Nông nghiệp hữu cơ là hình thức tránh hoặc loại bỏ việc sử dụng các chất hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích…) nhằm tạo ra nông sản có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các định hướng cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn (VietGAP, rau an toàn…).
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hình thức tránh hoặc loại bỏ việc sử dụng các chất hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích…) nhằm tạo ra nông sản có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các định hướng cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn (VietGAP, rau an toàn…) hiện đang ách tắc ở đầu ra.
Đối với Khánh Hòa, sản xuất nông nghiệp theo hướng NNHC còn khá mới mẻ và không có nhiều người ứng dụng. Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp bền vững Hải Vân (Cam Nghĩa, Cam Ranh), một trong số những người sản xuất theo hướng NNHC, tâm sự: “Là người gắn bó với nông nghiệp nhiều năm, tôi nhận thấy việc áp dụng NNHC mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, nông dân nên mạnh dạn sản xuất theo hướng này. Tuy nhiên hiện nay, nông dân đang gặp phải lực cản rất lớn là đầu ra…”.
Nông nghiệp hữu cơ, các định hướng GAP, nông nghiệp sạch… vẫn đang bế tắc ở đầu ra |
Ông Hải có 2,5ha đất, thuê mướn hàng chục lao động, chuyên sản xuất các mặt hàng nông sản theo hướng NNHC. Mỗi năm, lượng nông sản nông trại của ông làm ra khá lớn (30 - 40 tấn cà chua, 15 tấn kiệu, 100 tấn dưa hấu, hàng chục tấn bầu bí và nhiều lại nông sản khác). Ông rất tâm đắc với mô hình NNHC; đồng thời hy vọng cách làm của mình sẽ góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người đang lạm dụng phân bón, chế phẩm hóa học, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Ông Hải cho biết, cách canh tác và sản phẩm NNHC của ông không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất tăng trưởng hóa học, mà chỉ sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường có nguồn gốc sinh học, thảo mộc như: tỏi, thuốc lá, ớt… để giúp cây trồng chống chịu được bệnh tật, khôi phục hệ sinh thái có ích. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình NNHC trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đại trà những sản phẩm không an toàn, có nguồn gốc hóa học đã làm cho những mô hình như trang trại của ông gặp khó (thời gian thu hoạch kéo dài hơn 1/3, chi phí tăng 1/3, năng suất giảm 1/3). Vì vậy, nếu có lãi, sản phẩm NNHC phải có giá thành gấp đôi. Thế nhưng hiện nay, giá bán sản phẩm NNHC vẫn không hơn những nông sản thông thường; nguy cơ lỗ vốn, không thể duy trì mô hình này là điều khó tránh. Để tìm kiếm “đầu ra” cho sản phẩm, ông Hải phải tiếp cận các siêu thị, tuy nhiên, với sức tiêu thụ quá khiêm tốn đã buộc ông phải tiêu thụ tại chợ lẻ với giá “bèo”. Ông Hải cho rằng, chưa có cơ quan nào đứng ra cấp giấy chứng nhận cho nông sản NNHC; vì vậy, sản phẩm NNHC không thể phân biệt với nông sản thông thường.
Còn nhớ, mô hình rau an toàn được khuyến khích nhân rộng nhiều năm qua, tuy nhiên, mãi cho đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Rau an toàn không khác rau chưa an toàn. Ngành Bảo vệ thực vật - cơ quan giám sát và cấp chứng nhận cho thương hiệu rau an toàn hiện vẫn không thể làm gì khi chưa có đề án tổng thể từ sản xuất cho đến tiêu thụ (trong đó có việc xây dựng một vùng chuyên canh rau an toàn được giám sát, thực hiện theo tiêu chuẩn).
NNHC, hay những định hướng mới về nông nghiệp thân thiện đã được nhiều cơ quan, ban, ngành khuyến khích. Tuy nhiên, với việc thiếu kinh phí đầu tư, thiếu hành động quyết liệt, nông sản Việt Nam sẽ mãi thiếu “đầu ra”, và nông dân lại thiếu tin tưởng khi được vận động thực hiện theo mô hình GAP hay những loại hình tương tự.
Q.V