06:03, 20/03/2012

Cần tạo mối liên kết “4 nhà”

Khánh Hòa có tổng diện tích gieo trồng xấp xỉ 106.000ha, trong đó lúa 46.000ha, mía 18.000ha, bắp 6.000ha, mỳ 4.600ha, rau đậu các loại 6.800ha…

Khánh Hòa có tổng diện tích gieo trồng xấp xỉ 106.000ha, trong đó lúa 46.000ha, mía 18.000ha, bắp 6.000ha, mỳ 4.600ha, rau đậu các loại 6.800ha… và nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác. Tuy nhiên, ngoài các mặt hàng mía đường, thủy sản, muối, gỗ rừng trồng có đầu ra tương đối ổn định, các mặt hàng nông sản khác như: lúa, mỳ, bắp, xoài, chuối, rau xanh… và các sản phẩm chăn nuôi như: heo, bò, gà, vật nuôi mới… người nông dân đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Với khí hậu và thổ nhưỡng tương đối ôn hòa, Khánh Hòa có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi và nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài các cây trồng truyền thống như lúa, mía, mỳ, bắp, chuối, rau xanh…; các sản phẩm chăn nuôi như: heo, bò, gà…, tỉnh đã phát triển trên 12.000ha cây ăn quả như xoài Úc, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… và trở thành những cây trồng chủ lực ở một số địa phương (Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh). Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 9.593ha sử dụng nuôi trồng các đối tượng thủy sản, trong đó nuôi thủy sản nước ngọt khoảng 1.100ha, nuôi thủy sản nước lợ 4.808ha; nuôi mặt nước biển ven bờ 3.685ha. Do nằm trong vùng sinh thái khá đa dạng, nuôi trồng thủy sản ở Khánh Hòa không chỉ tập trung vào con tôm sú, tôm hùm, cá mú, ngọc trai, cua, ghẹ, rong sụn như những năm trước đây mà còn được đầu tư phát triển đa dạng, nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá bớp, hải sâm, bào ngư, cá khoang cổ đỏ, cá chẽm, cá chim… Không thể phủ nhận, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ở Khánh Hòa bước đầu đã khẳng định được vị thế, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã trở thành những mặt hàng chủ lực để xuất khẩu như tôm, gỗ rừng trồng, xoài Úc… góp phần quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp phát triển nông thôn.

 Các nhà máy chế biến thủy sản ở Khánh Hòa hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.
  Các nhà máy chế biến thủy sản ở Khánh Hòa hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Những năm qua, tuy chương trình phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã được triển khai nhưng chưa đồng bộ và thiếu hiệu quả. Thực tế, trong tỉnh bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu mía, hoa quả, rừng trồng nhưng không đủ cung cấp, hoặc chưa xây dựng được các nhà máy chế biến; ngược lại các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu lại không đủ nguyên liệu nên chỉ hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế không cao. Công tác nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi đã được triền khai ở một số địa phương, song nhìn chung sản lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nguyên liệu của các cơ sở công nghiệp về cả chất lượng và số lượng. Một hạn chế đáng kể trong phát triển cây nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp là công tác quy hoạch mới dừng ở mặt tổng thể, chưa có quy hoạch sử dụng đất cụ thể, chi tiết cho từng vùng đất, thổ nhưỡng khác nhau. Vì thế, diện tích đất có thể sử dụng thực tế thấp hơn so với diện tích quy hoạch do xen lẫn những diện tích không phù hợp với cây trồng. Đặc biệt, có sự tranh chấp các vùng đất tốt cho các mục đích khác, trong đó vùng cây nguyên liệu cho công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, khả năng cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quá trình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp còn chậm. Hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp. Công tác bảo quản sau thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn trong quá trình hội nhập… Đặc biệt, các hình thức sản xuất ở nông thôn còn manh mún và hiệu quả không cao.

Để tháo gỡ những bất cập, khó khăn về chính sách thực hiện liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với các thành phần kinh tế ở nông thôn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, cần tạo được mối liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp). Cần sớm cảnh báo, dự báo các vấn đề liên quan đến phát triển vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm để tránh tình trạng doanh nghiệp chế biến thiếu nguyên liệu cho sản xuất, nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng cung ứng nguyên liệu…; hoặc ngược lại, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Qua đó, kêu gọi các thành phần kinh tế đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn; xây dựng các khu công nghiệp tập trung, các điểm công nghiệp ở nông thôn nhằm bao tiêu sản phẩm gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Thông qua mối liên kết “4 nhà”, các hộ nông dân, các thành phần kinh tế ở nông thôn sẽ được cung cấp các thông tin trợ giúp kỹ thuật, thông tin thị trường, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…, xóa bỏ tình trạng độc quyền, hạn chế rủi ro thị trường bằng việc cải thiện điều kiện mua bán sản phẩm của người nông dân.

Bài và ảnh: A.T