10:04, 22/04/2012

Cẩn trọng với cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản

Thời gian qua, thị trường chứng khoán bất ngờ hồi phục mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư “đổ tiền” vào các cổ phiếu thuộc dòng chứng khoán, bất động sản, khiến các cố phiếu này tăng giá.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) bất ngờ hồi phục mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư “đổ tiền” vào các cổ phiếu (CP) thuộc dòng CK, bất động sản (BĐS), khiến các CP này tăng giá.

. Đầu tư 2 tháng, sinh lợi gấp 3

Từ trung tuần tháng 2 đến nay, hầu hết các CP nhóm ngành CK, BĐS đều tăng giá mạnh. Nhiều CP tăng giá gấp 3 lần chỉ trong vòng 2 tháng. Điển hình như mã APS (Công ty CK Châu Á - Thái Bình Dương) giá từ 1.800 đồng/CP (ngày 25-2) đã tăng tới 5.300 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 19-4 (tăng 295%); mã VDS (Công ty CK Rồng Việt) tăng 260% khi từ 2.700 đồng/CP (trong tháng 2) lên 6.100 đồng/CP trong ngày 18-4; mã DXG (Địa ốc Đất Xanh) từ 6.900 đồng/CP tăng lên 16.600 đồng/CP (tăng 240%)…

Có thể thấy, những CP tăng “nóng” thời gian qua đều là những CP giá thấp, tình hình kinh doanh thua lỗ nặng nề, thậm chí có những CP tưởng chừng như phải hủy niêm yết. Thế nhưng, nhà đầu tư dường như phớt lờ những thông tin xấu, bất lợi này, cứ thoải mái “lướt sóng” vì khoản lợi nhuận trước mắt quá hấp dẫn. Anh Nguyễn Đình Trung (ở Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang) cho biết: “Sau Tết Nguyên đán, tôi dồn tiền mua các CP ngành Ngân hàng, các CP này đều tăng giá trung bình từ 30 đến 60%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, CP này có dấu hiệu đi xuống nên tôi bán chốt lời, chuyển sang mua các CP nhóm ngành BĐS theo sự tư vấn của nhiều người. Lúc đầu, tôi cũng lo lắng vì thị trường BĐS vẫn đang “đóng băng”, chưa có sự chuyển biến đáng kể; nhưng từ trung tuần tháng 2, không hiểu sao giá CP của các công ty BĐS đang niêm yết lại ngày một tăng giá và tăng trần trong nhiều phiên giao dịch liên tục. Chưa đầy một tháng, giá nhiều CP đã tăng gấp đôi. Thử hỏi, với mức lợi nhuận “khủng” như thế, làm sao nhà đầu tư có thể làm ngơ?”.

. Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, sự hồi phục của nhóm CP ngành CK, BĐS nói riêng và TTCK nói chung chủ yếu do tình hình vĩ mô đã được cải thiện đáng kể trong vài tháng gần đây, trong đó nổi bật là lạm phát liên tục giảm. Ngoài ra, sự “bùng nổ” của nhóm CP này còn do tác động của một loạt chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng như: hạ trần lãi suất huy động xuống 12%, các ngân hàng cởi nút thắt cho vay BĐS, tiêu dùng. Các chính sách này nhằm giải cứu hàng loạt doanh nghiệp nói chung đang đứng trên bờ vực phá sản và vực lại khu vực sản xuất trong nước vốn đang có dấu hiệu đình trệ. Tất cả những chuyển biến và động thái đó đã khiến cho nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục ngoạn mục của các doanh nghiệp CK và BĐS.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra hiện nay là đã có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi hay chưa? Lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức rất cao (17 - 19%) cộng với sức cầu của nền kinh tế thấp thì việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất, phát triển dự án… có lẽ không phải là ưu tiên của các doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng vẫn còn hạn chế trong cho vay đầu tư nhà đất, kinh doanh CK. Nguồn vốn dành cho lĩnh vực này rất ít, làm cho hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Vì thế, việc tăng giá “nóng” của các CP CK, BĐS tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các nhà đầu tư nếu đầu tư theo kiểu “một mất một còn” vào các CP trên là khá mạo hiểm.

Như diễn biến của TTCK trong những năm qua thì giá CP có thể trồi sụt bất thường, không theo một quy luật nhất định (CP CK, BĐS sẽ không ngoại lệ). Hiện tượng các CP tăng mạnh mà không dựa vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp có thể sẽ khiến TTCK nhanh chóng mất đà và giảm mạnh. Nhà đầu tư nên có sự lựa chọn thông minh, tránh đi vào tâm “bão” khi có những đợt “sóng” lớn.

LÊ NGUYÊN