09:07, 27/07/2012

Vẫn chưa hết lo

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giảm ở mức 0,11%, góp phần đưa mức lạm phát 7 tháng đầu năm là 2,89%, bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ năm 2011.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giảm ở mức 0,11%, góp phần đưa mức lạm phát 7 tháng đầu năm là 2,89%, bằng khoảng 1/5 so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, CPI cả nước cũng giảm 0,29%, tổng mức lạm phát 7 tháng là 2,2%. Tuy nhiên, mức giảm này không làm thay đổi đáng kể mặt bằng giá đang treo ở mức cao, nhà sản xuất và người tiêu dùng vẫn chưa hết đau đầu.

. 7 tháng, CPI tăng chưa tới 3%

Góp phần làm cho CPI chung giảm là do một số nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục giảm. Nhóm hàng lương thực giảm 0,73% do nhu cầu xuất khẩu gạo chưa có dấu hiệu tăng và lượng lúa tồn đọng lớn trong dân từ vụ thu hoạch trước. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,04% do giá gas trong nước giảm mạnh. Nhóm giao thông giảm 2,78% do việc điều chỉnh giá xăng dầu giảm ngày 20-6 và ngày 2-7 của Bộ Tài chính với mức giảm giá xăng tổng cộng là 1.300 đồng/lít và giá dầu giảm 600 đồng/lít. Tuy nhiên, giá một số mặt thiết yếu trong các nhóm này lại tăng. Chẳng hạn, giá nước, giá điện trong tháng tăng tương ứng 0,18% và 1,28%. Còn mức tăng 400 đồng/lít hôm 20-7 của giá xăng lại chưa được tính vào CPI tháng này.

Giá thực phẩm vẫn ở mức cao (ảnh chụp tại chợ Đầm, Nha Trang).

Giá thực phẩm vẫn ở mức cao

Trong khi đó, các nhóm hàng hóa khác trong “rổ” CPI lại có xu hướng tăng. Thực phẩm tăng 0,87% do nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch tăng cao trong mùa Hè. Trong đó, mặt hàng hải sản như cá thu, tôm sú, mực tươi, cua biển… tăng mạnh từ 2 - 8%. Giá các loại trái cây như cam, quýt, dưa hấu, nhãn, táo... tăng từ 2 - 3% do trái vụ và thời tiết nắng nóng. Giá đường cũng tăng 1.000 đồng/kg so với tháng trước do mía đường hết vụ. Hiện giá đường đóng gói loại 1kg của Nhà máy Đường Khánh Hòa là 21.000 đồng/kg, đường rời từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình tiếp tục đà tăng của nhiều tháng liên tiếp với mức tăng tháng 7 là 0,29%. Ngoài ra, nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,18% do chi phí và nguyên liệu tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12% do giá thuốc cảm và một số thuốc đông dược tăng nhẹ. Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,69%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,01%...

. Khó khăn trong sản xuất và tiêu dùng

Diễn biến giảm CPI liên tiếp trong 2 tháng 6 và 7 đã dấy lên mối lo ngại về dấu hiệu kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Tổng Cục Thống kê khẳng định, chưa đủ cơ sở đánh giá là kinh tế suy thoái, giảm phát. Để kết luận là giảm phát, CPI phải tăng trưởng âm liên tiếp nhiều tháng trong một thời gian dài.


Ông Châu Văn Luận - Cục trưởng Cục Thống kê Khánh Hòa cho biết, Cục Thống kê vừa điều tra rà soát 179 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để đánh giá thực trạng và tình hình khó khăn của các doanh nghiệp. Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 31% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, 12,7% doanh nghiệp giảm quy mô về lao động, 1,8% doanh nghiệp giảm quy mô về vốn và có tới 27,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm về lợi nhuận, 5,2% số doanh nghiệp đã tạm dừng sản xuất kinh doanh, phải phá sản, giải thể. Những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bao gồm: lãi suất vay vốn quá cao, lạm phát cao và biến động thất thường, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, chi phí vận tải tăng cao, điện cung cấp không ổn định, nhu cầu thị trường trong nước giảm, khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào…

Đứng trước khó khăn do giá cả hàng hóa tăng cao, các doanh nghiệp phải tính toán phương án giảm chi phí, giá thành để ổn định sản xuất. Ông Nguyễn Hồng Kiên - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Violet (Nha Trang) cho biết: “So với năm ngoái, năm nay, các chi phí nguyên vật liệu, xăng dầu, mặt bằng, nhân sự… tăng cao. Tuy doanh số bán hàng ở nhà hàng, khách sạn của Công ty vẫn tăng trưởng khoảng 30% nhưng kênh bán lẻ đã sụt giảm 15%. Vì vậy, một trong những chính sách kinh doanh phải thay đổi là Công ty phải giảm bớt số lượng phân phối đại lý xuống dưới 40 đại lý so với trước để tăng số lượng cửa hàng trực thuộc Công ty từ 6 cửa hàng năm 2011 lên khoảng 20 cửa hàng như hiện nay. Các cửa hàng này sẽ bán giá sản xuất của Công ty đến người tiêu dùng trực tiếp không qua khâu trung gian”.

Giá cả tăng cao khiến việc kinh doanh của các tiểu thương gặp khó khăn không nhỏ. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Đầm (Nha Trang) phân trần: “Hiện nay, tuy giá thịt heo đã giảm xuống còn 55.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại, thấp hơn từ 10-20% so với vài tháng trước song sức mua của người dân vẫn rất chậm. Hiện lượng thịt heo tôi bán được chỉ bằng khoảng 60% so với trước”. Bà Trần Thị Thu (Vĩnh Hải, Nha Trang) cho rằng: “Tôi có nghe thông tin trên báo, đài rằng chỉ số giá tiêu dùng đã giảm. Tuy nhiên có đi chợ mới biết, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm vẫn giữ giá cao, có giảm cũng không đáng kể. Vì thế, chỉ có một cách là người tiêu dùng phải chi tiêu thật tiết kiệm. Hy vọng, Nhà nước sẽ có những chính sách kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường để ổn định giá cả, ngăn chặn việc giá hàng hóa lợi dụng “té nước theo mưa””.

V.T