06:06, 05/06/2012

Nhìn lại kinh tế năm tháng qua

 

Gần một nửa thời gian của năm 2012 đã qua đi, tình hình kinh tế nước ta vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp càng khó khăn hơn

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gần một nửa thời gian của năm 2012 đã qua đi, tình hình kinh tế nước ta vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) càng khó khăn hơn do hàng hóa tồn kho, tiêu dùng dân cư giảm, thị trường xuất khẩu khó khăn và vốn cho sản xuất không tiếp cận được... Mặc dù vậy, đây cũng chính là cơ hội để tập trung chỉ đạo, loại bỏ những DN sản xuất kinh doanh yếu kém, làm ăn bất chính, tạo điều kiện cho các DN sản xuất làm ăn hiệu quả phát triển, đồng thời tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế.

Ðối mặt với thách thức suy giảm kinh tế

Năm tháng qua, kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn là kinh tế đang suy giảm. Những đòn bẩy, động lực cho nền kinh tế thoát nhanh ra khỏi vòng xoáy này vẫn chưa đủ sức: gói hỗ trợ DN chưa đi vào cuộc sống và chưa giải quyết đúng khoảng trống khó khăn mà DN đang lúng túng. Chúng ta thấy rằng, năm tháng qua tổng phương tiện thanh toán M2 đã tăng lên 4,47%; trong lúc đó tổng dư nợ tín dụng vẫn là âm 0,89%. Việc dư nợ tín dụng tiếp tục âm từ quý I, tháng 4 và tháng 5 cho thấy các ngân hàng ứ đọng vốn, còn các DN thì không có vốn để hoạt động và dòng vốn bị tắc hoàn toàn tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, các chủ "nhà băng" tìm con đường thoát hiện nay là tung tiền mua trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Tác dụng ngược lại là các DN sản xuất, kinh doanh khó tiếp cận được vốn vay và DN tư nhân không có điều kiện để đầu tư phát triển. Nguồn vốn mà Nhà nước cần khai thác để phát triển đang bị chính các chính sách đó chặn lại. Ðây là bài toán cần tính toán rất kỹ và là cảnh báo đáng quan tâm. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa tồn kho tuy có giảm chút ít so tháng 4, song tháng 5 vẫn còn rất lớn, chiếm 29,4%. Với lượng tồn kho đó, nhiều DN không mặn mà vay vốn để sản xuất, kinh doanh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 5 tăng yếu so với tháng 4 ở mức 0,18%, chủ yếu là do tác động tăng giá xăng, dầu cuối tháng 3, đưa CPI năm tháng tăng lên 2,78% so với tháng 12-2011. CPI tăng thấp và gần như không tăng đã nói lên sự khó khăn nghiêm trọng của nền kinh tế: sản xuất công nghiệp đạt thấp, chỉ bằng 50% so cùng kỳ; tồn kho vẫn ở mức cao và kéo dài, tiêu dùng trong nước giảm (tháng 5 không tăng so tháng 4), vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách nhà nước bằng 32,6% trong năm tháng qua, thấp hơn so thực hiện năm tháng 2011 và nếu loại trừ yếu tố giá thì thực hiện xây dựng cơ bản năm tháng là âm. Vốn FDI thực hiện trong năm tháng qua gần bằng năm tháng 2011 và tăng 2% so với cùng kỳ 2010. Tuy nhiên, vốn đăng ký FDI giảm mạnh, bằng 68,2% so cùng kỳ 2011 và chỉ bằng 59% so cùng kỳ 2010. Trong lúc đó, dòng vốn FDI lại đi vào các nước In-đô-nê-xi-a, Thái-lan, Ma-lai-xi-a và đặc biệt là Mi-an-ma, nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn và cơ sở hạ tầng khá. Ðiều này làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

Trong thời gian tới, đặc biệt là quý III, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu tuy đã phục hồi yếu nhưng cuộc khủng hoảng của khu vực đồng Euro là rủi ro suy giảm lớn nhất đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Các số liệu thống kê cho thấy GDP của khối Eurozone đã giảm liên tiếp hai quý. Tình trạng ảm đạm này xuất hiện ở hầu hết các nền kinh tế trong khối. Các nền kinh tế Hy Lạp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bồ Ðào Nha đang bên bờ vực của cuộc khủng hoảng mới, từ khủng hoảng kinh tế đã đẩy lên thành khủng hoảng chính trị. Ðiều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam , trực tiếp là nguồn vốn FDI và thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Cần những giải pháp cụ thể và trực diện

