11:03, 16/03/2012

Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản cần gắn với bảo vệ môi trường

Những năm qua, công tác bảo vệ, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản  trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Những năm qua, công tác bảo vệ, quản lý, khai thác (KT) nguồn tài nguyên khoáng sản (KS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Hầu hết các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KT KS đã có ý thức tự giác chấp hành quy định về hoạt động KT gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do không ít đơn đơn vị hoạt động KT KS có năng lực kỹ thuật KT mỏ hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu… đã tác động không nhỏ đến công tác cải tạo và phục hồi môi trường. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn tài nguyên KS ở một số địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng KT KS trái phép thường xuyên xảy ra.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, trên địa bàn Khánh Hòa có 42 doanh nghiệp được cấp 51 giấy phép KT KS, chủ yếu thuộc các lĩnh vực đá vật liệu xây dựng, KT cát trắng, nước khoáng, đá granit ốp lát… Những năm qua, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, KT KS; công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm; các chính sách khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đánh giá hiện trạng về môi trường đối với hoạt động KT KS đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Qua giám sát, hầu hết các đơn vị được cấp phép đều thực hiện tốt quy định của pháp luật hiện hành về KT, chế biến KS; tuân thủ đánh giá tác động môi trường, cải tạo phục hồi môi trường sau KT, đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, nộp phí và quỹ phục hồi môi trường theo quy định… Công tác cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được thực hiện trên cơ sở quy hoạch KS của tỉnh, không nằm trong khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động KS… nên hoạt động KT KS trên địa bàn ngày càng phát triển, đóng góp vào ngân sách ngày càng tăng, nguồn tài nguyên KS được KT, sử dụng hợp lý. Mặt khác, một số đơn vị có tiềm lực tài chính đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nên khu vực KT đảm bảo yếu tố môi trường, tỷ lệ KS thu hồi cao.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá granite để sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ gặp không ít khó khăn vì thiếu nguyên liệu.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá granite để sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ gặp không ít khó khăn vì thiếu nguyên liệu.

Trên thực tế, công tác quản lý nhà nước về KS chỉ có ở cấp tỉnh, huyện; cán bộ chủ chốt ở cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý chủ yếu kiêm nhiệm, chưa đáp ứng đủ chuyên môn về tài nguyên KS. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, khi phát hiện sai phạm còn lúng túng trong xử lý; công cụ, thiết bị để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn việc KT KS trái phép còn hạn chế và thiếu hiệu quả. Hiện nay, năng lực kỹ thuật KT mỏ của một số đơn vị hoạt động KT KS trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Điều này đã tác động không nhỏ đến công tác cải tạo và phục hồi môi trường. Mặt khác, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát nguồn tài nguyên KS ở một số địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng KT KS trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động KT đá granite để sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ gặp không ít khó khăn vì trữ lượng các mỏ chưa được thăm dò, KT cầm chừng theo giấy phép tạm thời của UBND tỉnh nên thiếu nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy sản xuất.

Hiện nay, việc thi công các dự án, công trình có nhu cầu rất lớn về vật liệu san lấp, cát xây dựng nhưng những quy định về việc cấp phép KT loại KS này còn nhiều bất cập. Đối với các loại đá làm vật liệu xây dựng thông thường như: đá xay, đá chẻ có quy mô rất nhỏ, phân tán giữa nương rẫy, đất trồng rừng giao quản lý, bảo vệ được người dân tận dụng KT nhưng chưa có quy định phù hợp để cấp phép.

Bên cạnh đó, việc thuê đất để KT KS còn gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng không thuê đất mà tiến hành KT vẫn chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời. Công tác theo dõi việc nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chuyên ngành và địa phương nên xảy ra tình trạng nợ tiền quỹ KT KS trong khi giấy phép KT đã hết hạn. Hiện nay, quỹ môi trường tỉnh đang trong giai đoạn thẩm định, thành lập nên chưa phát huy được chức năng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các đơn vị, cá nhân và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực KS.

Để bảo vệ, KT hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, KS trên địa bàn, cơ quan chức năng tỉnh cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý chặt chẽ và hạn chế đến mức thấp nhất việc KT KS tràn lan. Bên cạnh đánh giá đúng hiện trạng KT KS của các doanh nghiệp, các ngành và địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý những vi phạm pháp luật liên quan đến KT KS. Mặt khác, tỉnh cần có những chính sách cụ thể để bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên KS gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn trong hoạt động KT KS. Qua đó giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa KT với bảo vệ, khôi phục và đảm bảo môi trường ổn định sau KT.

ANH TUẤN