12:02, 21/02/2012

Kẻ cười, người khóc

Đến thời điểm này, mùa thu hoạch vẹm tại Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã kết thúc nhưng dư âm để lại vẫn còn biết bao niềm vui, nỗi buồn.

Đến thời điểm này, mùa thu hoạch vẹm tại Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã kết thúc nhưng dư âm để lại vẫn còn biết bao niềm vui, nỗi buồn.

Ông Trần Tài (thôn Tân Đảo, Ninh Ích) là một trong số ít người nuôi vẹm tại đầm Nha Phu “trúng” trong vụ thu hoạch này. Ông Tài cho biết, ông đã bán vẹm từ trước Tết Nguyên đán, giá dao động từ 12.000 - 17.000 đồng/kg. Với sản lượng khoảng 7 tấn, lợi nhuận ông thu được là 120 triệu đồng. Đây là mùa vẹm đem lại nguồn thu lớn đối với ông trong vài năm gần đây, kể từ sau dịch bệnh gây chết vẹm hàng loạt (năm 2009). Theo ông Tài, số người “trúng lớn” như ông không nhiều. Ông Mai Văn Chánh (trú thôn Tân Đảo) thu 110 triệu đồng; còn lại, những người khác thu 40 - 50 triệu đồng. Ông Tài là một trong những người đầu tiên tại Tân Đảo nuôi vẹm khi phong trào bắt đầu khởi phát. Ông Tài cho rằng, so với nhiều đối tượng thủy sản khác, nuôi vẹm hiệu quả hơn cả. Nếu không có dịch bệnh gây chết hàng loạt thì không có nghề nào thu nhập cao bằng nuôi vẹm, bởi không phải cho ăn, chăm sóc, chỉ chờ đến kỳ thu hoạch. Ông đã đầu tư hơn 1.000 cọc nuôi vẹm với chi phí hơn 8 triệu đồng (thời điểm cách đây 8 năm), bình quân sau 8 - 12 tháng nuôi, thu hoạch 5kg/cọc, sản lượng hơn 5 tấn. Hiện nay, với giá thị trường 20.000 đồng/kg, tổng thu đến 100 triệu đồng là chuyện thường.

Mùa thu hoạch vẹm tại Ninh Ích năm nay, không phải ai cũng vui. (4618)
Mùa thu hoạch vẹm tại Ninh Ích năm nay, không phải ai cũng vui.

Cũng theo ông Tài, vụ thu hoạch này không phải ai cũng phấn khởi, bởi xuất hiện vẹm chết nhưng không rõ nguyên nhân. Người nuôi phát hiện, vẹm lớn bằng ngón tay bị chết hàng loạt, còn vẹm con mới sinh không bị chết. Có khu vực vẹm không chết nhưng xung quanh lại lác đác vẹm chết. Người thu hoạch sớm không bị ảnh hưởng, nhưng những người để lại nuôi thêm nhằm hy vọng tăng sản lượng thì gặp phải tình trạng vẹm chết hàng loạt, không còn gì để bán, thua lỗ hàng chục triệu đồng vốn đầu tư. Người nuôi vẹm ghi nhận, hiện tượng vẹm chết bắt đầu từ sau 20 tháng Chạp và kéo dài cho đến sau Tết Nhâm Thìn. Những người giữ vẹm lại đều bị thua lỗ. Lúc này, tuy giá cao đến 19.000 - 20.000 đồng/kg nhưng không có vẹm để bán.

Ninh Ích khởi phát nuôi vẹm từ năm 2002, khi có sự chuyển giao mô hình từ các viện, trường tại Khánh Hòa. Đến nay, số hộ nuôi vẹm đã lên tới 270 hộ, tập trung tại 3 thôn: Tân Đảo, Tân Ngọc và Ngọc Diêm, trong đó đứng đầu là Tân Đảo. Nhờ nuôi vẹm, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu. Tuy nhiên, dịch bệnh gây vẹm chết hàng loạt vào năm 2009 đã khiến cho nghề nuôi vẹm sa sút. Vài năm trở lại đây, người dân không còn mặn mà với con vẹm. Với số cọc đầu tư ban đầu, con vẹm “tự sinh tự diệt”, khi môi trường thích hợp thì sinh sôi nảy nở. Năm nay, người nuôi ghi nhận có vẹm thương phẩm trở lại. Tuy nhiên, vẹm phát triển vẫn chưa ổn định. Đây vẫn là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chuyên môn. Cho đến nay, vì sao vẹm chết hàng loạt vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân nên nuôi mật độ thưa để tránh dịch bệnh và cạnh tranh thức ăn, thường xuyên vệ sinh cọc, nền đáy để tránh khí độc tích tụ. Tuy nhiên, người dân vẫn quen lối sản xuất tự do, không làm theo khuyến cáo nên khó có thể bảo vệ nghề nuôi ổn định.

Theo ông Võ Đình Long - cán bộ phụ trách kinh tế xã, năm nay, con vẹm phát triển trở lại và có nguồn thu cho người nuôi; sản lượng vẹm thu được hàng chục tấn, giá khá cao (17.000 - 20.000 đồng/kg), nhiều người nuôi trúng mùa. Hiện nay, diện tích nuôi vẹm của địa phương khoảng 87ha, với hàng trăm ngàn cọc. Tuy nhiên, người nuôi vẫn chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng mà chỉ giữ nguyên diện tích cũ cùng cách làm cũ (dựa vào thiên nhiên). Người dân cho rằng, vùng biển này sẽ quy hoạch làm bãi đua du thuyền nên chần chừ, không dám mở rộng sản xuất. Mặt khác, dịch bệnh chưa được khống chế cũng khiến nhiều người e dè.

Theo chúng tôi, việc nuôi vẹm hay bất cứ đối tượng thủy sản nào khác, nếu muốn bền vững, cần phải có quy hoạch ổn định, rõ ràng. Quy hoạch chi tiết sẽ giúp các nhà quản lý định hướng kế hoạch nuôi trồng, phát triển, quản lý dịch bệnh và xử lý được những khiếu nại, tranh chấp về sau. Về phía người nuôi, cũng cần mạnh dạn đầu tư, có ý thức bảo vệ vùng nuôi, bảo vệ môi trường nếu được cấp phép sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, việc quy hoạch còn mang tính hình thức, chưa có chiều sâu khiến cho việc đầu tư nuôi thủy sản không thể ổn định, lâu dài.

H.A