03:05, 07/05/2012

Áp trần lãi suất cho vay: Dòng vốn sẽ lưu thông

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư áp trần lãi suất cho vay tối đa là 15% đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Điều này khiến cả doanh nghiệp và ngân hàng đều kỳ vọng dòng vốn sẽ khơi thông tốt hơn…

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư áp trần lãi suất cho vay (LSCV) tối đa là 15% đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Điều này khiến cả doanh nghiệp (DN) và ngân hàng đều kỳ vọng dòng vốn sẽ khơi thông tốt hơn…

Câu chuyện về LSCV đã có một diễn biến mới phù hợp với nguyện vọng của các DN trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Đó là việc NHNN vừa ban hành Thông tư số 14 quy định về LSCV ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Theo đó, LSCV ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay tối đa bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng 3%/năm. Như vậy, với trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 12%/năm như hiện nay thì trần LSCV ngắn hạn là 15%/năm.


Ngân hàng đang kỳ vọng dòng vốn sẽ lưu thông hơn khi trần lãi suất cho vay 15%/năm được áp dụng.
Ngân hàng đang kỳ vọng dòng vốn sẽ lưu thông hơn khi trần lãi suất cho vay 15%/năm được áp dụng.

 

. Áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực

Theo Thông tư số 14, NHNN giới hạn trần LSCV chỉ áp dụng trong 4 lĩnh vực ưu tiên, đó là: Nông nghiệp nông thôn, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, phục vụ sản xuất kinh doanh của DN nhỏ và vừa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Riêng đối với Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở, LSCV ngắn hạn bằng VND đối với 4 lĩnh vực trên tối đa là 15,5%/năm. Các loại hình tín dụng khác, ngân hàng vẫn cho vay theo cơ chế thỏa thuận.

Khách hàng vay vốn của TCTD được áp dụng LSCV quy định tại Thông tư này là các khách hàng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định của NHNN và được TCTD đánh giá có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Khách hàng vay phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh mục đích vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực được áp dụng LSCV theo quy định tại thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Thông tư cũng yêu cầu TCTD niêm yết công khai mức LSCV, các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo quy định của thông tư.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 8-5-2012. LSCV áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

. Dòng vốn sẽ lưu thông

Mục đích của NHNN khi ban hành thông tư này là để giảm LSCV nhằm hỗ trợ DN và người dân giảm chi phí vay vốn, phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chính vì thế, DN và ngân hàng đang kỳ vọng dòng vốn sẽ lưu thông hơn khi trần LSCV 15%/năm được áp dụng.

Vấn đề áp trần LSCV đã được thảo luận từ những tháng đầu năm, trước khi NHNN đưa trần lãi suất huy động về 12%/năm. Và ngay từ khi NHNN chưa áp trần LSCV, các ngân hàng đã chủ động đưa ra thị trường các chương trình ưu đãi với lãi suất thấp để kích thích tín dụng với các gói tín dụng ưu tiên lãi suất chỉ có 15 - 16%/năm.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại (NHTM) chia sẻ: “Việc NHNN khống chế chênh lệch huy động và cho vay 3% là một giải pháp để giúp DN tiếp cận vốn dễ hơn. Tuy nhiên, theo tôi, lãi suất không phải là nguyên nhân chính khiến cho vay tăng trưởng chậm. Lãi suất hiện nay tương đương với lãi suất của năm 2008, nhiều ngân hàng đã nỗ lực giảm lãi suất với một số nhóm ngành nhưng khách hàng, đặc biệt là DN vẫn không hào hứng vay. Nguyên nhân là do bản thân nhiều DN hiện đang gặp những hạn chế, khó khăn nhất định. Đó là lượng hàng tồn kho còn nhiều nên các DN không mặn mà với sản xuất, nên không có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, các ngân hàng lại sợ nợ xấu, rủi ro nên không dám cho vay. Mặt khác, thời gian qua, do bị khống chế hạn mức tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của DN kém, lượng vốn dư thừa và ứ đọng ở các NHTM còn khá nhiều, đặc biệt ở các NHTM lớn”.

Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa nhận định: “Đây là một động thái hỗ trợ tốt của NHNN trong bối cảnh hiện nay để gỡ khó cho DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Quan trọng hơn là đảm bảo mức lãi suất phù hợp giúp DN không bị thiệt. Thực tế hiện nay, một số ngân hàng đã giảm LSCV đối với những đối tượng ưu tiên nhưng không đồng đều và chưa nhiều. Khi áp dụng thông tư này, lãi suất sẽ giảm nhanh hơn, đồng loạt hơn. Khi áp dụng các biện pháp giới hạn trần lãi suất, NHNN đã cân nhắc rất kỹ và chỉ áp dụng trong thời hạn, hoàn cảnh nhất định. Các đối tượng cho vay, ngoài việc thuộc diện ưu tiên, cũng phải đáp ứng được điều kiện như hiệu quả hoạt động, đảm bảo khả năng hoàn trả. NHNN sẽ nỗ lực trong việc giám sát việc tuân thủ của các ngân hàng trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng vượt trần. Vì khi ngân hàng áp dụng trần LSCV, một số đơn vị vẫn lách bằng cách áp đặt các lệ phí khiến lãi suất vẫn vượt trần quy định”.

BÍCH KHUÊ

NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: Lãi suất cho vay VND của các NHTM Nhà nước, CPNN hiện đang áp dụng ở các mức: lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 15,5 - 18,5%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn 17,6 - 18,5%/năm; lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên: 15 - 17,5%/năm. Các NHTM cổ phần lãi suất cho vay cao hơn 1 - 2%/năm.

Đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 19.983 tỷ đồng, so với đầu tháng giảm 335 tỷ đồng với tỷ lệ giảm 1,65%, so với đầu năm giảm 242 tỷ đồng với tỷ lệ giảm 1,20%, so với cùng kỳ năm trước tăng 133 tỷ đồng với tỷ lệ 0,67%.