08:05, 08/05/2012

Trước thách thức thay đổi để phát triển

Ngày nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.

Ngày nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN NVV) ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong việc đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, DN NVV đang dần “đuối sức”, sản xuất bị ngưng trệ, phá sản. Để vượt khó và thành công, DN NVV cần nỗ lực tự cứu mình, đồng thời DN cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài 1: Đối diện với nhiều khó khăn

Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có hơn 6.680 DN, trong đó DN NVV chiếm 99%. Tuy nhiên, trong số này, có khoảng 5.700 DN đang hoạt động nhưng gặp không ít khó khăn, hàng trăm DN khác đã đăng ký thành lập nhưng chưa hoạt động hoặc phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh (SXKD) chờ giải thể.

. “Khát” vốn

Bà Lương Thị Cẩm Tú - Giám đốc Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “DN NVV là đối tượng khách hàng đầy tiềm năng của các tổ chức tín dụng. Tại Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa hiện chỉ có trên dưới 230 DN NVV vay với tổng dư nợ cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với nhu cầu của các DN”.


 Sản phẩm nước mắm truyền thống của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang hiện tiêu thụ rất chậm.
 Sản phẩm nước mắm truyền thống của Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang hiện tiêu thụ rất chậm. 

 

Do một số rào cản, nhất là về các điều kiện vay vốn, nên DN NVV rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng. Thiếu vốn để phát triển SXKD là “căn bệnh” tồn tại nhiều năm nay của DN NVV. Tuy các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khẳng định có đủ vốn cho DN vay nhưng thực tế, hơn 50% DN đang trong tình trạng “khát” vốn. Ông Nguyễn Cảnh Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất thương mại và dịch vụ Hoàng Gia Nguyên (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Công ty chúng tôi chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ nhưng gần đây, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường bị thu hẹp… Hiện chúng tôi đang rất cần vốn để phát triển nghề chế biến đá trang trí nội thất, nhưng các điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng thường vượt tầm của DN nên đến nay, Công ty vẫn chưa vay được vốn để phát triển sản xuất”.

Tiếp cận vốn đã khó, vay được vốn rồi nhưng sử dụng sao cho có hiệu quả trong điều kiện lãi suất duy trì ở mức cao (có thời điểm hơn 20%/năm) cũng là điều không đơn giản đối với các DN NVV. Ông Đỗ Hữu Việt - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang cho biết: “Thời điểm cuối năm 2011, chúng tôi vay ngân hàng 17 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất trong các tháng đầu năm 2012, lãi suất ở mức hơn 20%/năm. Trong khi đó, các chi phí SXKD khác như: nguyên liệu, nhân công, bán hàng… đều tăng hơn 35%. Khi đưa thành phẩm ra thị trường, chúng tôi mới tăng giá thêm 10% thì lập tức nhận thấy sức tiêu thụ giảm rõ rệt, hiện hơn 10% nước mắm thành phẩm của Công ty vẫn tồn kho. 3 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty chỉ đạt 24 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ đạt 500 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ năm trước”.

Trước áp lực lãi suất ngân hàng luôn duy trì ở mức cao trong khi hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, nhiều đơn vị đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng SXKD, chờ phá sản. Cụ thể, đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 210 DN giải thể, 440 DN thu hẹp, ngừng SXKD, 276 DN không thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian qua, các ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay đối với DN nhưng lãnh đạo một số DN NVV cho rằng, trong điều kiện đầu vào tăng nhưng đầu ra không tăng, mức lãi suất hơn 15%/năm vẫn là trên sức chịu đựng của DN. Vì vậy, nhiều DN không dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng để phát triển SXKD.

. Và nhiều khó khăn khác

Ngoài áp lực thiếu vốn, sử dụng vốn sao cho hiệu quả, DN NVV còn đối mặt với khó khăn về mặt bằng sản xuất. Ông Đỗ Hữu Việt chia sẻ: “Công ty chúng tôi đã mất nhiều hợp đồng xuất khẩu do mặt bằng sản xuất không đáp ứng được yêu cầu mà phía đối tác nước ngoài đưa ra. Hiện Công ty đang tìm mặt bằng khoảng 25.000m2 để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chiết xuất nước mắm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng chưa tìm được”.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Cụm Công nghiệp Đắc Lộc (TP. Nha Trang), Cụm Công nghiệp Diên Phú (Diên Khánh) đã đi vào hoạt động, và chỉ một số ít DN NVV được giải quyết mặt bằng sản xuất. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác vẫn đang ì ạch trong khâu đầu tư cơ sở hạ tầng nên chưa tháo gỡ được khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DN NVV.

Ngoài ra, ông Mai Thanh Liêm - Chủ tịch Hiệp hội DN NVV Khánh Hòa còn cho biết: “Không chỉ khó khăn về mặt bằng sản xuất, các DN NVV hiện rất khó khăn về thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, năng lực quản lý DN còn yếu, vốn đầu tư ít, thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, giá trị gia tăng trong quá trình SXKD thấp, tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết… khiến “sức đề kháng” của DN NVV trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay rất yếu”.

Với hàng loạt khó khăn đã nêu, làm thế nào để DN NVV vượt khó thành công là bài toán cần được DN, các đơn vị chức năng sớm giải đáp.

BÍCH LA

. Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 14/2012/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ tối đa là 15%/năm đối với một số lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho vay phục vụ SXKD của DN NVV. Thông tư có hiệu lực từ ngày 8-5-2012.

. Từ đầu năm đến nay, Cục thuế tỉnh đã cấp mới mã số thuế cho 475 DN, như vậy, đơn vị đang quản lý thuế tổng số 6.726 DN. Trong 4 tháng đầu năm, có thêm 317 DN làm thủ tục ngừng hoạt động; các DN đang nợ thuế gần 250 tỷ đồng tăng 22% so với cuối năm 2011, trong đó, nợ khó thu hơn 76 tỷ đồng, tăng hơn 8,2% so với cuối năm trước, chủ yếu thuộc về DN NVV.



Bài 2: Làm gì để vượt khó?