02:04, 15/04/2012

Hạ trần lãi suất, ngân hàng bắt đầu vào cuộc

 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất và giảm các lãi suất chủ chốt, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt tung ra các chương trình tín dụng mới với điểm nhấn là “ưu đãi”.

 

 

Ở khía cạnh thông tin công bố, hầu hết các ngân hàng đều nhấn mạnh các chương trình được tung ra là có ưu đãi, nhằm kích thích các nhu cầu vay vốn.
Ở khía cạnh thông tin công bố, hầu hết các ngân hàng đều nhấn mạnh các chương trình được tung ra là có ưu đãi, nhằm kích thích các nhu cầu vay vốn.

 

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất và giảm các lãi suất chủ chốt, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt tung ra các chương trình tín dụng mới với điểm nhấn là “ưu đãi”.

Những điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11-4-2012. Ngay sau khi công bố, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là thành viên sớm nhất công bố gói tín dụng mới.

Cụ thể, Eximbank thông báo dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Và ngay trong ngày đầu tiên chính sách có hiệu lực, một “ông lớn” quốc doanh cũng nhập cuộc và khá mạnh tay.

Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường được giảm tới 2,5%/năm; cho vay trung dài hạn thông thường giảm 1,5%/năm; đặc biệt là cho vay bất động sản được áp dụng như cho vay thông thường. Với cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên, mức giảm của BIDV có từ 2% - 2,2%/năm.

Với Ngân hàng Công thương (VietinBank), dường như đã “cảm nhận” trước bước đi tiếp theo của chính sách, ngày 5-4 ngân hàng này đã sớm công bố giảm lãi suất cho vay; áp ở mức khá thấp từ 14% - 15% đối với các lĩnh vực ưu tiên (lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa…). Hiện chưa rõ liệu VietinBank có tiếp tục giảm lãi suất sau điều chỉnh chính thức của Ngân hàng Nhà nước hay không?

Tại một số thành viên khác, sự bắt nhịp chính sách cũng kịp thời. Như Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) ngày 11-4 công bố triển khai chính sách tín dụng mới, trong đó có ưu tiên cho mục đích vay mua nhà, mua ôtô... Với lĩnh vực công nghệ, mức lãi suất thấp nhất được áp dụng là 14%/năm.

Hay tại Ngân hàng An Bình (ABBank), một gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, hay doanh nghiệp tư nhân vay mua nhà/đất, xây dựng/sửa chữa nhà cũng đã được triển khai với lãi suất cho vay là 18,5%/năm, lãi tính trên dư nợ giảm dần; hạn mức tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo với thời hạn vay lên tới 20 năm.

Và ngay sau khi quyết định điều chỉnh trần và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, ABBank tiếp tục đưa ra gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng, dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Trong những ngày tới, thị trường có thể tiếp tục đón thêm những thành viên mới nhập cuộc. Ở khía cạnh thông tin công bố, hầu hết các ngân hàng đều nhấn mạnh các chương trình được tung ra là có ưu đãi, nhằm kích thích các nhu cầu vay vốn.

Còn thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống rất thấp từ đầu năm đến nay là một áp lực nhất định để các nhà băng kích cầu. Mặt khác, sớm đưa ra các chương trình ưu đãi và lãi suất cho vay hấp dẫn đồng nghĩa với khả năng thu hút khách hàng về phía mình.

Nhìn từ phía ngân hàng, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank, nhìn nhận rằng: thời gian qua, đón đầu xu hướng giảm lãi suất, các dòng tiền gửi đã có sự cơ cấu với các kỳ hạn dài hơn trước đây; điều này giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong cân đối nguồn và chủ động hơn trong điều chỉnh lãi suất và giải ngân.

Theo VnEconomy