03:06, 27/06/2012

Rục rịch giảm giá cước vận tải

 

Vừa qua đã có 4 đợt giảm giá liên tục đẩy giá xăng giảm 2.600 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.800 đồng/lít. Cùng với sự thúc giục của cơ quan chức năng, nhiều hãng taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã bắt đầu giảm giá cước. Dự kiến sẽ có một đợt giảm giá cước vận tải đáng kể trong thời gian tới.

 

 

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tập hợp báo cáo của các sở tài chính địa phương về tình hình đăng ký lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tập hợp báo cáo của các sở tài chính địa phương về tình hình đăng ký lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

 

Vừa qua đã có 4 đợt giảm giá liên tục đẩy giá xăng giảm 2.600 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.800 đồng/lít. Cùng với sự thúc giục của cơ quan chức năng, nhiều hãng taxi và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã bắt đầu giảm giá cước. Dự kiến sẽ có một đợt giảm giá cước vận tải đáng kể trong thời gian tới.

Giá xăng thành phẩm từ mức bình quân trên 135 USD/thùng của tháng 3 đã giảm xuống mức khoảng 106 USD/thùng từ ngày 21-5 – 21-6, tương ứng mức giảm hơn 21%. Với xu thế giảm giá này, giá xăng RON 92 trong nước cũng được giảm từ mức kỷ lục 23.800 đồng/lít xuống 21.200 đồng/lít, tương ứng mức giảm 11% và tăng mức thuế tăng theo từng đợt giảm giá từ 0% lên 10%.

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, ngay sau có thông báo về đợt giảm giá xăng dầu lần này, Hiệp hội đã khuyến cáo với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi giảm giá cước ngay ở mức 500-800 đồng/km.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội phân tích mức giảm giá xăng 4 đợt vừa qua giúp giá xăng giảm 2.600 đồng/lít nhưng chưa đủ bù đắp cho 2 đợt tăng đầu năm, tương ứng mức tăng 3.000 đồng/lít. Trước đó, sau 2 đợt tăng giá xăng đầu năm, một số hãng taxi đã tăng giá cước từ 500-1.000 đồng/lít.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô cho biết, từ giữa tháng 6, một số hãng taxi đã bắt đầu giảm giá cước. Từ ngày 15-6, Mai Linh điều chỉnh giảm giá cước taxi từ 200 - 1.000 đồng/km tại 53 tỉnh, thành mà hãng hoạt động. Ngày 8-6, Hãng taxi Vinasun cũng đã giảm giá cước 500 đồng/km. Ông Hùng cho biết nhiều hãng taxi khác cũng đang tiến hành giảm giá cước và dự kiến sẽ có đợt giảm giá cước taxi rộng rãi trong tháng 6 này.

Đồng tình với xu thế cần giảm giá cước trong thời gian tới, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, giá xăng giảm thì cước taxi phải giảm theo vì chi phí xăng chiếm hơn 30% chi phí vận tải taxi. Về vận tải hàng hóa, diezen là nhiên liệu chủ yếu đối với dịch vụ này.

Do đó, theo ông Hùng, sau đợt giảm giá xăng dầu này, các đơn vị đã tăng giá vận tải hàng hóa trước đó đều đang tiến hành giảm giá. “Việc giảm giá cước vận tải hàng hóa là cần thiết và hợp lý khi giá xăng dầu giảm. Mặt  khác, việc giảm giá cước dịch vụ này cũng đơn giản hơn giá cước taxi nên các doanh nghiệp sẽ thực hiện nhanh chóng hơn. Cạnh tranh cũng là một động lực khiến các doanh nghiệp phải thực hiện giảm giá để thu hút khách hàng”, ông Hùng nói.

Trong khi đó, ngành vận tải hành khách lại ít được kỳ vọng giảm giá cước trong đợt này. Bởi lẽ, trong 2 đợt tăng giá trước đó, dầu diezen tăng giá 1.500 đồng/lít, nhưng nhiều hãng xe vẫn không tăng giá cước. Với 4 đợt giảm này, dầu diezen bớt được 1.800 đồng/lít, tương ứng mức giảm 300 đồng/lít tính theo cả 6 đợt tăng giảm vừa qua. Tuy nhiên, con số này tương đương mức giảm 1,5% so với giá dầu diezen trước đó, vì vậy, chỉ tương ứng mức giảm 0,8% trong chi phí vận tải hành khách.

“Đây là một mức giảm chi phí không đáng kể nên các doanh nghiệp vận tải hành khách đều có xu hướng chưa giảm giá cước”, ông Hùng phân tích. Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp bình ổn giá trên địa bàn.

Cụ thể, hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn địa phương rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm. Đối với giá gas, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ việc đăng ký lại giá gas đảm bảo mức giá gas bán lẻ phản ánh đúng tác động của giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu sở tài chính các địa phương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hoá, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường, có tính đến yếu tố giảm giá xăng dầu và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước về giảm, gia hạn, miễn có thời hạn các loại thuế và tiền sử dụng đất.

Bộ cũng chỉ thị sở tài chính các địa phương thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đang tập hợp báo cáo của các sở tài chính địa phương về tình hình đăng ký lại giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Theo VnEconomy