03:04, 24/04/2012

Xuất khẩu thủy sản: Khó khăn ngay trên sân nhà

Năm 2012, dự kiến xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa đạt 320 - 325 triệu USD, tăng 5 - 7% so với năm 2011. Tuy nhiên, dự báo năm 2012 sẽ là năm rất khó khăn của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản.

Năm 2012, dự kiến xuất khẩu thủy sản (XKTS) Khánh Hòa đạt 320 - 325 triệu USD, tăng 5 - 7% so với năm 2011. Tuy nhiên, dự báo năm 2012 sẽ là năm rất khó khăn của các doanh nghiệp (DN) tham gia XKTS. Bên cạnh thiếu nguyên liệu để sản xuất, các DN còn đối mặt với nhiều vấn đề lớn như: chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế, phí… Những vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của DN XKTS Khánh Hòa trên thị trường quốc tế.

° Đối mặt với nhiều thách thức

Đến hết quý I, XKTS Khánh Hòa đạt 110 triệu USD, bằng 37% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của các DN Khánh Hòa đã có mặt ở 64 thị trường trên toàn cầu. Trong đó, Nhật Bản và Mỹ là 2 thị trường đứng đầu với tỷ trọng 20% và 40%; EU 15%, còn lại là thị trường khác. Theo các DN XKTS, đầu năm 2012, các thị trường chính như Nhật Bản, Mỹ, EU có dấu hiệu giảm mạnh, nhiều DN đã chuyển hướng sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường chưa phải là vấn đề khiến DN “căng như dây đàn” trong lúc này mà điểm mấu chốt thuộc về những yếu tố phát sinh từ trong nước. Trong đó, thiếu nguyên liệu, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thuế, phí đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các DN trên thị trường quốc tế. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, các DN chế biến chỉ hoạt động từ 50 - 60% công suất do thiếu nguyên liệu. 

Do quá trình bảo quản kém, chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác của ngư dân Khánh Hòa không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Do quá trình bảo quản kém, chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác của ngư dân Khánh Hòa không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hải Vương cho biết: Để chủ động nguồn nguyên liệu, những năm gần đây, Công ty đều tăng cường nhập khẩu trên 50% nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy giá nguyên liệu nhập khẩu luôn cao hơn từ 5 - 10% so với trong nước, nhưng nhờ thế DN chủ động được sản xuất, ổn định thị trường và giữ được khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp ổn định lâu dài, bởi việc nhập khẩu đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính mạnh để thu mua nguồn nguyên liệu dự trữ và đầu tư kho lạnh để bảo quản sản phẩm. Mặt khác, DN cần có nguồn khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định, tính toán hợp lý thì mới ổn định được tình hình sản xuất kinh doanh.

° Những bất cập

Không chỉ thiếu nguyên liệu và vốn, hiện XKTS của Việt Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng đang đứng trước nguy cơ giảm sức cạnh tranh một cách mạnh mẽ vì một số chính sách còn bất cập. Trong đó, nổi bật 2 vấn đề lớn là kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và các loại thuế, phí xuất khẩu DN phải gánh. Theo các DN, hiện chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu đã tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực (từ ngày 1-7-2011). Trong khi đó, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn các lô hàng phải chờ từ 7 - 10 ngày. Chưa kể nhiều loại giấy chứng nhận thị trường nhập khẩu không yêu cầu nhưng cơ quan quản lý trong nước vẫn yêu cầu DN đóng phí để chứng nhận. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của DN. Hiện một container tôm của Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản phải “cõng” thêm 2.000 USD chi phí kiểm nghiệm, trong lúc các DN đang phải cạnh tranh gay gắt từng giá nhỏ với sản phẩm tôm của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… Không chỉ thế, thuế môi trường đối với bao bì cũng là vấn đề đau đầu đối với DN XKTS. Đây là loại vật liệu không thể thiếu trong chế biến, bao gói nhưng khoản phí này hiện đang chiếm khoảng 1.700 - 1.900 đồng trong giá thành 1kg sản phẩm thủy sản, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành xuất khẩu. Theo tính toán, hàng năm, mỗi DN vừa và nhỏ có thể phải chi từ 2 - 2,5 tỷ đồng, DN lớn phải chi 4 - 5 tỷ đồng cho khoản thuế này. Vì thế, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của DN từ đó giảm theo.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đối với Khánh Hòa, không thể đẩy mạnh XKTS mà không quan tâm bài toán nguyên liệu. Dù các DN có khả năng nhập khẩu thì đó cũng không phải là biện pháp ổn định lâu dài, nhất là trong điều kiện chúng ta vẫn có thể phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến. Vấn đề là cần có sự chung tay giữa Nhà nước, DN và người dân trong cả khai thác, nuôi trồng, mở rộng ngư trường và thu mua sản phẩm. Ngoài vấn đề nguyên liệu, để tăng khả năng cạnh tranh của DN xuất khẩu, nhất thiết các cơ quan chức năng phải sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phục vụ XKTS. Thời gian tới, Nhà nước cần thay đổi cách kiểm soát kháng sinh và các yếu tố rủi ro về ATTP theo hướng kiểm soát đầu nguồn thay vì kiểm tra lô hàng như hiện nay”. Ông Thiên khẳng định, việc kiểm soát ATTP là cần thiết nhưng cách tiếp cận phải hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thực tế, EU và Mỹ là 2 thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam đều không quy định kiểm tra hoặc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu. Còn theo Luật ATTP và thông lệ quốc tế, việc cấp chứng thư xuất khẩu không phụ thuộc vào việc lấy mẫu lô hàng kiểm nghiệm, mà phụ thuộc vào hiện trạng điều kiện an toàn vệ sinh của cơ sở chế biến đó có đạt hay không, có thuộc danh sách đủ điều kiện để xuất khẩu hay không. Chính vì vậy, giải quyết được những bất cập về thuế, phí và thời gian chờ đợi chứng thư xuất khẩu, chắc chắn sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều.

XKTS được coi là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa những năm gần đây với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng qua các năm: đạt 315 triệu USD vào năm 2011, dự kiến năm 2012 đạt 320 - 325 triệu USD. Tuy nhiên, để XKTS phát huy hơn nữa thế mạnh, cần giải quyết nhanh chóng, hiệu quả và đồng bộ các vướng mắc đang phát sinh từ thực tiễn.

ANH TUẤN