Với những khó khăn của kinh tế trong nước và kinh tế toàn cầu, chúng ta cần có những giải pháp rất cụ thể và trực diện vào những khó khăn để tháo gỡ. Nếu nhìn vào những chỉ tiêu như CPI giảm mạnh, nhập siêu giảm, sản xuất công nghiệp tháng 5 đang đi lên, lãi suất ngân hàng đang xu thế giảm... thì những giải pháp đưa ra là khác. Vì vậy, ở đây phải nhìn thẳng vào nền kinh tế đang suy giảm và đang rất khó khăn như đã nêu trên để có giải pháp điều hành thực tế hơn, hy vọng sẽ chặn đứng được đà suy giảm của nền kinh tế trong quý III và đi lên trong quý IV-2012, tạo đà cho năm 2013.

Song song với việc duy trì chính sách tiền tệ như đã ban hành, đôn đốc kiểm tra từng ngân hàng thương mại thực hiện tốt các chính sách nói trên, thì cần tập trung chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa trong chính sách tài khóa. Ðó là thực hiện có hiệu quả gói hỗ trợ DN 29.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã ban hành. Ðặc biệt, là tạo điều kiện giải ngân với tốc độ cao hơn vốn xây dựng cơ bản  của cả ngân sách nhà nước và tín dụng. Muốn thực hiện tốt việc này phải giảm đến mức thấp nhất các thủ tục xây dựng cơ bản phiền hà, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng... Cần thực hành quyết liệt chính sách tiết kiệm trong chi tiêu của Chính phủ.

Sớm giải quyết khối lượng nợ, nợ xấu ở các DN, tổ chức tín dụng: Ðây là vấn đề cốt lõi và cũng là khó nhất hiện nay, giúp các DN đứng dậy và tiếp tục phát triển. Tiến hành sớm phân loại nợ, có giải pháp xử lý nợ cho từng đối tượng, từng loại nợ. Có thể khoanh nợ, giảm nợ cho các DN, mua lại nợ, cơ cấu lại nợ cho các DN cổ phần tư nhân... Ðồng thời, sớm hình thành thị trường mua bán nợ ở Việt Nam , hướng cho thị trường đi vào nền nếp với một quỹ đạo hoạt động rõ ràng.

Tạo dựng lòng tin kinh doanh cho các tổ chức tín dụng và DN là giải pháp quan trọng hiện nay. Do lòng tin giảm mạnh thời gian qua, nên các tổ chức tín dụng đã đưa ra các điều kiện cho vay mà các DN không thể đáp ứng được. Nên chăng, quay về thẩm định lãi từng dự án, từng vụ việc nếu xét có hiệu quả thì đôi bên hợp đồng vay trả. Ðây là phương án nhiều ngân hàng quốc tế vẫn làm. Muốn bảo đảm được lòng tin, nên củng cố, tăng cường quyền lực cho các cơ quan giám sát tài chính, bảo hiểm tiền gửi, tòa án kinh tế, cơ quan cạnh tranh...

Tình hình kinh tế suy giảm, tất yếu phải điều hành theo tình thế, nghĩa là phải xử lý nhanh, kịp thời, tập trung đồng bộ, các cơ quan quản lý cần ban hành nhanh các văn bản cần thiết, tránh tình trạng phải qua quá nhiều cấp hành chính, qua nhiều khâu... sẽ làm lỡ cơ hội cũng như gây khó khăn hơn cho DN và nền kinh tế.

Cuối cùng là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta đang nói quá nhiều song kết quả chưa được là bao, thậm chí nhận thức, tư duy về vấn đề này còn quá xa nhau. Tình hình kinh tế hiện nay đòi hỏi phải gấp rút tái cơ cấu nền kinh tế, không chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn hiện nay, mà còn là yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế nước nhà. Thời điểm này vừa là điều kiện, vừa là cơ hội tốt để tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo Nhân Dân