08:05, 09/05/2012

Giá dịch vụ du lịch: Bình… nhưng chưa ổn

Những thời gian du lịch cao điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa lại ra quyết định bình ổn giá dịch vụ lưu trú với quy định giá phòng không được tăng quá 50% so với thường ngày.

Những thời gian du lịch cao điểm, UBND tỉnh Khánh Hòa lại ra quyết định bình ổn giá dịch vụ lưu trú với quy định giá phòng không được tăng quá 50% so với thường ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở lưu trú (CSLT) hạng thấp vẫn cho thuê phòng với giá cao hơn mức giá đăng ký, làm Nhà nước thất thu thuế và khiến du khách phản ứng. Nhiều ý kiến đề nghị, nên để doanh nghiệp (DN) tự điều chỉnh giá theo thị trường, góp phần công khai minh bạch giá phòng lưu trú, tránh thất thu thuế.

. Khó kiểm soát giá

Những năm gần đây, mỗi khi đến đợt du lịch cao điểm (lễ, Tết), UBND tỉnh lại ra quyết định bình ổn giá dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP. Nha Trang. Trong đó, UBND tỉnh luôn yêu cầu các CSLT không được tăng giá quá 50% so với thường ngày; phải niêm yết giá phòng rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ có những khách sạn 3 sao trở lên mới tuân thủ quy định này, còn các khách sạn hạng thấp vẫn thường xuyên tăng giá vượt khung. Theo quy định, các CSLT phải niêm yết giá rõ ràng tại quầy lễ tân và phòng ngủ, nhưng nhiều khách sạn niêm yết giá rất mập mờ, chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng. Đơn cử, trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) kiểm tra 15 đơn vị thì đã ra quyết định xử phạt 10 cơ sở với số tiền 39 triệu đồng vì niêm yết giá không rõ ràng và một số vi phạm khác. Các cơ quan quản lý rất khó kiểm soát mức tăng giá phòng của các CSLT bởi chủ kinh doanh có rất nhiều “chiêu” luồn lách. Không ít trường hợp, trên giấy tờ, giá phòng ghi đúng quy định nhưng thực tế, khách vẫn phải chịu giá cao hơn. “Do lực lượng mỏng, nên mỗi đợt, chúng tôi chỉ kiểm tra được một số ít CSLT. Các chủ CSLT cũng rất tinh vi nên rất khó bắt quả tang các trường hợp tăng giá phòng quá mức quy định, vì thế chúng tôi thường chỉ xử lý được hành vi niêm yết giá không đúng quy định” - ông Lê Quang Lịch, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL bày tỏ. Thế nên, đã có không ít người nói giá dịch vụ lưu trú đã được bình nhưng… chưa ổn.


Những ngày lễ, giá tàu du lịch tại Bến tàu Du lịch Cầu Đá tăng cao nhưng gần như chưa được quản lý.
Những ngày lễ, giá tàu du lịch tại Bến tàu Du lịch Cầu Đá tăng cao nhưng gần như chưa được quản lý.

 

Lâu nay, các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) mới chỉ bình ổn giá dịch vụ lưu trú, còn giá dịch vụ vận chuyển (các tàu du lịch), dịch vụ ăn uống gần như bị thả nổi. Cũng trong những ngày lễ vừa qua, giá tàu du lịch ở Bến tàu du lịch Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang) đã tăng rất cao. Có những tàu du lịch ra giá 700 ngàn đồng để đưa 4 khách đi 2 đảo Trí Nguyên và Hòn Tằm, trong khi ngày thường, giá tour 4 đảo chỉ khoảng 100/khách ngàn đồng. Ông Nguyễn Ngọc Khoa - Phó Ban quản lý Bến tàu Du lịch Cầu Đá cho biết: Chúng tôi chỉ quản lý về số lượng tàu, số lượng khách xuất bến và các điều kiện về an toàn giao thông đường thủy chứ không quản lý về giá. Thông thường, chủ tàu làm việc với các đơn vị lữ hành, hoặc trực tiếp thỏa thuận với khách về mức giá. Đến nay, cũng chưa có quy định nào khống chế mức giá tàu du lịch. Nhiều chủ khách sạn cho rằng, việc cơ quan chức năng chỉ khống chế mức tăng giá của các CSLT mà không khống chế giá dịch vụ vận chuyển (đặc biệt là tàu du lịch) và dịch vụ ăn uống là không hợp lý. Để bảo vệ khách du lịch và thương hiệu du lịch Khánh Hòa thì cần làm đồng bộ, chứ chỉ nhắm vào các CSLT thì cũng chỉ được phần nào, chủ khách sạn T.T trên đường Trần Phú bày tỏ.

