03:05, 15/05/2012

Hiệu quả chưa đạt như mong đợi

Tuy được đánh giá là đã đáp ứng được nhiệm vụ ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, chống suy giảm kinh tế, nhưng nếu được các cấp, .....

Tuy được đánh giá là đã đáp ứng được nhiệm vụ ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, chống suy giảm kinh tế, nhưng nếu được các cấp, ngành quan tâm triển khai quyết liệt hơn thì Đề án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2009 - 2011 của tỉnh sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau 3 năm triển khai Đề án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kinh phí thực hiện toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ đạt xấp xỉ 49% theo đề án phê duyệt (13,56 tỷ đồng/27,962 tỷ đồng). Trong đó, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao: 410ha (gần 15% kế hoạch - KH), kinh phí thực hiện 431 triệu đồng (13% KH); lúa năng suất cao: 3.162ha (gần 66% KH), kinh phí 2,475 tỷ đồng (65% KH); giống mía đường 2.645ha (hơn 60% KH), kinh phí 7,84 tỷ đồng (hơn 71% KH); giống mía tím (huyện Khánh Sơn) 25ha (17% KH), kinh phí 363 triệu đồng (hơn 30% KH); giống heo: 1.272 con (gần 30% KH), kinh phí 2,264 tỷ đồng (30% KH); giống gà: 5.418 con (hơn 19% KH), kinh phí 187 triệu đồng (hơn 18% KH). Nếu tính theo địa phương thì TP. Nha Trang đạt hơn 46%; Cam Ranh 7,2%; Vạn Ninh 48%; Ninh Hòa hơn 22%; Diên Khánh hơn 41%; Cam Lâm gần 127%; Khánh Vĩnh gần 86%; Khánh Sơn hơn 28%.

Nhờ tác động của đề án, nhiều diện tích mía ở huyện Cam Lâm được thay thế bởi các giống mía mới, hiệu quả.

Nhờ tác động của đề án, nhiều diện tích mía ở huyện Cam Lâm được thay thế bởi các giống mía mới, hiệu quả.

Cũng theo Sở NN-PTNT, đề án cơ bản đạt được 3 tác động lớn, đó là: tăng năng suất, sản lượng, từ đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống nông dân. Cụ thể, nhờ hỗ trợ giống mía, bình quân hàng năm, toàn tỉnh tăng thêm 1.300ha/6.000ha mía giống trồng mới. Nhiều giống mía mới cho năng suất vượt trội, có thể đạt 80 - 100 tấn/ha, nâng năng suất mía niên vụ 2010 - 2011 lên 52 tấn/ha. Về giống lúa, tuy tỷ lệ hỗ trợ đạt thấp (4% so với diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh) nhưng cũng làm tăng năng suất lúa toàn tỉnh từ 49,64 tạ/ha (năm 2009) lên 53,6 tạ/ha (năm 2011), từ đó tăng sản lượng từ 228 ngàn tấn (năm 2009) lên 232 ngàn tấn (năm 2011). Về giống vật nuôi: đã góp phần kích cầu tiêu thụ giống, nâng cao chất lượng con giống, phòng, chống dịch bệnh… Thứ hai, đề án góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân với các đơn vị chuyển giao tiến bộ về giống. Thứ ba, đề án là cơ sở để tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững

Nhìn chung, tuy đạt được yêu cầu đề ra nhưng mức độ sử dụng vốn còn khá khiêm tốn (chỉ có huyện Cam Lâm và Khánh Sơn đạt khá, còn lại đều đạt dưới 50%, trong đó Cam Ranh 7,2%, Ninh Hòa 22%), chưa phát huy được hiệu quả đồng vốn kích cầu. Sở dĩ việc sử dụng vốn thấp là do đề án triển khai muộn vào cuối năm 2009 nên đã lỡ thời vụ gieo trồng niên vụ 2009 - 2010; hạn hán trong năm và dịch heo tai xanh vào cuối năm 2010 kéo dài làm người dân không dám mạnh dạn đầu tư… Bên cạnh đó, sản xuất gặp nhiều khó khăn do lạm phát, giá cả, vật tư nông nghiệp tăng, người dân tham gia phải góp vốn đối ứng nên thiếu chủ động đăng ký. Hơn nữa, chính sách chỉ quan tâm tới người sử dụng giống mới đưa vào sản xuất nên các tổ chức, cá nhân sản xuất giống thiếu mặn mà, nông dân thì lúng túng trong việc chọn cơ sở nào cung ứng giống; nguồn giống cũng chưa được kiểm soát bảo đảm an toàn, chất lượng. Điều đáng nói, tuy có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt đề án nhưng quá trình phối hợp, tham mưu triển khai thực hiện của các sở, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, thiếu chủ động trong việc hướng dẫn các thủ tục, cơ chế ứng vốn (vốn cấp chậm). Một lý do nữa dẫn đến kết quả đạt thấp là một số địa phương thiếu chỉ đạo quyết liệt, thiếu chủ động, còn trông chờ vào nguồn vốn cấp phát (Cam Ranh, Ninh Hòa…).

Kết quả thực hiện đề án còn thấp khiến một số người cho rằng việc kích cầu thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi đã thực sự có hiệu quả hay chỉ là trợ giá giống? Nếu vậy, việc hỗ trợ giống thông qua các hợp tác xã nông nghiệp có nhiều lợi thế hơn, giúp được nhiều nông dân và việc thanh toán vốn đối ứng cũng không quá phức tạp. Theo lý giải của ngành Nông nghiệp, ban đầu đề án đặt ra là hỗ trợ giống mía bởi đây là chương trình rất phù hợp, vừa hỗ trợ cho người trồng mía thay thế giống mía cũ thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, vừa nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cho ngành mía đường. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có mía nên sau đó có nhiều nội dung hỗ trợ với đặc thù riêng.

Sở NN-PTNT cho biết, đề án sẽ tạm dừng do Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 11 (1-3-2012) về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020. Tuy nhiên, người dân rất mong mỏi Nhà nước cần có những chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực hơn để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp người dân ổn định thu nhập, cải thiện đời sống.

HOÀI AN