Qua hàng chục năm hoạt động, các lò gạch thủ công tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã “biến” nhiều diện tích đất nông nghiệp thành ao hồ và gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh.
Qua hàng chục năm hoạt động, các lò gạch thủ công (LGTC) tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã “biến” nhiều diện tích đất nông nghiệp thành ao hồ và gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh. Chủ trương xóa bỏ LGTC đã có từ nhiều năm nay, thị xã Ninh Hòa cũng có chủ trương đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Ninh Xuân để di dời các lò gạch, tuy nhiên, đến nay việc di dời, xóa bỏ LGTC vẫn chưa có hồi kết…
Những năm qua, hoạt động của các lò gạch đã “nuốt” khá nhiều diện tích đất nông nghiệp. Thực tế qua nhiều năm hoạt động, các lò gạch tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đang phải đối diện với việc thiếu nguyên liệu sản xuất. Ông Nguyễn Rụm - chủ một cơ sở sản xuất gạch tại xã Ninh Xuân cho biết, hiện nay, các lò gạch tại địa phương đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, trung bình mỗi tháng cơ sở của ông sản xuất 200 nghìn viên gạch đất sét nung, cần khoảng 120 tấn đất sét nguyên liệu. Trước đây, đất sét có sẵn tại địa phương, vận chuyển rất gần. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn nguyên liệu tại địa phương không còn, các lò gạch phải mua lại đất sét từ nhiều nơi khác trong tỉnh với giá 480 nghìn đồng/xe. Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất 1.000 viên gạch đất sét nung tiêu tốn trung bình 1,5m3 đất sét, tùy theo gạch đặc hay rỗng. Nếu lấy trung bình khai thác 1m2 đất được 2m3 đất sét làm gạch thì để đạt sản lượng 400 tỉ viên gạch sản xuất từ năm 2008 đến năm 2020, cả nước phải tiêu tốn khoảng 600 triệu m3 đất sét, tương đương với 30.000ha đất canh tác, bình quân mỗi năm mất 2.500ha. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của nước ta.
Sản xuất gạch đất sét nung tại một cơ sở sản xuất gạch tại xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa). |
Hoạt động của các LGTC không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích đất nông nghiệp, mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Dọc theo Quốc lộ 26 đoạn qua các xã Ninh Phụng, Ninh Xuân - “thủ phủ” của gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, hiện có hàng chục LGTC đang hoạt động xen lẫn trong các khu dân cư. Tại xã Ninh Xuân hiện có trên dưới 60 cơ sở sản xuất gạch thủ công còn hoạt động. Ông Võ Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: “Các lò gạch tại Ninh Xuân đã tồn tại khoảng 20 năm nay. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, các lò gạch còn ảnh hưởng đến năng suất của nhiều loại cây ăn trái của nông dân. Đặc biệt, những cơ sở sản xuất gạch xung quanh các trường học có ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của các trường”.
Nhận thức được vấn đề ô nhiễm môi trường do các lò gạch gây ra, từ năm 2004, thị xã Ninh Hòa đã có chủ trương xây dựng Cụm Công nghiệp Ninh Xuân, giai đoạn 1 của cụm công nghiệp này có quy mô gần 50ha, tổng mức đầu tư hơn 144 tỷ đồng, nhằm mục tiêu di dời các lò gạch vào sản xuất tập trung. Theo chủ một số cơ sở sản xuất gạch, họ muốn chuyển vào Cụm công nghiệp để cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi gạch làm thủ công như hiện nay chất lượng thấp nên rất khó cạnh tranh với gạch tuy-nen. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp chưa được triển khai xây dựng nên mọi việc vẫn như cũ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm khi xóa bỏ các lò gạch thủ công. |
Chính phủ đã có chủ trương đến năm 2010, các địa phương phải hoàn thành việc xóa bỏ các lò gạch gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay còn nhiều hộ dân vẫn mưu sinh bằng cách “gắn bó” với các LGTC. Một số gia đình sản xuất với quy mô nhỏ, khi ngưng sản xuất đã nhanh chóng lâm vào cảnh khó khăn. Chị Phạm Thị Lý, chủ một LGTC tại xã Ninh Xuân cho biết: “Từ ngày thực hiện thông báo ngừng sản xuất của thị xã, đời sống của gia đình tôi gặp không ít khó khăn. Tuy rất muốn tiếp tục gắn bó với nghề sản xuất gạch nhưng gia đình tôi không có vốn để chuyển đổi công nghệ, vào sản xuất tại cụm công nghiệp”. Không riêng gia đình chị Lý, nhiều gia đình có nhiều năm sản xuất gạch tại xã Ninh Xuân cũng lâm vào cảnh khó khăn sau khi ngưng sản xuất.
Cũng theo ông Võ Hương, xã Ninh Xuân hiện có khoảng 1.500 lao động trực tiếp tại các lò gạch, đời sống của hàng nghìn người dân sẽ bị ảnh hưởng nếu xóa bỏ hoàn toàn các LGTC. Trong số các cơ sở sản xuất gạch thủ công tại địa phương chỉ có chưa đến 15% số cơ sở có điều kiện chuyển đổi công nghệ để vào sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp. Các lò gạch còn lại rất mong tỉnh có sự hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.
Xóa bỏ LGTC gây ô nhiễm và “nuốt” đất nông nghiệp là chủ trương đúng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn nhiều LGTC đang hoạt động xen lẫn trong các khu dân cư ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bởi việc đảm bảo đời sống cho hàng nghìn người dân vốn gắn bó với các lò gạch sau khi xóa bỏ LGTC vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Bài và ảnh: BÍCH LA