. Để doanh nghiệp tự quyết định giá?

Tại Hội nghị đối thoại giữa cơ quan QLNN và DN kinh doanh du lịch do Sở VH-TT-DL và Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa (HHDLKH) tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc bình ổn giá lưu trú đang tồn tại những bất cập, cần có thay đổi phù hợp hơn. Một số đơn vị kinh doanh cho biết, việc UBND tỉnh khống chế mức tăng giá trần của các CSLT vào những dịp du lịch cao điểm đã làm khó DN, bởi ngày thường, họ để giá thấp nên vào những dịp cao điểm, nếu chỉ được tăng tối đa 50% so với thường ngày thì không đáng là bao. Việc cơ quan chức năng khống chế mức tăng giá phòng lưu trú, nhưng các CSLT vẫn lén lút bán giá phòng vượt quá giá đăng ký khiến ngành Thuế bị thất thu một số tiền không nhỏ, đồng thời lại khiến du khách phản ứng… Từ đó, một số đơn vị kinh doanh đã kiến nghị UBND tỉnh không nên khống chế mức tăng giá trần của các CSLT, thay vào đó, hãy để DN tự điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu, phải bán theo đúng giá đã đăng ký và niêm yết.

Đề cập đến vấn đề này, ông Võ Đình Thu - Tổng Thư ký HHDLKH bày tỏ: Chúng ta đang sống trong thời kinh tế thị trường, DN tự chủ kinh doanh nên việc khống chế về giá dịch vụ lưu trú là không nên.

Theo tôi, cần để cho DN tự quyết định giá mặt hàng của mình (ở đây là phòng lưu trú), cạnh tranh một cách sòng phẳng, cơ quan QLNN chỉ kiểm tra xem DN có bán đúng giá đăng ký, niêm yết hay không mà thôi… Theo ông Thu, Khánh Hòa hiện có 13.000 phòng lưu trú, cung đã vượt cầu, nên sẽ không có chuyện các khách sạn đồng loạt tăng giá quá cao. Khách sạn nào bán giá quá cao sẽ không có khách, tự nhiên họ phải điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường. Đồng quan điểm với ông Thu, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Khánh Hòa nói: Giá phòng lưu trú là một mặt hàng rất nhạy cảm, biến động hàng ngày nên hãy để cho thị trường tự điều tiết. Về lâu dài, HHDLKH sẽ điều chỉnh giá các dịch vụ du lịch… chứ không nên có sự can thiệp của cơ quan QLNN. Ngược lại, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở VH-TT-DL lại cho rằng, trước đây, Nhà nước từng để cho khách sạn tự quyết định giá phòng nên đã có những khách sạn lợi dụng điều này để “chặt chém” du khách. Và đã có lúc khách du lịch, các đơn vị lữ hành tẩy chay Nha Trang nên tỉnh mới đề ra chính sách bình ổn giá dịch vụ lưu trú để ổn định tình hình. Hiện nay, HHDLKH chưa đủ mạnh để giữ vai trò điều tiết, điều chỉnh giá dịch vụ lưu trú nên phải cần đến sự can thiệp của cơ quan QLNN. Nếu sau này, Hiệp hội “cầm trịch” được giá dịch vụ du lịch…, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh thay đổi, ông Tuyến nói.

Những đề xuất của các đơn vị kinh doanh du lịch là điều mà ngành Du lịch và các đơn vị liên quan cần cân nhắc. Tuy nhiên, để tiến tới bỏ khống chế giá dịch vụ du lịch, trước tiên, các CSLT cần tự mình điều chỉnh, từ bỏ lối kinh doanh mang tính thời vụ, ăn xổi, hướng đến xây dựng một môi trường du lịch lành mạnh, bền vững. HHDLKH cũng cần đẩy mạnh hoạt động của mình, thể hiện vai trò “cầm trịch” trong điều chỉnh giá dịch vụ du lịch mùa cao điểm cũng như thấp điểm để tránh những trường hợp bán phá giá, “chặt chém” du khách. HHDLKH, Sở VH-TT-DL cần xử lý mạnh tay hơn đối với các trường hợp vi phạm quy định về giá dịch vụ lưu trú. Bên cạnh xử phạt, cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo du khách, làm gương cho những đơn vị khác.

XUÂN THÀNH