06:05, 02/05/2012

Vì sao giá thuốc vẫn “vượt rào”?

 

Chỉ trong tháng 4-2012,giá nhiều mặt hàng thuốc đã có mức tăng cao tới hơn 40% so với tháng trước theo khảo sát của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược tại Hà Nội và TP. HCM.

 

Từ ngày 1-6-2012, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc có hiệu lực đang được trông chờ như một liều thuốc hữu hiệu để điều trị căn bệnh tăng giá thuốc trên thị trường Việt Nam.
Từ ngày 1-6-2012, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc có hiệu lực đang được trông chờ như một liều thuốc hữu hiệu để điều trị căn bệnh tăng giá thuốc trên thị trường Việt Nam.

 

Chỉ trong tháng 4-2012,giá nhiều mặt hàng thuốc đã có mức tăng cao tới hơn 40% so với tháng trước theo khảo sát của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược tại Hà Nội và TP. HCM.

Nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao được cho là bởi giá nhập khẩu, giá nguyên liệu đầu vào  tăng cao. Trong khi đó, Cục Quản lý dược cho rằng, những quy định hiện hành vẫn còn không ít những kẽ hở tiếp tay cho các doanh nghiệp lợi dụng để tăng giá.

Kết quả khảo sát 12.695 lượt mặt hàng thuốc nội trong tháng 4 vừa được Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược công bố cho thấy, có 65 lượt mặt hàng tăng giá (chiếm 0,51%) với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 16% và 28 lượt mặt hàng giảm giá (chiếm 0,22%) với tỷ lệ giảm trung bình khoảng 7,64%.

Với mặt hàng thuốc ngoại, có 43 lượt mặt hàng tăng giá (chiếm 0,33%) với tỷ lệ tăng trung bình khoảng 6,64% và có 33 lượt mặt hàng giảm giá (chiếm 0,28%) với tỷ lệ giảm trung bình khoảng 5,85%..

Lý giải cho nguyên nhân điều chỉnh tăng giá thuốc, các nhà sản xuất, nhập khẩu đều cho rằng, do chi phí giá đầu vào tăng cao. Song từ kết quả khảo sát trong tháng 4 của Hiệp hội cho thấy, 40 lượt mặt hàng nguyên liệu chỉ có 1 mặt hàng tăng giá chiếm tỷ lệ 2,5% với mức tăng trung bình là 5,5%, có 1 mặt hàng giảm giá, chiếm tỷ lệ 2,5% với tỷ lệ giảm trung bình 9%.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, nhập khẩu nhóm mặt hàng dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm trong những tháng đầu năm của Việt Nam liên tục giảm. Lũy kế tới hết quý 1/2012, lượng nguyên phụ liệu đã được nhập về Việt Nam là 36,9 triệu USD và cũng đã giảm tới 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược dự báo, thời gian tới giá một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có thể tăng do các yếu tố đầu vào như điện, nguyên phụ liệu, xăng dầu, chi phí vận tải, lương tăng. Giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tăng nhẹ do giá nhập khẩu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh tăng.

Từ số liệu của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho thấy, giá thuốc tăng liên tục trong năm qua và những tháng đầu năm 2012 đã đưa tốc độ tăng trưởng thị trường dược phẩm lên trung bình 25%. Dự báo, con số này sẽ đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD cuối năm 2012. Đồng nghĩa với việc chi tiêu cho tiền thuốc của người dân đang ngày càng tăng.

Ước tính của Bộ Y tế, tiền thuốc bình quân đầu người ở Việt Nam trên 20 USD/người/năm. Đã có không ít các quy định được đưa ra trong những năm qua nhằm kiểm soát giá thuốc.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý dược, vẫn có không ít kẽ hở trong các quy định hiện hành đã tiếp tay cho doanh nghiệp lợi dụng tăng giá. Đơn cử, khi nhập khẩu thuốc, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp chỉ khai báo giá CIF (giá nhập khẩu đến cảng) với cơ quan hải quan. Nhưng thực tế giá CIF khai báo nhiều khi không được kiểm chứng, sau đó doanh nghiệp đưa ra thị trường bán. Trong khi cơ quan quản lý giá thuốc hiện mới chỉ thực hiện được phần hậu kiểm, khi doanh nghiệp kê khai, niêm yết giá và đấu thầu.

Từ ngày 1-6-2012, Thông tư 50 về quản lý giá thuốc có hiệu lực đang được trông chờ như một liều thuốc hữu hiệu để điều trị căn bệnh tăng giá thuốc trên thị trường Việt Nam . Theo đó, ngay khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký giá CIF dự kiến.

Với thuốc trong nước, sau khi lô hàng đầu tiên lưu hành trên thị trường, nhà sản xuất phải công bố giá thành và các mức giá bán buôn, bán lẻ dự kiến. Giá thành thuốc sản xuất trong nước được xác định rõ dựa trên các chi phí như: nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công, sản xuất chung, trả lãi vay, phân bổ cho sản phẩm phụ. Giá thuốc nhập khẩu bao gồm giá trị thuốc tính theo giá bán của nước xuất, chi phí bảo hiểm, cước vận chuyển đến cảng Việt Nam , không bao gồm thuế nhập khẩu.

Việc quản giá thuốc ngay từ khâu đầu vào này liệu có giúp giảm bớt gánh nặng tiền thuốc trên vai người tiêu dùng hay không? Lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu thuốc cho rằng: Thông tư 50 vẫn có không ít khe hở mà doanh nghiệp có thể “lách” qua.

Một ví dụ là: quy định mỗi lần xem xét kê khai, kê khai lại giá thuốc phải do tổ công tác liên ngành xem xét trên cơ sở chi phí nhập khẩu, giá thành toàn bộ, chi phí lưu thông, mặt bằng giá trên thị trường nội địa. Nhưng với hàng trăm chi phí đầu vào thì liệu tổ công tác liên ngành có đủ “tai, mắt” để đối chiếu một cách rõ ràng, chính xác nhất không?

Theo VnEconomy