Tổ liên kết sản xuất kinh doanh mía đường xã Xuân Sơn (gọi tắt là Tổ liên kết Xuân Sơn) tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất, tiêu thụ cây mía trong nông dân.
Tổ liên kết (TLK) sản xuất kinh doanh mía đường xã Xuân Sơn (gọi tắt là TLK Xuân Sơn) tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới về sản xuất, tiêu thụ cây mía trong nông dân.
Về Xuân Sơn những ngày thu hoạch rộ mía đường, chứng kiến sự hồ hởi của các thành viên trong TLK, mới thấy giá trị của sự liên kết phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Đắc Khành - Tổ phó TLK Xuân Sơn cho biết: Tổ ra mắt vào tháng 10 năm ngoái với 9 thành viên, nay đã tăng lên 13 thành viên. TLK đang triển khai nhiều giải pháp về kỹ thuật, trong đó chủ lực là khâu giống và canh tác. Xuân Sơn trước đây có các giống mía cũ, thoái hóa (ROC16, 25, MI, Co…), nay tổ đưa về các giống mới (Suphanburi 7, K 95-84, K 88-200, 95-156, LK 92-11, K 93-219, K 88-92…) từ các nhà máy đường, nhân rộng ra. Hiện cả tổ có hơn 20ha sử dụng giống mía mới, năng suất vụ này có thể đạt 80-100 tấn/ha (các giống cũ chỉ đạt 40-50 tấn/ha). Bên cạnh việc khuyến khích sử dụng giống mới, TLK còn vận động các thành viên áp dụng kỹ thuật mới trong canh tác mía: khâu làm đất dùng cày cày sâu 30-40cm, sau đó cày phay nhuyễn bằng chảo 8, bỏ qua khâu bừa; dùng máy cắt (rạch) hàng và cho bò lấp hàng, đem lại hiệu quả lao động, năng suất cao hơn cách làm cũ. Khi cây mía chưa nảy mầm thì dùng thuốc cỏ xịt (loại tiền nảy mầm), khi mía đã cao, vươn lóng dùng bò làm cỏ, bón phân (các loại phân do nhà máy đường cung cấp). TLK hợp đồng với nhà máy đường tiêu thụ; trước mắt, tiêu thụ trên diện tích 84ha, sản lượng hơn 4000 tấn…
Tổ chức liên kết, tiêu thụ mía đường tại Xuân Sơn |
Tuy mới ra đời nhưng TLK đã thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt. Ông Võ Văn Sanh - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã cho biết: Sau khi có chỉ đạo của HND tỉnh, huyện, chúng tôi xin ý kiến cấp ủy, chính quyền và vận động thành lập TLK Xuân Sơn trên cơ sở tập hợp những nông dân có tay nghề và sản xuất mía có hiệu quả làm lực lượng nòng cốt. Tổ sinh hoạt 1 tháng/lần, 3-6 tháng tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên sôi nổi trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay như dùng giống nào cho năng suất cao, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tìm “đầu ra” ổn định để tiêu thụ sản phẩm… Đánh giá cao hoạt động của TLK, HND huyện Vạn Ninh đã đồng ý hỗ trợ 300 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho tổ vay mua giống sản xuất, đồng thời làm cơ sở cung cấp, nhân rộng giống mía mới cho người dân trong xã… Các thành viên nhất trí đóng góp 0,2% thành quả của mình sau mỗi vụ mía để xây dựng Quỹ TLK. Ông Phạm Ngọc Khánh - thành viên của tổ - tâm sự: “Tham gia TLK, chúng tôi được học hỏi nhiều cái mới, cái hay; cách ứng dụng kỹ thuật mới về giống, canh tác, chăm sóc, làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của cây mía đường; trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật để nâng cao trình độ nhận thức…”.
Cũng theo ông Võ Văn Sanh, thời gian tới, TLK sẽ là “chỗ dựa” của người trồng mía Xuân Sơn trong việc tổ chức hợp đồng tiêu thụ mía đường của địa phương với các nhà máy đường trong tỉnh. TLK sẽ đứng ra làm hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường, huy động nhân lực thu hoạch, vận chuyển mía về nhà máy… Nông dân không phải lo lắng về khâu tiêu thụ. HND xã tiếp tục tìm, huy động các nguồn vốn hỗ trợ, giúp đỡ TLK hoạt động có hiệu quả.
Có thể nói, TLK Xuân Sơn đang định hình cách làm ăn mới trên vùng đất bán sơn địa phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay. Khâu đột phá là cây mía - cây trồng thế mạnh của xã. Đây là hướng đi đúng cần được khuyến khích phát triển.
H.A