09:04, 07/04/2012

Chọn 5 ngân hàng “mở hàng” nghị định vàng?

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu 5 ngân hàng thương mại báo cáo nhanh tình hình mạng lưới mua - bán vàng miếng hiện nay để chuẩn bị cho kế hoạch mới.

 

Sự “khẩn trương” mà Ngân hàng Nhà nước đề cập nằm trong yêu cầu giữ thông suốt và tránh những xáo trộn trên thị trường khi nghị định có hiệu lực.
Sự “khẩn trương” mà Ngân hàng Nhà nước đề cập nằm trong yêu cầu giữ thông suốt và tránh những xáo trộn trên thị trường khi nghị định có hiệu lực.

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu 5 ngân hàng thương mại báo cáo nhanh tình hình mạng lưới mua - bán vàng miếng hiện nay để chuẩn bị cho kế hoạch mới.

Cụ thể, ngày 3-4-2012, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 1873/NHNN-QLNH yêu cầu Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) báo cáo về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, yêu cầu trên là để khẩn trương triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng đáp ứng nhu cầu mua, bán vàng miếng của người dân trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Theo đó, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần nói trên và SJC báo cáo chi tiết về mạng lưới mua, bán vàng miếng hiện nay của mỗi đơn vị.

Nhóm đầu mối trên cũng phải báo cáo kế hoạch, khả năng triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng trong hệ thống (trong đó có lộ trình mở rộng mạng lưới các chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng).

Báo cáo trên phải gửi về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 9-4-2012.

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đưa ra cùng với thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định về quản lý kinh doanh vàng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/5 tới, trong đó quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, quy định điều kiện tổ chức kinh doanh mua bán vàng miếng…

Theo đó, có thể 5 ngân hàng trên và SJC sẽ là nhóm đầu tiên tham gia triển khai nghị định ở nội dung tổ chức mua bán vàng miếng. Sự “khẩn trương” mà Ngân hàng Nhà nước đề cập cũng nằm trong yêu cầu tạo sự thông suốt trong giao dịch, tránh những xáo trộn trên thị trường khi nghị định có hiệu lực.

Đó cũng là nhóm thành viên được lựa chọn để triển khai giải pháp bình ổn thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ tháng 10/2011: cho mở lại tài khoản vàng ở nước ngoài, cho phép chuyển đổi với tỷ lệ tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ thành tiền để tạo cung tại các thời điểm cần thiết…

Liên quan đến cơ chế của nhóm thực hiện giải pháp đó, có một câu hỏi còn để ngỏ: theo quy định, đến 1-5-2012, các tổ chức tín dụng phải chấm dứt hoạt động huy động vàng, vậy 5 ngân hàng nói trên có phải tuân thủ quy định này không, hay có một cơ chế riêng?

Hiện các thành viên đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng đang nghiên cứu để xử lý.

Sáng 5-4, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại. Có thể việc triển khai nghị định về quản lý kinh doanh vàng cũng sẽ được đưa ra thảo luận và định hướng (?).

Còn trong nghị định vừa ban hành, có một điểm được nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã có định hướng là sẽ tổ chức hệ thống đại lý huy động vàng; các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho Ngân hàng Nhà nước trong việc huy động vàng.

“Với hình thức này, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các tổ chức tín dụng. Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói.

Hiện chưa rõ cơ chế huy động và làm đại lý cụ thể như thế nào, nhưng chắc chắn cửa huy động vàng sẽ không khóa chặt sau thời điểm 1/5/2012, mà sẽ có cơ chế mới. Gửi vàng tại ngân hàng cũng là một nhu cầu thực tế và chính đáng của người dân, khi quyền sở hữu và cất giữ được pháp luật bảo hộ. Huy động và sử dụng nguồn lực đó là mục đích Ngân hàng Nhà nước đang ngắm tới.

Và có thể nhóm 5 ngân hàng nói trên cũng sẽ là những thành viên đầu tiên tham gia cơ chế huy động mới.

Theo VnEconomy