07:06, 19/06/2012

Nghề khai thác cá ngừ đại dương: Còn bấp bênh

Hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tuy nhiên, do đội tàu khai thác công suất nhỏ, kỹ thuật đánh bắt lạc hậu, quá trình bảo quản nguyên liệu còn hạn chế nên năng suất, chất lượng đạt thấp.

Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty TNHH Xuất khẩu Đại Dương.
Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty TNHH Xuất khẩu Đại Dương.

Hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Tuy nhiên, do đội tàu khai thác công suất nhỏ, kỹ thuật đánh bắt lạc hậu, quá trình bảo quản nguyên liệu còn hạn chế nên năng suất, chất lượng đạt thấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất trên biển còn đơn lẻ, hệ thống cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu đánh bắt nên nghề câu CNĐD đang gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động chưa ổn định

Khánh Hòa hiện có 898 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có gần 253 tàu làm nghề câu CNĐD; sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 1.500 - 2.000 tấn, thấp hơn nhiều so với 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định. Những năm gần đây, do ngư trường khai thác không ổn định, chi phí đi biển quá cao (đặc biệt là giá xăng dầu), nghề câu CNĐD liên tiếp gặp khó khăn. Thông thường, ngư trường khai thác cá ngừ cách bờ khoảng 200 - 300 hải lý, ngư dân phải bám biển từ 20 ngày đến 1 tháng. Vì thế, mỗi chuyến vươn khơi cần khoảng 4.500 - 5.000 lít dầu (loại tàu công suất từ 90CV trở lên), cộng với tiền mua sắm dụng cụ khai thác như thẻo câu, lưới, lương thực, thực phẩm, chi phí một chuyến đi biển không dưới 200 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu vụ năm trước. Anh Võ Văn Đẹp, một chủ tàu câu CNĐD ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (Nha Trang) cho biết: Thông thường, một chuyến đi biển đánh bắt xa bờ đối với tàu của anh (320CV) phải tốn từ 170 - 200 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian của từng chuyến biển. Nếu sản lượng đánh bắt đạt khoảng 2 - 3 tấn, mỗi tấn bán được từ 150 - 160 triệu đồng, may ra chủ tàu và bạn ghe mới có lãi. Còn nếu xui, mỗi chuyến, anh Đẹp chỉ kiếm được chừng hơn 200 triệu đồng, trừ tiền nhiên liệu, ăn uống, thuê bạn tàu, thu nhập của chủ tàu như anh và các ngư dân rất bấp bênh.

CNĐD là loài cá di cư rộng, trữ lượng đi qua vùng biển nước ta (không kể cá ngừ bố mẹ sinh sản) khoảng 45.000 tấn, tập trung chủ yếu ở ngoài khơi miền Trung. Mùa vụ khai thác chính kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, những tháng còn lại, ngư dân vẫn có thể khai thác nhưng năng suất không cao. Trên thực tế, nguồn lợi CNĐD ở Việt Nam chưa được điều tra, nghiên cứu và khảo sát đầy đủ các thông tin về tập tính di cư, kết đàn… để đảm bảo khai thác đồng bộ và bền vững; năng suất khai thác có dấu hiệu giảm sút. Tàu thuyền, trang bị khai thác quy mô nhỏ, ngư cụ và phương pháp đánh bắt còn đơn điệu, thủ công, tính chuyên nghiệp thấp. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất trên biển còn đơn lẻ, hệ thống cơ sở thu mua, dịch vụ hậu cần chưa đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu đánh bắt, dịch vụ thương mại theo hướng hiện đại. Ngoài ra, việc bảo quản cá chưa được ngư dân chú trọng. Do hầu hết tàu thuyền của ngư dân là vỏ gỗ, công suất nhỏ, lại được hoán cải từ các tàu thuyền khác sang để câu CNĐD nên khoang cấp đông, bảo quản cá không đảm bảo. Chính việc bảo quản cá không đúng kỹ thuật đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của CNĐD trên thị trường và đời sống ngư dân.

Ông Lê Văn Hy, chủ tàu câu CNĐD ở xã Phước Đồng cho biết: Đặc tính của CNĐD là di chuyển theo mùa; nhưng tàu thuyền của ngư dân đều không được trang bị máy dò, định vị hướng đàn cá di chuyển nên đành săn tìm bằng kinh nghiệm bản thân. Vào chính vụ, nếu được mùa, mỗi tàu có thể thu từ 50 đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do không dự báo chính xác được hướng đàn cá di chuyển nên nhiều tàu thuyền thua lỗ nặng. Ngoài ra, việc mua bán CNĐD hiện không theo bất kỳ quy chuẩn nào - tất cả đều trông chờ vào các doanh nghiệp và đầu nậu. Nếu cá ít, người mua có thể nâng giá lên, còn khi cá nhiều, tư thương ép giá, cá loại 1 bị đẩy xuống loại 2, ngư dân cũng phải chịu.

Cần giải pháp bền vững hơn

Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có trên 500 tàu cá công suất 90CV trở lên đăng ký vào các tổ, nhóm đoàn kết tổ chức sản xuất trên biển. Các địa phương đã thành lập được 104 tổ, mỗi tổ từ 3 tàu cá trở lên, chuyên đánh bắt xa bờ thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Tổ đội sản xuất được thành lập trên cơ sở nhóm nghề cùng ngư trường, nhóm cùng nghề có quan hệ ruột thịt hoặc cùng địa bàn dân cư. Trong quá trình hoạt động, họ hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, nhân lực, cứu nạn khi gặp rủi ro, cung cấp cho nhau thông tin về ngư trường, nguồn lợi. Nhờ thế, họ phát huy được sức mạnh tập thể trên biển, hạn chế nhiều rủi ro, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Ngoài ra, lợi ích kinh tế cũng tăng lên nhờ có sự trao đổi về hậu cần, vận chuyển sản phẩm vào bờ và ngược lại, làm cho thời gian bám biển tăng, giảm chi phí dầu, nước đá. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, các mô hình chỉ mang tính chất hỗ trợ, giải quyết được vấn đề đầu vào, chưa tính đến đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa bền vững.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần điều tra, đánh giá đúng tiềm năng, hiệu quả kinh tế của người tham gia sản xuất, kinh doanh CNĐD để có giải pháp sắp xếp, quản lý, đầu tư phù hợp. Ngoài việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nghề này, cần liên kết các chủ tàu thành các tổ hợp, hợp tác xã để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, dò tìm luồng cá, đặc biệt là giảm chi phí di chuyển ngư trường và ra vào bờ bán cá, tiếp nhiên liệu… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ngư dân trong khâu kỹ thuật, bảo quản nguyên liệu, tìm hiểu ngư trường, quản lý các cơ sở thu mua, chống tình trạng tư thương ép giá. Có như vậy, nghề câu CNĐD mới phát triển bền vững.

ANH TUẤN