bằng bị ngập nước, cây trồng sẽ bị nê, kém phát triển. Cây mía là cây chịu hạn, chỉ cần độ ẩm 70 - 80% là phát triển tốt. Hiện nay, giống Suphanburi 7 có sức chịu hạn cao, được bà con tin dùng. Đây cũng là giống mới cho năng suất rất cao, những diện tích được đầu tư tốt có thể đạt năng suất 70 - 100 tấn/ha.

Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích mía đồi đã lan nhanh, chiếm đến 1/2 diện tích mía toàn xã.

Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích mía đồi đã lan nhanh, chiếm đến 1/2 diện tích mía toàn xã.

Vấn đề đường giao thông cho các vùng mía trên đồi cũng được nông dân quan tâm. Hiện nay, giao thông vào vùng này đã được công ty đường chú ý. Thế nhưng theo ông Bửu, công ty đường chỉ mới phát triển một số tuyến chính đi vào vùng nguyên liệu, còn chủ yếu do người dân bỏ kinh phí ra làm đường đến khu đất của mình. Vấn đề này cần được các doanh nghiệp chế biến đường và chính quyền địa phương quan tâm để góp phần phát triển nhanh vùng mía nguyên liệu. Về giống mía, hiện nay, bà con trồng mía đang phát triển nhanh các giống mía mới. Cụ thể như: Suphanburi 7 cho năng suất, sản lượng cao hơn các giống mía cũ. Nhà máy Đường Ninh Hòa cũng đã có chính sách hỗ trợ người trồng mía, cho vay đầu tư sản xuất, với mức 30 triệu đồng/ha…

. Mở ra triển vọng mới

Theo ông Phan Đình Văn - cán bộ UBND xã, Ninh Sơn là xã đất chật, người đông, diện tích đất lúa ít. Từ khi hồ Đá Bàn được xây dựng, nguồn nước mặt hồ đã cải tạo được khí hậu khắc nghiệt của vùng đất này. Khí hậu được cải thiện, vùng đất này đã màu mỡ nên cây mía phát triển mạnh. Do đất bằng không đủ để sản xuất nên người dân phát triển lên cả đồi với tốc độ nhanh. Sự hỗ trợ của cơ giới hóa đã giúp đẩy nhanh tốc độ cải tạo đất vùng đồi núi, nhanh chóng đưa cây mía phủ xanh chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện nay, diện tích mía đồi đã chiếm hơn 50% tổng diện tích mía toàn xã. Khu vực Hòn Bộp, Suối Cát, Suối Tre, Suối Cạn…, diện tích mía trên đồi phát triển rất nhanh.

Đây là tín hiệu vui cho người trồng mía ở Ninh Sơn - một địa phương có nhiều diện tích đất đồi dưới 150 dốc. Trồng mía trên đồi mở ra triển vọng mới, giải quyết tình trạng thiếu đất canh tác các loại cây trồng chủ lực của vùng đất này; giúp cải tạo các khu vực hoang hóa, trước đây chỉ trồng cây có giá trị kinh tế thấp như: keo, bạch đàn… Vì vậy, chính quyền địa phương cần có chủ trương phát triển cây mía lên đồi, phối hợp với doanh nghiệp mía đường xây dựng các tuyến giao thông vào vùng nguyên liệu, khuyến khích dùng nước tưới mía, mở rộng quy hoạch mía trên đồi… Có như vậy, cây mía mới trở thành cây trồng chủ lực, đem lại no ấm cho vùng đất này.

QUANG VIÊN