Có những thay đổi lớn và quan trọng trong cơ chế tín dụng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, liên quan đến quan điểm điều hành tỷ giá và một nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp.
Nội dung chính của Thông tư 03 chỉ khoảng nửa trang giấy nhưng đã có thay đổi lớn và quan trọng, thậm chí có thể xem là một bất ngờ. |
Có những thay đổi lớn và quan trọng trong cơ chế tín dụng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, liên quan đến quan điểm điều hành tỷ giá và một nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Cơ chế cũ vừa thực hiện đúng một năm đã có thay đổi.
Nội dung chính của Thông tư 03 chỉ khoảng nửa trang giấy nhưng đã có thay đổi lớn và quan trọng, thậm chí có thể xem là một bất ngờ.
Ba điểm sửa đổi
Trái với một số thông tin có trên thị trường nói rằng đã có sự mở rộng thêm các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, dễ nhận thấy cơ chế mới đã cắt đi một nhóm đối tượng đáng kể.
Thứ nhất, theo cơ chế cũ, các ngân hàng được cho vay những nhu cầu sau: cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay, mua của tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác được cam kết bằng văn bản.
Ở cơ chế mới, phần mở rộng in đậm trên đã bị cắt, đồng nghĩa với việc thu hẹp diện được vay vốn. Có thể hiểu sự thu hẹp này nhằm hạn chế cung ảo và áp lực cầu ngoại tệ thương mại khi các khoản vay đáo hạn đối với tỷ giá.
Thay đổi thứ hai là một nhóm đối tượng được vay đề cập rất cụ thể trong cơ chế cũ đã không còn. Đó là: cho vay ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua biên giới mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ để trả nợ từ nguồn thu xuất khẩu; trường hợp khách hàng vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này để sử dụng trong nước thì phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).
Cơ chế mới đã không quy định cụ thể nhóm đối tượng xuất khẩu nói trên, như từng được xem là một sự ưu ái và để tạo một sự tương tác cần thiết trong điều hành tỷ giá trước đây. Nói đúng hơn là đã có sự cắt bỏ.
Thứ ba, thông tư mới bổ sung cụ thể nhóm nhu cầu vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép bằng văn bản. Sự bổ sung nhóm nhu cầu này là cần thiết, vì nó hút một nguồn ngoại tệ lớn và có ảnh hưởng đến thị trường; nhà điều hành cần chủ động giám sát qua cơ chế cho phép bằng văn bản như vậy.
Nhưng Thông tư cũng mở một cánh cửa cho các nhu cầu vay ngoại tệ đối với các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, hiệu quả mà tổ chức tín dụng đã thẩm định… Song, Ngân hàng Nhà nước sẽ là người gác cổng, chấp thuận hay không đối với từng trường hợp cụ thể.
Siết dòng vốn rẻ
Điểm cần quan tâm trong cơ chế mới là đã có sự loại trừ nhóm nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu, vay ngoại tệ quy đổi sang VND để đưa vào sản xuất kinh doanh trong nước. Nguồn ngoại tệ vay được bán lại cho tổ chức tín dụng, nguồn ngoại tệ trả có từ nguồn thu từ xuất khẩu đối ứng trong tương lai.
Thời gian qua, với những doanh nghiệp đó, tín dụng ngoại tệ đã tạo nên một dòng vốn rẻ, khi vay USD lãi suất thấp hơn rất nhiều lần so với vay bằng VND. Sự ổn định của tỷ giá USD/VND từ cuối năm 2011 và triển vọng năm 2012 càng tạo thêm thuận lợi cho dòng vốn này. Nguồn vốn rẻ kích thích họ mở rộng sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế và tựu trung là kích thích xuất khẩu, góp phần hạn chế bớt nhập siêu.
Với thị trường ngoại hối, vay ngoại tệ và quy đổi như vậy đã tạo cung ngoại tệ thương mại cho thị trường, hỗ trợ ổn định tỷ giá, còn áp lực đáo hạn đã được giải tỏa bằng nguồn thu ngoại tệ của họ từ xuất khẩu.
Dòng chảy tín dụng ở nhóm đối tượng đó đã tạo những giá trị tốt cho doanh nghiệp, cũng như đối với yêu cầu bình ổn tỷ giá USD/VND suốt thời gian qua.
Nay, cơ chế mới không dành riêng sự ưu ái cho nhóm nhu cầu đó như ở cơ chế cũ; dù rằng vẫn mở một cánh cửa như đề cập ở trên, nhưng sẽ rất hạn chế khi Ngân hàng Nhà nước xét duyệt từng trường hợp một.
Cơ chế mới đã siết dòng vốn rẻ đó. Đây thực sự là một bất ngờ trước những giá trị nói trên của dòng vốn cùng tác động từ sự chuyển hóa của nó. Để chắc chắn hơn, người viết đã tìm hiểu thêm về điểm này từ lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước và nhận được sự khẳng định. Cũng có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tin giải thích cụ thể hơn về các nhóm đối tượng được vay và không được vay, hoặc giải đáp thêm tại cuộc họp báo dự kiến đầu tuần này.
Song, sẽ không bất ngờ nếu đặt trong một hướng suy luận khác: Ngân hàng Nhà nước đang muốn đẩy nhanh việc cơ cấu lại các mối quan hệ trên thị trường ngoại hối, chuyển các quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán, tăng thêm sự chủ động trong điều hành tỷ giá. Lúc này, tỷ giá USD/VND đang ổn định và có triển vọng kiểm soát tốt, nguồn lực dự phòng đã cải thiện (dự trữ ngoại tệ ước tính đã đạt trên dưới 18 tỷ USD) là môi trường thuận lợi.
Nhưng siết một nhóm nhu cầu như vậy có “vơ đũa cả nắm” hay không? Với doanh nghiệp xuất khẩu, rõ ràng một dòng vốn rẻ sẽ bị hạn chế; với thị trường ngoại hối, một nguồn cung thương mại từ chuyển đổi qua tín dụng bị chặn bớt. Có lẽ cái lý của Ngân hàng Nhà nước ở vế sau là nguồn cung đó, có từ thu xuất khẩu, rồi doanh nghiệp cũng phải bán lại cho các ngân hàng mà không găm giữ căng thẳng như trước, khi mà chênh lệch lãi suất giữa USD với VND là quá lớn, và chính sách sẽ tiếp tục theo đuổi mức độ chênh lệch này.
Hay đơn giản chỉ là, đến lúc này, việc điều hành tỷ giá không cần đến sự hỗ trợ của nguồn cung chuyển đổi đó nữa?
Còn theo giải thích bước đầu từ Ngân hàng Nhà nước, cơ chế cho vay mới là nhằm đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động và chủ trương hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Theo VnEconomy