Xã Ninh Quang là nơi trồng nhiều cau nhất ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Thôn có mật độ trồng cau lớn nhất là thôn Thuận Mỹ, đến nay vẫn còn lưu giữ những vườn cau tập trung, hiếm gặp. Do đầu ra của quả cau ngày càng thu hẹp, nên nhiều hộ trồng cau buộc phải chuyển sang trồng dừa, điều này làm nghề trồng cau bị mai một dần…
Xã Ninh Quang là nơi trồng nhiều cau nhất ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Thôn có mật độ trồng cau lớn nhất là thôn Thuận Mỹ, đến nay vẫn còn lưu giữ những vườn cau tập trung, hiếm gặp. Do đầu ra của quả cau ngày càng thu hẹp, nên nhiều hộ trồng cau buộc phải chuyển sang trồng dừa, điều này làm nghề trồng cau bị mai một dần…
Đến Ninh Quang, đi đâu cũng thấy cau, đa số những cây cau được trồng hàng chục năm, là biểu tượng cho nét đẹp của làng quê thanh bình, mộc mạc. Thôn Thuận Mỹ là thôn có nhiều cau nhất, đến nay vẫn còn nhiều vườn cau trồng tập trung, không như những nơi khác, cau chỉ trồng theo hàng rào, mương nước… Bà Lê Thị Ánh Tuyết (thôn Thuận Mỹ) cho biết, ở đây đất vườn rất nhiều, không biết làm gì ngoài trồng cau bởi làng Thuận Mỹ có truyền thống trồng cau. Phong trào trồng cau phát triển mạnh, hộ nào cũng trồng cau. Trồng cau rất ít tốn sức, cây cau không kén đất, miễn sao có nước, có độ ẩm, hàng năm chỉ cần bổ sung một ít phân chuồng, đắp nước là cau phát triển tốt. Bà Tuyết có vườn cau được trồng tập trung cỡ 1 sào (500m2), trước đây quả cau sử dụng vào nhiều việc, giá cao, tiền bán cau mỗi năm cũng kiếm hơn 8 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra của quả cau kém. Tới mùa, bán trọn gói cho thương lái, 120 cây cau chỉ được 5 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hoàn Mỹ (thôn Thuận Mỹ) cũng có vườn cau tập trung rất tốt tươi, bao quanh ngôi nhà mới xây khang trang. Bà Mỹ cho biết, sau năm 1987, hai vợ chồng bà nghỉ việc Nhà nước, về đây mua đất. Đây là khu vực đất trũng, làm lúa dễ bị ngập úng, gà, chuột phá hoại, giảm năng suất nên vợ chồng bà bèn nâng đất trồng cau, vì lúc này cau đang có giá. Những năm trước, quả cau còn sử dụng nhiều nên giá cao, vợ chồng bà có thêm thu nhập từ cây cau, trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Những năm gần đây, cau ít sử dụng, giá cau cũng thấp. Cả vườn 500m2, gần 200 cây cau nhưng đến mùa tiền bán cau không quá 5 triệu đồng.
Làng cau Ninh Quang đang mai một vì đầu ra của quả cau bị thu hẹp. |
Quả cau ngày càng bị “thất sủng” do nhu cầu sử dụng thu hẹp: người lớn tuổi nay không còn tập tục ăn trầu; nghi thức cưới xin, dạm hỏi cũng giảm bớt thủ tục, không còn nề hà, câu nệ như trước. Quả cau bây giờ chỉ trông chờ vào việc chế biến kẹo cau nhưng điều này lại phụ thuộc vào thị trường. Khánh Hòa hiện không có cơ sở chế biến kẹo cau. Bà Tuyết cho biết, năm nào có tư thương ngoài Bắc vào thu mua, chế biến thì năm đó cau tạm thời tiêu thụ được nhưng giá cũng không cao. Từ tháng 7 âm lịch, tư thương vào mở lò sấy cau, thu mua, sơ chế cho đến Tết Nguyên đán, hết mùa cau bán sang thị trường Trung Quốc. Năm nào tư thương không thu mua kể như năm đó cau ế ẩm, giá bèo.
Giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường, vào thương lái và việc chế biến khiến cho nhiều người nản lòng, phá cau chuyển sang trồng dừa, có hiệu quả kinh tế hơn. Bà Tuyết đang trồng xen dừa vào vườn cau, ý định của bà là dừa lớn sẽ phá bỏ cau. Bà Mỹ cũng đang đưa cây dừa vào trồng, vì cây dừa cho thu nhập cao hơn.
Theo ông Trương Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quang, cây cau là cây truyền thống của làng quê Ninh Quang, cần được lưu giữ như nét đẹp của nông thôn Việt Nam. Nếu không có những hàng cau thẳng đứng, làng quê như mất đi vẻ đẹp rất riêng của mình. Xã không khuyến khích trồng cau nhưng cũng không vận động phá bỏ cau mà chỉ khuyến khích chuyển đổi cây trồng thích hợp cho năng suất, hiệu quả. Hiện đầu ra của quả cau rất khó khăn, người thu mua ít, chỉ tập trung bán cho các lò sấy vào mùa thu hoạch nhưng do người ở địa phương khác tới làm. Có 2 lò sấy đặt tại thôn Thuận Mỹ và Quang Vinh, nhưng hoạt động không thường xuyên, năm có năm không. Do đó, cau ngày càng mai một, nhiều người không còn mặn mà với việc duy trì cây cau….
Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều cây trồng được xem là thế mạnh bị “thất sủng” do không tìm được thị trường, đầu ra gặp khó khăn khiến nhiều làng nghề, nhiều cây trồng, vật nuôi bị mai một. Làm gì để giữ gìn nét văn hóa của làng quê Việt Nam và thế mạnh của các địa phương là câu hỏi lớn đòi hỏi chính quyền, các ngành cần trả lời trong thời kỳ xây dựng nông thôn mới. Giữ được làng cau, nghiên cứu chế biến sản phẩm cau, phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng là những hướng đi rất đáng được xem xét, đầu tư…
QUANG VIÊN