03:06, 26/06/2012

Sản xuất đại trà giống cá hồng bạc: Gặp khó khăn

Sau khi thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775)”, nhóm tác giả do Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh (Khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm....

Sau khi thực hiện thành công đề tài khoa học cấp tỉnh về “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá hồng bạc Lutjanus argentimaculatus (Forsskal, 1775)”, nhóm tác giả do Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh (Khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đang hoàn thành quy trình sản xuất giống và tiến hành chuyển giao công nghệ cho người dân. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh học đặc thù, hiện nay, việc chuyển giao công nghệ và sản xuất đại trà giống cá hồng bạc còn gặp một số khó khăn nhất định.

Là công trình nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về sản xuất giống nhân tạo loài cá hồng bạc, đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả nhận được sự đánh giá cao từ nhiều chuyên gia ngành Thủy sản. Đề tài nghiên cứu này đã góp phần làm phong phú thêm đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao tại các vùng biển Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Hoàn thành pha 1 của đề tài, nhóm tác giả đã sản xuất được hơn 30.000 con cá hồng bạc giống với kích cỡ từ 3 đến 5cm/con. Đồng thời, nhóm tác giả cũng đưa ra được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cho loại cá biển này.


1
 Thành viên trong nhóm đề tài đang vớt trứng cá hồng bạc ở các lồng nuôi trên biển chuyển vào ương ở trại giống.

 

Cá hồng bạc phân bố tương đối rộng rãi nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ. Giống như một số loài cá khác (cá mú, cá chẽm mõm nhọn), cá hồng bạc cũng là loài cá rạn, sống chủ yếu ở những vùng biển có đáy rạn đá san hô, vùng nhiều rong biển. Đàn cá bố mẹ được nhóm tác giả tuyển chọn từ việc đánh bắt tự nhiên và nuôi thuần dưỡng, nuôi vỗ thành thục tại vùng biển Vũng Ngán với tỷ lệ sống khá cao (khoảng 76,3%). Khi đã thành thục, cá bố mẹ được kích thích cho đẻ trứng bằng cách tiêm hormone HCG và LHRHa. Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh cho biết: “Qua nghiên cứu về cá hồng bạc, chúng tôi thấy tỷ lệ sống trung bình của cá bột 1, 2 ngày tuổi rất cao, từ 89 đến 100%. Tuy nhiên, đến ngày tuổi thứ 3, tỷ lệ sống thấp dần. Đây là giai đoạn cá bột hết nguồn năng lượng nội sinh, nguồn năng lượng cung cấp cho mọi hoạt động sống của cá bột hoàn toàn từ thức ăn bên ngoài. Giai đoạn này cá bột còn yếu, khả năng bắt mồi hạn chế nên tỷ lệ sống đạt thấp nhất. Xác định đây là khó khăn về đặc thù sinh học của loại cá hồng bạc, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu nguồn thức ăn phù hợp với độ mở của miệng cá bột để tăng tỷ lệ cá sống ở giai đoạn này”.


2
 Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh (bên trái) kiểm tra kích thước cá hồng bạc bố mẹ.

 

Không giống như các loài cá biển khác có thể ăn luân trùng sau khi nở thành cá bột, cá hồng bạc phải ăn ấu trùng hàu trước khi chuyển sang giai đoạn ăn luân trùng. Tuy nhiên, thời gian cho ăn cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để giúp cá bột có thể tiếp cận nguồn thức ăn đúng lúc cá có độ mở miệng. Đây được xác định sẽ là một khó khăn khi tiến hành chuyển giao công nghệ và sản xuất đại trà cá hồng bạc. Để khắc phục được khó khăn này, trong luận án tiến sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh cũng tiếp tục nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản của cá hồng bạc và ảnh hưởng của nguồn thức ăn đến tỷ lệ sống của cá bột. Ông đã đưa ra hướng giải quyết khó khăn là cần phải nuôi luân trùng siêu nhỏ dòng (ss) và thử nghiệm cho cá bột ăn khi hết noãn hoàng để nâng cao tỷ lệ sống.

Tuy có giá trị kinh tế cao (giá bán trên thị trường khoảng 150 ngàn đồng/kg) nhưng do những khó khăn về đặc điểm sinh học, việc chuyển giao công nghệ cho người dân sản xuất đại trà cá hồng bạc gặp nhiều khó khăn. Thạc sĩ Nguyễn Địch Thanh cho biết: “Với yêu cầu về nguồn thức ăn và cách cho ăn khá phức tạp ở giai đoạn cá bột sẽ không có nhiều hộ nuôi sản xuất thành công giống cá hồng bạc. Chỉ có những cơ sở nuôi đầu tư bài bản về nhân lực và điều kiện vật chất mới có thể triển khai thành công”.

MAI HOÀNG