Được xếp vào loại hình di tích lịch sử lưu niệm sự kiện theo Luật Di sản văn hóa, đình Lương Sơn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của tỉnh...
Được xếp vào loại hình di tích lịch sử lưu niệm sự kiện theo Luật Di sản văn hóa, đình Lương Sơn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương và cũng là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của tỉnh. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đó, năm 2011, đình Lương Sơn đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nhân chứng lịch sử
Đình Lương Sơn được xây dựng năm nào, đến nay không ai nhớ rõ. Tuy nhiên, căn cứ vào bản sắc phong dưới triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) cho Thành hoàng làng và Thiên Y A Na vẫn được giữ nguyên vẹn tại đình, nhiều người cho rằng, đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình Lương Sơn đã trở thành nhân chứng lịch sử của nhiều sự kiện diễn ra trên đất Vĩnh Lương. Ông Nguyễn Xuân Đức (78 tuổi, ở thôn Lương Sơn 3, xã Vĩnh Lương) kể lại: “Năm 1949, đơn vị do ông Hà Vi Tùng chỉ huy từ Hòn Hèo hành quân qua đây đã trú tại đình Lương Sơn và được dân làng tiếp tế lương thực. Sau đó, đơn vị của ông Hà Vi Tùng chuyển quân đi chiến khu Đồng Bò và tham gia các trận đánh sân bay Nha Trang, phối hợp với bộ đội 252 đánh khu vực nội thành Nha Trang, trận Cầu Ngói từ Xuân Lạc, Đắc Lộc đến miếu Bá Quan (xã Vĩnh Phương). Tôi và một số người trong làng cũng tham gia các trận đánh đó”. Cũng trong thời kỳ chống thực dân Pháp, ông Hồ Ngọc Nhường (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh những năm 1978 - 1983), một người con của thôn Lương Sơn, đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp cách mạng tại đình làng cùng với thanh niên, phụ nữ, nông dân để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng kháng chiến. Đình làng đã trở thành nơi tập trung quân cách mạng, rèn vũ khí thô sơ và là nơi ẩn náu của nhiều đoàn cán bộ cách mạng.
Mặt trước đình Lương Sơn. |
Do bom đạn của địch bắn phá, đình Lương Sơn đã nhiều lần bị hư hại, đổ nát và được dân làng xây dựng, tu bổ lại. Tuy nhiên, đến nay, đình vẫn giữ nguyên vẹn 2 bản sắc phong dưới triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924) ban tặng cho Bản cảnh Thành hoàng với mỹ hiệu là “Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng tôn thần” và ban tặng cho Thiên Y A Na mỹ hiệu “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần”.
Nơi sinh hoạt tâm linh
Đình Lương Sơn có hướng quay về phía Đông Bắc, được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 5.100m2, lấy ngòi lớn làm tiền thủy và núi Hố Tiền làm hậu sơn theo thuyết phong thủy. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục tổng thể gồm: Nghi môn, án phong, trụ cờ, bái đường - chính điện, nhà tiền hiền, nhà thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ, miếu Thiên Y. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng Lương Sơn lại mở lễ hội cúng đình kéo dài 2 ngày. Ông Nguyễn Văn Nhì - Trưởng Ban quản lý đình cho biết: “Vào ngày 8 và 9-3 âm lịch, chúng tôi cúng đình, cúng Bà theo nghi lễ truyền thống. Và cứ 2 năm, chúng tôi lại tổ chức hát bội một lần, hát trong 3 ngày. Không chỉ người dân trong làng mà nhiều bà con ở các nơi khác trong tỉnh cũng về dự hội”. Lễ cúng đình Lương Sơn có đầy đủ nghi lễ của một lễ hội truyền thống như: văn tế, múa dâng Bà, múa lân, múa rồng, hát Bộ, lễ túc yết, đại bội, tôn vương… Trong hồ sơ khoa học được Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh Khánh Hòa nghiên cứu và đánh giá, lễ hội tại đình Lương Sơn là một lễ hội điển hình ở tỉnh Khánh Hòa. Những giá trị cổ truyền như: cố kết cộng đồng, cân bằng đời sống tâm linh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được lưu giữ và thể hiện đầy đủ trong mỗi kỳ lễ hội.
Ngoài nghi thức truyền thống được lưu giữ trong lễ hội, hiện nay, đình Lương Sơn còn giữ được nhiều hiện vật như: 2 bản sắc phong của triều Nguyễn, chuông, trống, trống lệnh, chiêng, mõ, bát bửu, lọng, tàng, cờ hội… Căn cứ vào những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, điêu khắc nghệ thuật, năm 2011, UBND tỉnh đã xếp hạng đình Lương Sơn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này.
MAI HOÀNG