10:04, 05/04/2012

Quý I, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định

Từ đầu năm đến nay, tuy gặp không ít khó khăn nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn phát triển kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao.

Từ đầu năm đến nay, tuy gặp không ít khó khăn nhưng tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn phát triển kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao.

Năm 2012, kinh tế thế giới, nhất là ở các trung tâm tăng trưởng như: Mỹ, châu Au, Nhật Bản, Trung Quốc… sụt giảm tốc độ tăng trưởng; nợ công ở châu Au, tình trạng bất ổn của một số nước và khu vực trên thế giới gia tăng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Trong nước, bức tranh kinh tế còn nhiều “mảng tối”, áp lực vốn, lãi suất vẫn ở mức cao, thiếu nguồn nguyên liệu, việc cạnh tranh hàng hóa nước ngoài trên thị trường nội địa diễn ra mạnh mẽ… Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Quý I-2012, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng ngành công nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong ảnh: Chế biến đá granite tại Công ty Cổ phần chế biến Gỗ Việt Đức.
Quý I-2012, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng ngành công nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong ảnh: Chế biến đá granite tại Công ty Cổ phần chế biến Gỗ Việt Đức.

Trong bối cảnh đó, đáng mừng là ngành Công nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo báo cáo của Sở Công thương, 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 4.253,6 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2011; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này ước đạt 1.346 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá như: Công ty TNHH nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin tăng 20%, Công ty Liên doanh TNHH Trồng và Chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu Cát Phú tăng 22%, Công ty TNHH Thực phẩm Saukura tăng 22%... Các doanh nghiệp nhà nước trung ương đóng trên địa bàn cũng có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, ước đạt 81,4 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực các doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.745,2 tỷ đồng, tăng 12,7%. Sự tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp tư nhân là nhờ một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Công ty Cổ phần May Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Đường Ninh Hòa… đã đầu tư sản xuất thêm các sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất. Ở mức tăng thấp hơn, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 8,1%. Ngoài Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa tăng 60%, một số doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao có giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm như: Tổng Công ty Khánh Việt tăng 1,5%, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Khánh Hòa giảm 12%, Công ty TNHH Một thành viên Xuất khẩu thủy sản Khánh Hòa giảm 13%, Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa giảm 4%...

Bên cạnh mức tăng trưởng khá ổn định về giá trị sản xuất công nghiệp, từ đầu năm đến nay, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới… nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng cao, ước đạt 305 triệu USD, tăng 44,74% so với cùng kỳ năm trước. Các loại hình kinh tế địa phương đều có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: kinh tế nhà nước địa phương đạt 13,5 triệu USD, tăng 40,76%; kinh tế tư nhân và tập thể đạt 97 triệu USD, tăng 2,36%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 192 triệu USD, tăng 84,1%. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng so với quý I-2011 như: Hàng thủy sản xuất khẩu đạt 70 triệu USD, tăng 23,51%; tàu biển xuất khẩu 5 chiếc với tổng giá trị 161,56 triệu USD, tăng gấp 2 lần; hàng dệt may xuất khẩu đạt 14 triệu USD, tăng 19,65%... Trong khi đó, giá trị kim ngạch nhập khẩu cũng tăng cao, ước đạt 156 triệu USD, tăng 44,21% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu do nhập vật tư, máy móc thiết bị phục vụ đóng mới tàu biển, nguyên phụ liệu thuốc lá, may mặc, nguyên liệu thủy sản…

Để ngành công nghiệp tỉnh tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

THỦY BA