Bên cạnh ngôi nhà cổ ngót nghét 200 năm tuổi với mái ngói rêu phong, ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) đã xây dựng thêm một ngôi nhà lợp mái tôn xanh để dùng làm nơi đón tiếp du khách.
Bên cạnh ngôi nhà cổ ngót nghét 200 năm tuổi với mái ngói rêu phong, ông Nguyễn Xuân Hải (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) đã xây dựng thêm một ngôi nhà lợp mái tôn xanh để dùng làm nơi đón tiếp du khách. Ông Hải cho biết, vì không có tiền để xây dựng nhà lợp ngói nên ông đã phải làm nhà mái tôn, dù biết điều này sẽ phá hỏng không gian nhà cổ.
Cách đây khoảng 8 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đặt vấn đề bảo tồn nhà cổ để phục vụ du lịch. Ngành Văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc điều tra, khảo sát về hiện trạng nhà cổ, đưa ra các phương án để bảo tồn. Thế nhưng, sau nhiều cuộc họp bàn, vấn đề bảo tồn nhà cổ vẫn không đi đến hồi kết, nhiều ngôi nhà bị xuống cấp, bị gia chủ rao bán. Mới đây, khi theo chân khách du lịch tàu biển lên thăm nhà ông Nguyễn Xuân Hải - điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch đồng quê và tour du lịch sông Cái, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì sự “biến dạng” của không gian nhà cổ. Bên cạnh ngôi nhà cổ ngót nghét 200 năm tuổi với mái ngói rêu phong, chủ nhân ngôi nhà đã xây dựng thêm một ngôi nhà lợp mái tôn để dùng làm nơi đón tiếp du khách. Một du khách nước ngoài hỏi hướng dẫn viên tại sao lại có nhà tôn bên cạnh nhà cổ, khiến hướng dẫn viên lúng túng.
Du khách quốc tế sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy ngôi nhà lợp mái tôn bên cạnh một ngôi nhà cổ đậm dấu ấn truyền thống? |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải cho biết, cách đây khoảng 4 năm, ông xây dựng ngôi nhà lợp mái tranh để đón tiếp du khách, nhưng qua vài năm, mái tranh bị mục nên phải làm lại. Do không có kinh phí để làm lại giàn vì kèo để lợp ngói (vì kèo hiện nay không đủ chịu lực) nên ông phải lợp mái tôn. Ông Hải tâm sự: “Tôi biết, việc lợp mái tôn cho ngôi nhà này sẽ bị “chỏi” với không gian nhà cổ, nhưng vì không có tiền nên đành phải làm như vậy”. Bà Nguyễn Thị Hồng Đào (vợ ông Hải) cho biết, nhà cổ của gia đình đã đưa vào phục vụ du lịch được 17 năm. Cơ quan chức năng đã nhiều lần đến kiểm tra, khảo sát nhưng vẫn không hề có sự hỗ trợ nào dù đã nhiều lần hứa hẹn. “Cách đây chừng 10 năm, khi gia đình tôi cho sửa chữa ngôi nhà cổ, cán bộ ngành Văn hóa có xuống kiểm tra, hứa rằng Nhà nước sẽ có kinh phí hỗ trợ, nhưng khi làm xong thì chẳng thấy ai nói đến chuyện này nữa”, bà Đào nói. Theo bà Đào, cách đây vài năm, ông Hải đã quyết định “đóng cửa” nhà cổ, ngưng phục vụ khách tham quan du lịch, nhưng vì các đơn vị lữ hành động viên nên gia đình đã gắng gượng mở cửa, duy trì việc đón khách trở lại. “Để phục vụ du lịch, gia đình tôi đã phải vay mượn tiền làm hệ thống nhà vệ sinh, làm nhà, mua sắm bàn ghế để đón tiếp khách. Mới đây, gia đình tôi cũng phải vay mượn gần 70 triệu đồng để sửa căn nhà mái tôn này…”, bà Đào cho biết.
Được biết, hiện nay, gia đình ông Hải đang ký hợp đồng với một số đơn vị lữ hành với mức giá 30.000 đồng/khách (bao gồm cả phí tham quan và tiền trái cây), một số đơn vị khác chỉ ký hợp đồng tiền phí tham quan từ 150.000 đến 250.000 đồng/xe khách. Theo bà Đào, số tiền thu được từ việc đón tiếp khách du lịch không đáng là bao. Hiện nay, gia đình bà muốn lắp hệ thống quạt hơi nước để làm mát cho du khách, nhưng vì thiếu kinh phí nên chưa làm được. Cầu tàu để đón các tàu du lịch đi tour sông Cái đã bị lũ cuốn trôi từ năm trước cũng chưa có kinh phí để sửa chữa.
Liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nhà cổ; hiện tại cũng chưa có nhà cổ nào được xếp hạng di tích. Thời gian qua, Trung tâm chỉ thống kê các nhà cổ trên địa bàn để theo dõi”. Cũng vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Khánh Hòa cho biết: Nhà cổ của ông Nguyễn Xuân Hải là một trong những điểm đến quan trọng của tour du lịch đồng quê và tour du lịch sông Cái. Chính vì vậy, việc bảo tồn không gian nhà cổ, đưa nhà cổ vào phục vụ du lịch có ý nghĩa không nhỏ đối với ngành Du lịch cũng như việc quảng bá truyền thống văn hóa của địa phương. “Trong việc bảo tồn không gian nhà cổ để phục vụ du lịch, ngành Văn hóa, Du lịch cần có chính sách hỗ trợ cho gia chủ. Đặc biệt, các đơn vị lữ hành thường xuyên đưa khách đến tham quan ở nhà ông Hải cũng nên đóng góp kinh phí để có thể duy trì, khai thác không gian nhà cổ một cách hiệu quả lâu dài chứ không nên khoán trắng cho gia đình”, ông Thành bày tỏ. Cùng quan điểm với ông Thành, ông Võ Đình Thu - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Ngành Du lịch nên đặt vấn đề các doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ gia đình ông Hải trong việc nâng cấp cơ sở để đón khách, bởi hiện nay, kinh tế gia đình ông Hải đã cạn kiệt, không thể đầu tư thêm. Không nên nghĩ rằng, gia đình ông Hải thu phí tham quan thì phải tự làm lấy tất cả mọi việc, bởi nguồn thu từ phí tham quan cũng như việc phục vụ hoa quả cho du khách cũng không là bao. Các doanh nghiệp cần có cách nhìn dài hơi, bởi nếu như nhà cổ của ông Hải bị hư hại, không đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách thì rất khó tìm kiếm một địa chỉ khác để thay thế”. Theo ông Thu, trong việc xây dựng, cải tạo không gian nhà cổ, chủ gia đình và các doanh nghiệp cũng như ngành Du lịch cần ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết hợp lý.
Việc ông Hải tự mình xây dựng nhà mái tôn để làm nơi đón tiếp khách là điều hết sức đáng tiếc, cần sớm được khắc phục.
XUÂN THÀNH