11:04, 25/04/2012

Góp thêm một địa điểm tham quan tại Nha Trang

Cùng với các khu trưng bày khác, Bảo tàng Viện Hải dương học (TP. Nha Trang) đã mở cửa khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Sau hơn 9 tháng mở cửa đón khách, khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa....

Cùng với các khu trưng bày (KTB) khác, Bảo tàng Viện Hải dương học - HDH (TP. Nha Trang) đã mở cửa KTB tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Sau hơn 9 tháng mở cửa đón khách, KTB tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đã tạo được sự thích thú cho khách du lịch khi tham quan tại đây, đồng thời cung cấp thêm thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Được bố trí trong đường hầm ăn sâu vào lòng núi, giáp với khu du lịch Bảo Đại, ngay khi bước chân vào đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bản đồ về huyện Trường Sa được ghép từ những hạt cà phê của TP. Buôn Ma Thuột, do Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang thực hiện. Với kích thước 18m2, trọng lượng 600kg, do 200 người ghép thành, bản đồ này đã đạt kỷ lục là bản đồ ghép bằng hạt cà phê lớn nhất và có đông người ghép nhất ở Việt Nam. Không chỉ ấn tượng về trọng lượng và kích cỡ, bản đồ này còn hấp dẫn du khách bởi có bố trí hình ảnh trống đồng Đông Sơn, những cuộc ra khơi của người xưa đi khám phá vùng đất mới…

Bản đồ về huyện Trường Sa được ghép từ những hạt cà phê của TP. Buôn Ma Thuột gây ấn tượng với du khách ngay khi bước chân vào khu trưng bày.
Bản đồ về huyện Trường Sa được ghép từ những hạt cà phê của TP. Buôn Ma Thuột gây ấn tượng với du khách ngay khi bước chân vào khu trưng bày.

Với sự sắp xếp khéo léo, theo từng chủ đề, KTB về tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa giúp du khách khám phá sự hấp dẫn, phong phú, vẻ đẹp tài nguyên biển ở 2 nơi này. Đón du khách ngay khi bước vào đường hầm là mẫu vật con trai khổng lồ dài gần 1m, nặng 145kg, thu được ở vùng biển Trường Sa vào tháng 4-1991. Kế đến là hệ thống hồ nuôi sinh vật biển đẹp sặc sỡ với những động vật giáp xác, các loài cá, động vật thân mềm, rạn san hô… có ở Trường Sa, Hoàng Sa. Đặc biệt là loài cá Nemo (khoang cổ) có bố mẹ lấy từ Trường Sa, được Viện HDH đem về cho sinh sản nhân tạo. Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng các mẫu sinh vật thu được ở 2 quần đảo này như cá thu, cá ngừ, cá mặt trăng, cá mập, cá giống sam, ốc xà cừ, ốc gai trắng, ốc kim khôi, ốc tù và, các loài san hô…. Khu trưng bày còn giới thiệu nhiều mẫu vật địa chất biển được lấy từ 2 quần đảo trên trong những chuyến điều tra, khảo sát. Trong đó, nổi bật là bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh (Trường Sa) năm 1989. Chị Mokretcova Nina (du khách Nga) cho biết: “Trên các phương tiện truyền thông, tôi có nghe nói về Hoàng Sa và Trường Sa. Khi tới Viện HDH tham quan, tôi đã đến KTB tài nguyên biển của Hoàng Sa và Trường Sa và nghe hướng dẫn viên thuyết trình. Qua đó, tôi hiểu thêm được nhiều về 2 quần đảo này cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo tôi, trong bảng giới thiệu, hướng dẫn, các bạn nên dịch thêm tiếng Nga vì hiện nay du khách Nga đến Việt Nam khá đông”. Chị Hoàng Dung, du khách ở TP. Hồ Chí Minh nói: “Tham quan KTB về tài nguyên biển Hoàng Sa, Trường Sa giúp tôi có cái nhìn tổng thể và ngày càng yêu mến hơn 2 quần đảo này. Sau này có dịp, tôi sẽ đưa các con tôi ra đây để các cháu hiểu thêm giá trị các quần đảo Việt Nam”.

u khách tham quan khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Du khách tham quan khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngoài các hồ nuôi sinh vật sống và mẫu vật giới thiệu về tài nguyên biển ở Hoàng Sa, Trường Sa, KTB còn có nhiều ấn phẩm sách báo, tạp chí, ảnh chụp, hình vẽ và bản đồ nghiên cứu, khảo sát, đo đạc và xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã công bố trong và ngoài nước của Việt Nam; các tài liệu, tư liệu lịch sử về các đợt nghiên cứu, khảo sát khoa học tại 2 quần đảo này. Đến đây, du khách có thể thấy một số văn bản về quản lý, khảo sát Hoàng Sa: Lệnh cử người đi Hoàng Sa của quan Bố Án năm 1834; Công dụ thưởng phạt đoàn đo đạc Hoàng Sa của Thủy Sứ Suất đội Phạm Văn Biện, Minh Mạng năm thứ 18 ngày 13-7; Phiên bộ công về việc cung cấp bài gỗ cắm mốc cho đoàn đo đạc Hoàng Sa của đội trưởng Hoàng Hữu Nhật, Minh Mạng năm thứ 17 ngày 12-2; Sắc lệnh ngày 18-8-1941 của Khâm sứ Trung Kỳ cử người ra quản lý đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa…; hình ảnh sinh hoạt đời thường của người dân ở Hoàng Sa, Trường Sa xưa và nay; các hình ảnh về lễ khao lề thề lính Hoàng Sa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi); về thuyền của đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII; một số công trình xây dựng trên các đảo ở Trường Sa; các chuyến khảo sát, nghiên cứu khoa học của tàu De Lanessan (năm 1926, 1930), tàu Oparin (Hợp tác Việt Nga năm 2007), các hoạt động nghiên cứu khoa học trong chuyến khảo sát Biển Đông JOMSRE (năm 2007, hợp tác Việt Nam - Philippines)… Nằm riêng biệt, bản đồ địa hình đáy biển Việt Nam và các vùng lân cận, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tạo thêm điểm nhấn cho KTB. Bản đồ này giúp du khách có cái nhìn tổng quan về vị trí, độ sâu và chủ quyền của biển đảo Việt Nam

Ông Bùi Quang Nghị - Phó Trưởng phòng Quản lý chuyên môn Bảo tàng Viện HDH Nha Trang cho biết: “Việc xây dựng KTB tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa nhằm giúp công chúng trên mọi miền đất nước hiểu rõ các giá trị kinh tế, tài nguyên biển đảo, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng… trên hai quần đảo này; qua đó giúp người dân có ý thức và thêm yêu quý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc”.

THẢO LY