06:03, 06/03/2012

Thiệt hại 280 tỷ đồng mỗi năm

Khánh Hòa có đội tàu hơn 10.100 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 70.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng hơn 300 triệu USD.

Khánh Hòa có đội tàu hơn 10.100 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 70.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, do công nghệ bảo quản sau khai thác lạc hậu, không đúng quy cách, tổn thất sau thu hoạch của ngư dân Khánh Hòa ở mức rất cao, chiếm trên 20% sản lượng khai thác, tương đương 14.000 tấn, thiệt hại ước 280 tỷ đồng mỗi năm.

. Công nghệ bảo quản lạc hậu, hiệu quả thấp

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 10.100 tàu cá các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển là Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh và TP. Nha Trang. Trong đó, nghề lưới kéo có 1.240 tàu, lưới rê 3.144 tàu, lưới vây 1.812 tàu, nghề câu 1.695 tàu, các nghề khác trên 2.200 tàu. Thống kê sơ bộ từ các địa phương, số tàu cá dưới 20CV có 6.202 tàu, từ 20 - <50CV có 2.363 tàu, từ 50 - <90CV có 738 tàu, từ 90 - 400CV có 742 tàu… Những năm gần đây, lĩnh vực khai thác thủy sản đã có những biến chuyển mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch theo hướng cơ giới hóa. Theo đó, sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh hàng năm đạt trên 70.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 30 triệu USD. Tuy nhiên, do công nghệ bảo quản sau khai thác lạc hậu, không đúng quy cách, tổn thất sau thu hoạch của ngư dân Khánh Hòa ở mức rất cao, chiếm trên 20% sản lượng khai thác, tương đương 14.000 tấn, thiệt hại ước khoảng 280 tỷ đồng mỗi năm.

1
Tàu cá lấy đá xay tại Cảng cá Hòn Rớ trước lúc ra khơi.

Trên thực tế, trong quá trình khai thác, ngư dân Khánh Hòa vẫn thường áp dụng các phương pháp bảo quản thủy sản như: hầm chứa sản phẩm cách nhiệt bằng xốp ghép, thùng chứa rời, bảo quản sống…, thậm chí có những tàu vẫn bảo quản theo phương pháp thuyền thống là ướp muối. Những năm gần đây, số lượng tàu cá tăng lên rất nhanh, nhưng chủ yếu là tàu nhỏ, không có hoặc có nhưng rất hạn chế về điều kiện bảo quản, trên tàu cũng không có mặt bằng để lựa chọn, phân loại hải sản. Nhiều tàu không thiết kế hầm bảo quản sản phẩm riêng, hoặc có nhưng làm bằng các vật liệu không bảo đảm cách nhiệt tốt, thậm chí ngư dân còn dùng bạt nhựa để làm hầm chứa. Hải sản sau khi đánh bắt chủ yếu được bảo quản bằng đá xay, thời gian bảo quản tối đa không quá 10 ngày. Chất lượng nước đá không đảm bảo, mất vệ sinh và không đủ độ lạnh, thời gian bảo quản ngắn. Ngư dân thường xếp thủy sản nhiều hơn định mức, dẫn đến cá bị bầm dập trước khi vào bờ, tạo điều kiện cho vi sinh xâm nhập sâu vào thịt cá, gây ảnh hưởng đến chất lượng. Công tác vệ sinh hầm bảo quản sau mỗi chuyến biển cũng không được tốt nên cá dễ bị nhiễm vi sinh ngay khi đưa vào hầm. Thời gian mỗi chuyến biển không ổn định, trúng đàn thì rút ngắn, không trúng thì kéo dài, giá nhiên liệu, chi phí liên tục tăng, ngư dân phải kéo dài chuyến biển để đảm bảo sản lượng đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hải sản.

. Chính sách chưa đến với ngư dân

2
Hải sản sau khi đánh bắt được chủ yếu được bảo quản bằng đá xay nên chất lượng không cao.

Ông Đào Công Thiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhìn chung, công nghệ bảo quản hải sản của ngư dân Khánh Hòa sau đánh bắt quá lạc hậu. Một phần do tập quán tiêu thụ thủy sản quá dễ dãi, cá ươn cũng bán được đã làm cho ngư dân ít quan tâm đầu tư khâu bảo quản trên tàu. Trong điều kiện thực tế hiện nay, nếu tổ chức được các tổ liên kết khai thác, tiêu thụ hải sản trên biển là phương thức tổ chức sản xuất tiết kiệm và hiệu quả nhất. Ngoài giảm được thời gian, phí tổn khi ra khơi, vào bờ, sản phẩm khi khai thác được bảo quản và sơ chế ngay trên biển sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Bởi từ trước tới nay, do thời gian khai thác kéo dài, chất lượng các loài hải sản của ngư dân khai thác được không đảm bảo, khi về bến tiêu thụ sản phẩm đều bị tư thương ép giá nên hiệu quả đạt thấp. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm hỗ trợ nông, ngư dân, các cơ sở sản xuất máy móc trong nước về vốn vay ưu đãi nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có quá nhiều rào cản khiến chính sách chưa đến được với nông, ngư dân; ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để mua máy móc, đầu tư làm hầm bảo quản hải sản. Lý do là muốn vay vốn, ngân hàng yêu cầu phải có thế chấp, trong khi tài sản đã thế chấp để vay vốn đóng tàu nên hầu hết ngư dân trong tỉnh chưa tiếp cận được nguồn vốn vay này. Mặt khác, muốn vay được vốn ưu đãi thì ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ, mua máy móc phải có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên. Nhưng hiện nay trên thị trường, máy móc do Việt Nam chế tạo rất hiếm, chất lượng cũng không bảo đảm, rồi khi cần hóa đơn doanh nghiệp lại tăng giá lên 10%, ngư dân không mặn mà.

Để giảm tổn thất trong thu hoạch hải sản, việc đầu tiên cần làm là đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình khai thác trên các tàu cá, đặc biệt là tàu đánh bắt xa bờ. Để làm được điều này, cần tạo mối gắn kết các chuỗi sản xuất giữa doanh nghiệp và ngư dân. Trên cơ sở đó, Nhà nước cũng cần có những thay đổi để ngư dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư công nghệ bảo quản, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực đánh bắt để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

ANH TUẤN