Hàng ngàn hộ dân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đang điêu đứng vì giá mì (sắn) năm nay rớt thê thảm, chỉ bằng 1/4 năm trước nhưng cũng không ai mua.
Hàng ngàn hộ dân là người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đang điêu đứng vì giá mì (sắn) năm nay rớt thê thảm, chỉ bằng 1/4 năm trước nhưng cũng không ai mua. Hiện trên địa bàn huyện, một lượng lớn mì đã đến kỳ thu hoạch vẫn phơi nắng trên rẫy.
. Mì rớt giá thê thảm
Đối với đồng bào DTTS huyện Khánh Vĩnh, mì là cây lương thực quan trọng trong cơ cấu cây trồng và gắn bó rất lâu đời với bà con. Diện tích mì hàng năm luôn duy trì từ 1.000 - 1.200ha. Riêng niên vụ mì vừa qua, do giá mì tăng cao nên bà con đã phá bỏ nhiều loại cây trồng khác, mở rộng diện tích mì lên hơn 1.830ha. Tuy nhiên, hiện nay đã vào vụ thu hoạch được 4 tháng, nhưng giá mì liên tục hạ và vắng bóng tư thương thu mua khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Theo phản ánh của người dân, nếu như năm trước giá mì có lúc đạt hơn 3.000 đồng/kg, thì vụ mì năm nay, người dân chỉ bán được với giá từ 500 - 700 đồng/kg, đã thế rất ít người hỏi mua. Do không bán được mì, nhiều người chuyển sang đi làm thuê, vào rừng chặt lồ ô kiếm sống qua ngày.
Mì rới giá, chất đống không ai mua. |
Gia đình anh Cao Diện (thị trấn Khánh Vĩnh) trồng 2ha mì. Năm ngoái, cũng với diện tích này, anh thu được 24 triệu đồng, nhưng năm nay thì trắng tay. “Nhìn hàng chục tấn mì đang tàn lụi và thối từng ngày mà đắng lòng! Năm nay, đầu vụ, có hộ gia đình nhanh tay nhổ mì nên bán được chút ít với giá 700 đồng/kg, nhưng đến thời điểm này giá chỉ còn 500 đồng, thu hoạch không đủ trả tiền công nên đành bỏ thí” - anh Diện cho biết. Không còn cách nào khác, rất nhiều người dân đành nhổ mì đem cho… bò ăn. Một số ít gia đình có vốn đầu tư thì trồng cây khác, số còn lại đi làm thuê, nếu không ai thuê thì vào rừng hái măng đem bán, mua gạo ăn qua ngày.
. Đầu ra cho nông sản vẫn bế tắc
Không riêng gia đình anh Diện, hàng trăm hộ dân sản xuất mì trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh năm nay cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, hiện chưa có biện pháp tháo gỡ. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, tính đến thời điểm này, toàn huyện mới thu hoạch khoảng hơn 500ha mì. Giá mì hiện chỉ còn 500 đồng/kg củ tươi nên số diện tích còn lại, bà con nông dân hầu như không muốn thu hoạch và cũng không có người thu mua. Do đó, nguy cơ bà con bị đói giáp hạt năm nay rất cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ mì năm nay, những doanh nghiệp thu mua mì trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh nói riêng và Khánh Hòa nói chung hoạt động cầm chừng, vì thế khâu tiêu thụ sản phẩm cho người dân gặp khó.
Những năm qua, việc tiêu thụ nông sản của bà con DTTS trên địa bàn tỉnh luôn là nỗi lo của các cấp chính quyền, vì thế, cách đây 4 năm, Khánh Hòa đã thành lập Công ty Thương mại dịch vụ miền núi, với chức năng chính là thu mua nông sản và cung ứng vật tư cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Tuy nhiên, từ đó đến nay nông sản của người dân vẫn bế tắc đầu ra.
Đối với đồng bào DTTS huyện Khánh Vĩnh, mỗi khi các loại nông sản mất giá là bà con lao đao với cảnh chạy ăn từng bữa. Khánh Vĩnh hiện còn 2.767 hộ nghèo, chiếm 34,68%; 1.818 hộ cận nghèo, chiếm 22,76%, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS. Trong tình cảnh nông sản do nông dân làm ra liên tục mất giá như hiện nay, nếu chính quyền không kịp thời can thiệp tháo gỡ, rất có thể các hộ đang có mức thu nhập trung bình ở Khánh Vĩnh năm nay lại rơi xuống cận nghèo và hộ cận nghèo sẽ tái nghèo.
THANH NGA
Ông Nguyễn Văn Trạnh, Phó Ban Dân tộc miền núi tỉnh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: “Công ty Thương mại dịch vụ miền núi được thành lập và trực thuộc huyện Khánh Vĩnh quản lý, nhưng hoạt động rất kém hiệu quả và đứng trước nguy cơ đóng cửa. Vì thế, bài toán thu mua nông sản cho người dân Khánh Vĩnh vẫn chưa được giải quyết, giá mì và các loại nông sản khác vẫn trôi nổi và bị thao túng vào thời điểm chính vụ, khiến người dân thiệt thòi. Huyện Khánh Vĩnh đã nhiều lần kiến nghị các cấp, ngành, nhưng giải pháp thu mua nông sản, chống ép giá đối với các loại nông sản của bà con nông dân vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng”.