08:03, 20/03/2012

Nuôi ngan Pháp: Hiệu quả nhưng khó ở “đầu ra”

Ngan (vịt Xiêm) Pháp là loài thủy cầm được nhập vào nước ta từ năm 1992 với nhiều đặc tính ưu việt như: dễ thích nghi, nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thịt nhiều, giá trị kinh tế cao…

Ngan (vịt Xiêm) Pháp là loài thủy cầm được nhập vào nước ta từ năm 1992 với nhiều đặc tính ưu việt như: dễ thích nghi, nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thịt nhiều, giá trị kinh tế cao… Thấy được hiệu quả, anh Nguyễn Văn Thịnh (thôn Xuân Đông, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh đạn đầu tư nuôi ngan Pháp và khẳng định giá trị kinh tế của nó.

Với trình độ Trung cấp Chăn nuôi Thú y, anh Thịnh không bỏ sót một đối tượng chăn nuôi nào khi nhu cầu chuyển đổi vật nuôi đang rất mạnh vào đầu những năm 2000. Sau khi nghiên cứu tài liệu, sách báo và có người giới thiệu về giống ngan Pháp, anh tìm đến Trạm Khuyến nông EaKa (tỉnh Đắc Lắc) để học hỏi và mua về 100 con ngan Pháp. Sau 12 năm nuôi ngan Pháp, anh Thịnh khẳng định, ngan Pháp là loài dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao và hiệu quả hơn nhiều so với nuôi gà, vịt.

Theo anh Thịnh, chuồng trại chăn nuôi ngan Pháp rất đơn giản, chỉ cần mát vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông là bầy ngan có thể lớn nhanh, không phải tốn kém nhiều kinh phí, vật liệu để làm chuồng trại kiên cố. Trong khu vực nuôi đào ao hay rãnh nhỏ, làm bể nước nhân tạo cho ngan tắm, rửa lông. Thức ăn của ngan Pháp cũng giống như ngan nội gồm: bèo, rau, cám, lúa, có bổ sung cua, ốc, giun… Nếu nuôi thâm canh thì sử dụng các loại cám thực phẩm chuyên dụng. Tùy theo độ tuổi, có thể bổ sung vào khẩu phần các loại thực phẩm dễ tìm ở địa phương. Nuôi vỗ ngan bố mẹ, ngan con khẩu phần có khác hơn. Cần chú ý vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, nước tắm hàng ngày… Sử dụng chất độn chuồng như: rơm, cỏ khô, phôi bào, vệ sinh hàng ngày tránh ẩm mốc, bảo đảm nền chuồng luôn khô, thoáng. Ngan con cần được chụp sưởi, quây cót bảo đảm giữ nhiệt và tránh gió lùa….

Ngan (vịt Xiêm) Pháp là loài thủy cầm được nhập vào nước ta từ năm 1992 với nhiều đặc tính ưu việt như: dễ thích nghi, nuôi đơn giản, ít bệnh tật, thịt nhiều, giá trị kinh tế cao…
Nuôi ngan Pháp có nhiều ưu điểm nhưng còn khó “đầu ra”

Hiệu quả kinh tế của giống ngan Pháp rất lớn. Con trống nuôi 90 ngày có thể đạt trọng lượng 3,5 - 4kg/con, con mái nhỏ hơn nhưng sau 60 ngày nuôi có thể bán thịt, trọng lượng đạt 2kg/con. Với tính đề kháng cao, nuôi ngan ít tốn chi phí thú y nếu duy trì việc vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng tốt, bình quân một con ngan mái (60 ngày) lãi 35 ngàn đồng/con, ngan trống lãi 50 ngàn đồng/con. Nếu thị trường ưa chuộng có thể bán trứng hay bán ngan con làm giống. Hiện giá trứng giống là 7.000 đồng/trứng; ngan con 18.000 đồng/con.

12 năm nuôi ngan Pháp, cùng với vốn kiến thức đã học, anh Thịnh ngày càng dày dạn trong việc chăm sóc đàn ngan. Đàn ngan Pháp của anh có số lượng ổn định 1.000 con, trong đó mái đẻ 700 con. Anh Thịnh đã đầu tư máy ấp trứng do Hàn Quốc sản xuất (trị giá 30 triệu đồng/máy), công suất 2.000 trứng/mẻ (thời gian ấp 45 ngày). Trong điều kiện địa phương chưa phát triển mạnh nghề nuôi ngan Pháp nên “đầu ra” còn khó khăn. Hiện nay, thị trường chính của anh Thịnh vẫn là khu vực Tây Nguyên. Hàng tuần, anh đi lại như “con thoi” lên Tây Nguyên để giao dịch, mua bán và quan trọng hơn là học hỏi thêm kinh nghiệm của những lão nông tại vùng trọng điểm nuôi ngan Pháp này. Mỗi tháng anh xuất bán cho thị trường Đắc Lắc hơn 18 ngàn trứng phối giống.

Với nhiều ưu thế so với các loại gia cầm, thủy cầm khác như: thời gian nuôi ngắn, tăng trọng nhanh, thích nghi tốt các điều kiện khí hậu, thời tiết, sức đề kháng mạnh, ít bệnh tật, không cần đầu tư chuồng trại tốn kém, thức ăn đơn giản, dễ kiếm, thịt ngon, ngọt, thơm… rõ ràng, nuôi ngan Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi gà, vịt, tuy nhiên hiện “đầu ra” tại chỗ vẫn còn khó. Do thói quen của người dân chưa dùng ngan làm thực phẩm thường xuyên nên thị trường tiêu thụ tại địa phương còn chậm (500 con giống/tháng, 1 tạ thịt ngan/ngày). Lý do thứ hai là bà con ngại nuôi ngan Pháp do có màu trắng, không phù hợp với tập quán chăn nuôi tại địa phương.

Theo anh Thịnh, hiện nay tuy “đầu ra” còn khó, anh phải tìm kiếm thị trường ở Tây Nguyên nhưng với hiệu quả kinh tế cao thì nuôi ngan Pháp vẫn có lợi hơn nhiều so với nuôi gà, vịt. Do tập quán của chúng ta chưa quen với việc sử dụng patê gan nên việc nuôi còn hạn chế, nếu có hợp đồng chế biến xuất khẩu patê gan thì nuôi ngan Pháp có nhiều triển vọng.

H.A