05:03, 28/03/2012

Doanh nghiệp vận tải thận trọng khi tăng giá cước

Xăng dầu tăng giá, ngành dịch vụ vận tải phải chịu tác động trực tiếp của giá nhiên liệu, vì vậy, việc cước vận tải tăng giá là điều khó tránh khỏi.

Xăng dầu tăng giá, ngành dịch vụ vận tải phải chịu tác động trực tiếp của giá nhiên liệu, vì vậy, việc cước vận tải tăng giá là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa mới chỉ có hãng taxi Mai Linh tăng giá cước từ 5 đến 7%, còn các doanh nghiệp (DN) vận tải khách khác, nhất là xe đường dài vẫn đang thận trọng về việc tăng giá cước.

Ông Nguyễn Công Hải - Trưởng Bến xe phía Nam TP. Nha Trang cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được một thông báo nào về việc tăng giá cước vận tải khách. Về nguyên tắc, đối với kinh doanh vận tải, giá đầu vào tăng, giá cước vận tải tăng theo là điều tất yếu. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hành khách (HK) đi lại rất hạn chế, nếu tăng giá vé sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Chúng tôi mong các DN chưa vội điều chỉnh giá cước vận tải lúc này để chia sẻ phần nào khó khăn với cộng đồng. Các DN nên có những biện pháp như tiết giảm chi phí đầu vào, đối với xe liên tỉnh chỉ đón khách tại bến, tránh chạy vòng vo đón trả khách. Về lâu dài, cần tính toán mức tăng phù hợp để HK chấp nhận được”.

Giá cước vận tải khách tuyến cố định chưa thay đổi.
Giá cước vận tải khách tuyến cố định chưa thay đổi.

Đối với Công ty Phương Trang, hiện nay, DN vẫn chưa điều chỉnh tăng giá. Ông Lê Ngọc Hải - Giám đốc Công ty cho biết, tuy xăng dầu tăng giá đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, khiến Công ty phải cắt giảm một số khoản, thế nhưng muốn điều chỉnh giá cũng phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt, Công ty tập trung nâng cao chất lượng phục vụ HK và tăng cường kiểm tra để không thất thoát tiền. Theo sự chỉ đạo của Tổng Công ty, các đơn vị trực thuộc phải tiết giảm mọi chi phí bình ổn giá đến hết quý I. Sau đó, Công ty sẽ tính toán cân đối lại chi phí đầu vào, nếu các chi phí khác không tăng thì chưa tính đến chuyện tăng giá cước… Thực tế, trong quá trình kinh doanh, Công ty Phương Trang luôn có các biện pháp dự trữ nguồn nguyên - vật liệu nên khi xăng dầu biến động, Công ty rất thận trọng trong việc điều chỉnh giá cước. Việc làm này vừa góp phần giúp Nhà nước bình ổn giá cả thị trường, vừa không làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của DN. “Bên cạnh tiết giảm chi phí đầu vào, chúng tôi đã làm việc với người lao động, mong muốn họ cùng chia sẻ những khó khăn với DN. Cụ thể, Công ty vẫn nâng lương theo quy định cho người lao động nhưng sẽ điều chỉnh lại lộ trình tăng lương” - ông Lê Ngọc Hải cho biết. Hiện nay, giá cước vận tải HK tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ ổn định 190.000 đồng/vé.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tăng giá xăng dầu, các DN vận tải trên địa bàn tỉnh đều thận trọng khi đưa ra giá cước mới nhằm bảo đảm tính cạnh tranh và “giữ chân” khách hàng. Hiện nay, hầu hết các DN xe khách đường dài vẫn chưa điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển (do thời điểm này HK đi lại không nhiều, đồng thời để có thời gian theo dõi diễn biến của thị trường).

Hiện nay, mới chỉ có hãng taxi Mai Linh tăng giá cước.
Hiện nay, mới chỉ có hãng taxi Mai Linh tăng giá cước.

Khác với vận tải HK đường dài, ngay trong những ngày đầu tăng giá xăng dầu, một số hãng taxi trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch điều chỉnh giá cước. Mai Linh là hãng taxi đầu tiên tại Khánh Hòa tăng giá cước từ 5 đến 7%. Theo ông Nguyễn Đức Hà - Tổng Giám đốc Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, “xăng dầu tăng giá nên DN tăng giá cước vận tải để bù lỗ là lẽ tất nhiên. Theo tính toán của Bộ Tài chính, Nhà nước tăng giá xăng dầu lên 10%, chi phí vận tải chỉ tăng từ 5 đến 6% (Bộ Tài chính đang tính theo kiểu lãi suất vay ưu đãi). Trong khi đó, hiện nay, chúng tôi vẫn vay vốn với lãi suất từ 21 đến 22%/năm. Với lãi suất đó, DN không tăng giá sẽ bị lỗ nặng”. “Lúc đầu, khi giá xăng dầu tăng, Công ty chưa kịp tăng giá cước. Để duy trì hoạt động và bù chi phí tăng, chúng tôi phải hỗ trợ tài xế 50% số tiền xăng bội chi. Còn bây giờ, chúng tôi phải tăng giá phù hợp để DN khỏi bù lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá cước như hiện nay vẫn chưa tương xứng với việc tăng giá xăng dầu. Vì vậy, chúng tôi phải tính đến công tác phát triển kinh doanh, mở rộng đối tượng khách hàng, đa dạng hóa hình thức kinh doanh, hạn chế chiều chạy rỗng, tăng số kilômét có khách. Ngoài ra, chỉ đạo người lao động nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, chăm sóc các điểm tiếp thị, chính sách hậu mãi tốt để thu hút khách” - ông Hà cho biết.

Có thể nói, việc điều chỉnh giá cước phải tuân theo lộ trình nên đến ngày 24-3, ngoài Mai Linh tăng giá cước thì hầu hết các hãng taxi vẫn chưa tăng giá. Hiện nay, một số hãng đã làm xong thủ tục, gửi văn bản tăng giá cước tới cơ quan chức năng. Như vậy, dự kiến khoảng đầu tháng 4, các hãng taxi sẽ tăng giá cước, mức tăng từ 6 đến 10%. Theo các chuyên gia, khi xăng tăng giá, việc điều chỉnh giá cước vận tải là bất khả kháng. Tuy nhiên, các DN vận tải hàng hóa và HK cần bình tĩnh tính toán, tổ chức vận tải hợp lý để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giữ được khách. Vì trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN điều chỉnh giá không hợp lý sẽ tạo ra chênh lệch giá cước vận chuyển, làm đảo lộn tính cạnh tranh.

KHÁNH HÀ